Những mối lo mới về hàng “bẩn”

(ANTĐ) -Trước tình hình hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam đang khó kiểm soát về chất lượng, nhất là hàng lậu, không chỉ biến Việt Nam thành thị trường tiêu thụ sản phẩm kém chất lượng, mà có thể còn nguy cơ nhiễm độc, nhiễm khuẩn gây hại cho sức khỏe và tính mạng người dân. Trong khi đó, vì lợi nhuận, nhiều cơ sở trong nước cũng gian dối, đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, hàng “bẩn”... Bức xúc này một phần do người dân thiếu ý thức, thiếu thông tin, chưa coi trọng ATVSTP.

Hưởng ứng tháng an toàn vệ sinh thực phẩm

Những mối lo mới về hàng “bẩn”

(ANTĐ) -Trước tình hình hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam đang khó kiểm soát về chất lượng, nhất là hàng lậu, không chỉ biến Việt Nam thành thị trường tiêu thụ sản phẩm kém chất lượng, mà có thể còn nguy cơ nhiễm độc, nhiễm khuẩn gây hại cho sức khỏe và tính mạng người dân. Trong khi đó, vì lợi nhuận, nhiều cơ sở trong nước cũng gian dối, đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, hàng “bẩn”... Bức xúc này một phần do người dân thiếu ý thức, thiếu thông tin, chưa coi trọng ATVSTP.

Đoàn kiểm tra ATVSTP kiểm tra thực phẩm tại các chợ Hà Nội
Đoàn kiểm tra ATVSTP kiểm tra thực phẩm tại các chợ Hà Nội

Những thông tin lo ngại

Viện Vệ sinh y tế công cộng và Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng phát hiện khoảng 50 mẫu sữa nhập khẩu đang lưu thông trên thị trường có hàm lượng đạm thấp hơn so với công bố trên bao bì sản phẩm, một số mẫu sữa nghi gây sạn thận cho trẻ.

Sở Y tế TP.HCM cũng cảnh báo sản phẩm bơ lạc của Peanut Corporation of America (Mỹ), mã lô hàng Lot codes 03 FEB9B và 29 APR09B nghi nhiễm salmonella tiêu chảy; xúc xích nhập khẩu Công ty Ballering nhiễm chất polychlorobifenyls tương tự dioxin; sữa tắm, dầu gội trẻ em của Johnson & Johnson có chứa hóa chất gây ung thư, thủy sản chứa kháng sinh...

Chi cục QLTT Hà Nội phát hiện số lượng lớn mì chính, nấm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng, không qua kiểm dịch thực vật và tiềm ẩn không ít nguy cơ ngộ độc. Chưa hết. Khi Malaysia vừa công bố cấm nhập khẩu cam của Thái Lan do phát hiện có dư lượng cao chất Ethion, một loại thuốc bảo vệ thực vật có độc tố cao, ngay lập tức ở TP.HCM, nhiều cửa hàng bán hoa quả vội vã đổi... xuất xứ của nhiều loại hoa quả lậu từ biên giới chuyển về thành cam, lê, táo Australia, Mỹ.

Trong khi đó, qua kiểm tra tại các chợ trung tâm của Hà Nội, đoàn kiểm tra của Sở Y tế cũng phát hiện rất nhiều cam, quýt, táo, lê, nho... dán nhãn ngoại song chủ cửa hàng không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hoa quả “mua từ chợ Long Biên” này. Vậy khi cơ quan quản lý ATVSTP cho rằng công tác giám sát, kiểm tra các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu tiến hành thường xuyên, sao vẫn để “lọt” cả những hàng hóa không qua kiểm dịch? Có bao nhiêu phần trăm số sản phẩm này đã, đang nhiễm hóa chất bảo quản, bảo vệ thực vật, nhiễm khuẩn độc hại?

Thiếu hiểu biết hay thiếu lương tâm?

Phòng CSĐT tội phạm về môi trường - CATP Hà Nội tiến hành kiểm tra cơ sở chuyên sản xuất lạp xường thủ công Liên Cường, Xuân Nộn, Đông Anh phát hiện cơ sở này sản xuất thực phẩm trong khu chế biến bẩn, nước sử dụng là nước... giếng khoan, không đảm bảo các yêu cầu về ATVSTP.

Thanh tra Sở Y tế TP.HCM kiểm tra Công ty Dược phẩm Tâm Đăng chuyên sản xuất và phân phối nước uống đóng chai nhãn hiệu Aquaphar; công ty TNHH Tân Tấn Đức, Công ty TNHH Thuận Huy... phát hiện nước đóng chai của các cơ sở này nhiễm vi trùng Colifors gây nhiễm bẩn, vi trùng Pseudomonas aeruginosa gây nhiễm trùng huyết, viêm phổi, nhiễm trùng hệ thống hô hấp, gây mủ xanh vết thương… không được phép có trong sản phẩm nước uống theo tiêu chuẩn Việt Nam.

Lực lượng Hải quan và Cảnh sát bảo vệ Môi trường Khu vực phía Nam cũng vừa phát hiện, lập biên bản tạm giữ hàng chục tấn bánh kẹo quá hạn sử dụng, thực phẩm và chất phụ gia không rõ nguồn gốc được Công ty Chanhua nhập khẩu vào thị trường Việt Nam tiêu thụ.

Còn nhớ những vụ óc lợn ngâm hóa chất ở chợ Kim Liên, bánh cuốn, bánh đúc có hàn the ở siêu thị BigC, 552 kg sách bò ngâm hóa chất ở phường Khâm Thiên, rau sạch nhiễm Ecoli…  cho thấy, khi thói quen tiêu dùng hàng giá rẻ, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ của nhiều người dân vẫn tồn tại, thì việc những kẻ kinh doanh thiếu lương tâm vẫn buôn lậu, vẫn sản xuất, bán những hàng hóa nhiễm khuẩn, nhiễm độc sẽ vẫn là lời cảnh báo chưa có... hiệu lực.

Bên cạnh đó, khi các cơ quan chức năng còn lúng túng, còn né tránh trách nhiệm khi cung cấp, đưa ra những thông tin sản phẩm, những thông số kỹ thuật về chất lượng sản phẩm, thì việc người dân không hiểu biết về chất lượng, tiêu chuẩn hàng hóa, nếu có ai đó quan tâm cũng bị “loạn” bởi không biết đâu là thông tin chính xác, cũng dễ hiểu.

Hàng rào kỹ thuật như thế nào?

Trên nguyên tắc, hàng hóa có nhãn hiệu, xuất xứ, có chứng nhận tiêu chuẩn hàng hóa quốc tế và Việt Nam, và thực hiện đúng “Quy chế kiểm tra Nhà nước về chất lượng an toàn vệ sinh đối với thực phẩm nhập khẩu” đều được phép nhập khẩu. Nhưng thực tế, cả nước có 50 cửa khẩu quốc tế, 43 cửa khẩu chính và phụ, 4 cửa khẩu hàng không, 3 cửa khẩu đường sắt, mỗi ngày nhập hàng trăm nghìn tấn thực phẩm, vậy mà mới chỉ có 8 trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế, 32 trung tâm y tế dự phòng kiểm tra y tế tại các cửa khẩu biên giới...

 Theo thông tin từ Cục ATVSTP, trong năm 2008 cả nước đã xảy ra 205 vụ ngộ độc thực phẩm lớn nhỏ làm 7.828 người mắc, 61 người tử vong ở 76,2% số tỉnh/thành phố  (48/63 tỉnh). Nguyên nhân của các vụ ngộ độc thực phẩm chiếm tỷ lệ lần lượt là thực phẩm hỗn hợp, thủy sản, nấm độc; ngũ cốc và các sản phẩm ô nhiễm; bánh kẹo, rượu, sữa…

Ghi nhận của ANTĐ tại biên giới phía Bắc, đội công tác liên ngành thường chỉ xem chủ hàng có đủ hợp đồng thương mại, chứng nhận xuất xứ, hóa đơn tính thuế, giấy chứng nhận kiểm dịch của phía nước xuất khẩu... xem qua hạn sử dụng trên bao bì thực phẩm (kiểm tra ngẫu nhiên), màu sắc, mùi vị, trường hợp cần thiết thì lấy mẫu xét nghiệm có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, độc tố vi nấm aflatoxin...

Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam thông tin, thông thường khi lô hàng thực phẩm muốn thông quan phải có Giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm của Cục ATVSTP, từng lô hàng phải có giấy xác nhận đạt yêu cầu nhập khẩu của Trung tâm tiêu chuẩn đo lường chất lượng, nhưng không hiểu sao, vẫn có sữa nhiễm khuẩn, thực phẩm nhiễm hóa chất, chân gà nhập khẩu bị u nần, bị hôi thối... lưu thông trong thị trường nội địa...

Trường Giang - Hà Bảo Lâm

Đẩy mạnh nâng cao nhận thức cho nhân dân

Tiêu chuẩn là tự nguyện áp dụng nên hàng hóa ở Việt Nam cũng như các nước trong khu vực, các nước phát triển, cho phép tự công bố tiêu chuẩn sử dụng, rồi hậu kiểm; chỉ một số nhóm hàng mới mang tính bắt buộc theo hệ thống tiêu chuẩn chất lượng quốc gia... Nhưng hệ thống TCVN về ATVSTP với gần 400 bộ tiêu chuẩn, nếu quy trình kiểm tra được thực hiện, đã rất nghiêm ngặt, chặt chẽ, đảm bảo an toàn.

Vậy vấn đề đặt ra là, tại sao thực phẩm nhiễm bẩn, nhiễm khuẩn, hóa chất độc hại trong thực phẩm vẫn tồn tại? Việt Nam đã có Pháp lệnh ATVSTP, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, do đó chúng ta phải nâng cao nhận thức cho người dân, đẩy mạnh hơn nữa phong trào toàn dân chống lại nạn hàng giả, hàng kém chất lượng và không đảm bảo vệ sinh an toàn. Các cơ quan quản lý cần có những kênh tiếp nhận thông tin phản ánh về hàng kém chất lượng, vi phạm ATVSTP qua đó xây dựng chế tài mạnh nhằm xử lý, răn đe những người sản xuất, kinh doanh gian dối, thiếu lương tâm, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm.

TS Vũ Văn Diện

(Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng Việt Nam)

 Việc nhiều, trang thiết bị quá thiếu

Danh mục các chất phụ gia được phép có trong thực phẩm ban hành của Bộ Y tế có tới hàng trăm chất với các mức độ và liều lượng khá phức tạp dài tới gần 100 trang giấy A4, do vậy, cán bộ kiểm tra thực phẩm nhập khẩu chỉ làm test nhanh bằng phương pháp định tính, rất khó xác định có hay không hóa chất bị cấm nếu không có những thiết bị hiện đại như máy phun khử trùng động cơ, các bộ dụng cụ dùng để thu thập xét nghiệm mẫu thực phẩm, mẫu nước, máy xét nghiệm sinh hóa, bộ dụng cụ test nhanh thực phẩm và kiểm tra dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật...

Đó là chưa kể thực phẩm: đường, sữa, thịt, hoa quả nhập khẩu lại chủ yếu đi bằng tiểu ngạch và nhập lậu, không thể kiểm tra. Hàng thực phẩm nhập khẩu hiện nay gần như chỉ thực hiện kiểm tra đầy đủ về kiểm dịch động, thực vật nhằm phát hiện mầm bệnh, vi khuẩn, nấm hay độc tố gây bệnh có đi theo thực phẩm vào Việt Nam hay không và công việc này lại thuộc Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y Bộ NN&PTNT đảm trách?!

TS Hồ Tất Thắng

(Phó Chủ tịch Hội tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam)

Chưa đấu tranh cho quyền lợi người tiêu dùng

Việt Nam có một số hội bảo vệ người tiêu dùng nhưng chưa tích cực đấu tranh cho quyền lợi người tiêu dùng, trong khi hàng ngày, hàng giờ chúng ta đang tiệm cận, sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhiễm bẩn. ở các nước trong khu vực, các hội bảo vệ người tiêu dùng thường xuyên tổ chức những cuộc điều tra, nghiên cứu chất lượng và an toàn của hàng hóa trên thị trường, đưa ra những khuyến cáo và chỉ dẫn có ích cho người tiêu dùng. Nhà nước đã chủ trương “xã hội hóa” với mục đích tăng cường sự giám sát, kiểm tra của các hội chuyên môn, giúp Nhà nước kiểm soát an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa. Đây là biện pháp tốt mà nhiều năm qua chúng ta chưa triển khai và hoạt động hiệu quả. 

PGS - TS Lê Hoàng Ninh

(Viện trưởng Viện Vệ sinh Y tế công cộng)

Sớm ban hành quy chế thông tin chất lượng

Ngành y tế sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra ATVSTP và nhanh chóng xem xét các quy định pháp lý hiện có nhằm sớm ban hành quy chế công bố thông tin chất lượng ATVSTP, trách nhiệm công bố những trường hợp phát hiện thực phẩm kém chất lượng, hàng hóa tạm đình chỉ sản xuất sản phẩm không phù hợp và kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật…

Bên cạnh đó, rất cần một hệ thống phòng thí nghiệm và các trang thiết bị kiểm tra đạt chuẩn đi kèm, bởi đây là cách duy nhất hạn chế những hàng hóa không đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân.

TS Nguyễn Công Khẩn

(Cục trưởng Cục ATVSTP)