Những mô hình tiêu biểu về quy hoạch cây đô thị

ANTĐ - Cây xanh là một phần quan trọng của kiến trúc đô thị, luôn được quy hoạch một cách khoa học và đồng bộ cùng với việc xây dựng đô thị. Paris, New York, London, hay Berlin – những thành phố nổi tiếng thế giới làm mê đắm lòng người một phần bởi được có không gian thoáng mát, trong lành, tạo dấu ấn khó quên về đô thị xanh, sạch, văn minh. 

Những mô hình tiêu biểu về quy hoạch cây đô thị ảnh 1Những hàng cây xanh được quy hoạch khoa học dọc các tuyến phố ở Singapore, Paris (Pháp)

Chọn cây phù hợp nhất

Nếu có dịp tới thành phố London của Anh, bạn sẽ có cảm giác như lạc vào một rừng cây tiêu huyền (London Plane). Đây là một giống lai ghép được trồng rất nhiều trên các tuyến phố ở thành phố này. Một trong những đặc điểm tuyệt vời của loại cây là có thể chịu được ô nhiễm. Lá của nó sáng bóng. Thân cây to và sống được trên những khu đất cằn cũng như có những ưu điểm lý tưởng cho một loại cây trồng trong đô thị. 

Thị trưởng London, Boris Johnson đã xem xét kỹ việc lập văn bản hướng dẫn về những loại cây đô thị nên và không nên khuyến khích trồng ở London. “Chúng tôi đặc biệt khuyến khích các cây tán rộng. Chúng tôi không muốn có một đô thị đầy hoa anh đào và cây nhỏ. Chúng tôi muốn trồng loại cây lâu năm. Đó là những gì một thành phố thực sự cần, cần che bóng mát”, ông Boris từng nói. 

Không chỉ tại London, cây tiêu huyền cũng khá phổ biến ở nhiều thành phố khác trên thế giới. Nó được trồng ở vùng khí hậu ấm hơn như miền Bắc nước Ý hay miền Nam nước Pháp với những hàng cây tiêu huyền tuyệt đẹp phủ bóng dọc kênh đào Canal du Midi cũng như các kênh rạch khác và các tuyến đường chính ở Pháp. Tại Geneva, Thụy Sĩ, loại cây này cũng được trồng với số lượng lớn. 

Một điều khá thú vị là ở từng bang của nước Mỹ đều bình chọn cây tiêu biểu cho bang, không chỉ bởi những cây này mọc khắp nơi trong các tiểu bang mà còn bởi chúng mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, sinh thái, môi trường. Trong danh sách này, có thể kể đến cây lá phong, hồng sồi, tùng, dẻ, cây hoàng dương... 

Tầm nhìn quy hoạch

Nhận thức được lợi ích thiết thực của cây xanh, chính quyền nhiều thành phố trên thế giới rất chú trọng đến việc quy hoạch cây đô thị. Suốt thời vua Henry IV (Henry Navarre 1579-1610) của Pháp, ông đã cho thiết kế lại các đường quốc lộ với những hàng cây rợp bóng mát. Sau khi ông bị ám sát, Hoàng hậu Marie De Medici đã cho làm  con đường dài đầu tiên trong thành phố Paris có hàng cây hai bên để đi dạo. Từ đó, như là mốt thời thượng, con đường rợp bóng cây đua nhau xuất hiện, trở thành nền tảng cho sự phát triển cây xanh đường phố của Paris. Cho đến đời Napoleon III, các hàng cây xanh mướt khắp các con phố Paris mới được gây dựng quy mô lớn và phát triển thành Thủ đô Paris hoa lệ như ngày hôm nay. Hiện Paris có lẽ đang “theo chân” London, vì loại cây đẹp, có bóng mát tỏa lan, là nơi lý tưởng của loài chim, gỗ có thể dùng làm đồ đạc nội thất.

Trong khi đó, Thủ đô Berlin của Đức, quy hoạch cây xanh đường phố thường chọn một loại cây làm chủ đạo. Đại lộ nổi tiếng nhất Berlin – “Unter Den Linden” là ví dụ điển hình cho việc này. Chạy dọc Đại lộ này là hàng cây đoan phủ một màu xanh mướt cho những lâu đài cổ. Đây được xem như là một trong những danh thắng nổi tiếng không chỉ của Thủ đô nước Đức mà của cả châu Âu.  

Còn tại quốc đảo Singapore, mỗi đường phố của đảo quốc này trồng một loại cây với chiều cao được khống chế và cắt tỉa tạo dáng phù hợp. Dọc theo những đại lộ chính của Singapore là những hàng cây mưa đã nhiều tuổi, có độ che phủ và tỏa bóng rộng đến 30m. Điểm đặc biệt của loại cây này là ban ngày lá cây xanh tươi nhưng chiều tối khép lại và hoa tỏa hương vào ban đêm. Những nhà thiết kế cây xanh tại đây đã tận dụng đặc điểm của loại cây này nhằm che bóng mát vào ban ngày và hạn chế việc lá cây che khuất hệ thống chiếu sáng công cộng vào ban đêm. Bên cạnh những hàng cây mưa, du khách nước ngoài khi tới đây còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các loại hoa giấy, hoa đại được trồng trong khắp các khuôn viên công sở, chung cư, hoặc các danh thắng nổi tiếng. 

Để tạo không gian xanh cho thành phố, những người làm quy hoạch ở Singapore đã kết hợp được nguồn lực của nhà nước, tư nhân và cộng đồng dân cư cùng chung tay xây dựng. Nhà nước thành lập các quỹ thu hút vốn đầu tư vào cây xanh, phát động các chương trình tình nguyện xanh dưới sự tham gia của các nhóm cộng đồng dân cư, trường học, nhân viên công sở…