Những "ma đầu giáo chủ" trong "hắc đạo" phim ảnh

ANTĐ - Võ lâm có hắc đạo và bạch đạo, có chính có tà thì điện ảnh cũng hệt như thế, đặc biệt trong thời buổi nhiễu nhương của nền điện ảnh Việt Nam. Nhiều loại ma và nhiều trò ma, cũng như nhiều lãnh vực để ma! Đây là vài toàn cảnh, cận cảnh cũng như... đặc tả!

Chân dung một cơ thể ốm yếu

Trước khi nói đến "hắc đạo" và "bạch đạo" hãy phân tích một chút về cơ thể ốm yếu của điện ảnh Việt Nam. Phim bắt đầu sản xuất nhiều, nhưng xem ra hiếm có phim hay. Thế nên, trên các diễn đàn bàn về điện ảnh, người ta cũng đưa ra ý kiến nhiều chiều. Đổ lỗi cho nhau? Không phải thái độ của một người hiểu biết... Phê phán gay gắt, cũng không là việc của một người văn minh. Trách nhiệm thuộc về ai, hay là chẳng ai cả?

Thuở phim video chiếu rạp thị trường với các đại gia Lý Huỳnh, Hai Nhất... làm mưa làm gió đã tạo ra hàng loạt tên tuổi như Lý Hùng, Diễm Hương, Lê Công Tuấn Anh, Việt Trinh... là cơ hội thứ nhất cho phim Việt. Tuy được mệnh danh là dòng phim "mì-ăn-liền" nhưng làn sóng phim này đã tạo ra cú hích đầu tiên cho thị trường phim dành cho khán giả, thay thế cho loạt phim dành cho lễ lạt!

"Hello cô Ba" được nhà sản xuất thông báo doanh thu rất cao, dù không được 
đánh giá cao về nghệ thuật (Ảnh minh hoạ)

Một phim video 90 phút được sản xuất từ khâu ý tưởng, kích bản, thực hiện, công tác hậu kỳ... thường chỉ mất 20 ngày đến một tháng là "ra rạp ngon lành". Chi phí một phim được xem là thấp nhất thế giới khoảng 120 đến 200 triệu đồng và mang đến khoản lợi cho nhà đầu tư cũng 120-200 triệu!

Nhưng thời thế qua đi. Có 3 nguyên nhân chính khiến nền điện ảnh nước ta ngày càng tụt hậu, càng trở nên thèm khát một quá khứ đã từng vàng son. Một là kịch bản yếu. Hai là kinh phí (được hiểu là kinh phí thực tế để sản xuất phim) thấp. Và ba là, sự thâu tóm của những kẻ... hắc đạo.

Thời của những... hắc đạo

Một đại gia trong nghề sản xuất phim chuẩn bị cho đợt phim Tết, tên P. Công việc được tính toán chu đáo và cẩn trọng. Sau đó, khâu quan trọng được triển khai: Mời các đại gia chẳng-biết-gì-về-phim cùng tham gia với vai trò cổ đông. Do năm nào cũng rầm rộ trên phương tiện truyền thông là "lãi đến lãi", các nai tơ sập bẫy!

Thiết bị làm phim được kê lên: phim nhựa quay bằng máy quay ARI 4, phim nhựa mua từ Nhật... khoảng 5-6 trăm triệu đồng. Kịch bản, diễn viên, đạo diễn, đủ thứ hầm bà lằng... kể cả hậu kỳ ở tận Thái Lan được kê thành giá 5 đến 7 tỷ đồng.

Thực tế khi làm phim với máy quay HDV và trong tình trạng "đói phim" của giới làm nghề, giá thành bộ phim nhựa này chỉ từ 2,5 đến 3 tỷ là tối đa. Dĩ nhiên, với cách tính giá của một tay chuyên nghiệp thì các tay mơ chỉ có... lạc trong rừng thuật ngữ chuyên môn. Thế là, với đại gia P. bộ phim đã có lãi từ khi chưa bấm máy! Sau khi tiền đã có đủ mà hầu như "đại ma đầu" sản xuất phim không phải bỏ ra đồng xu vốn liếng nào, phim bắt đầu được thực hiện.

Trong khi đó một dự án sản xuất phim do một hãng khác cùng thực hiện và có nguy cơ là đối thủ cạnh tranh nặng ký, đại gia P. bèn tìm đến để thương lượng. Thừa hiểu bối cảnh thiếu tiền để làm phim của nhiều nhà sản xuất, đại gia P. bèn... xui hùn vốn! Dĩ nhiên lượng vốn bỏ ra đủ để đại gia P. có được tiếng nói khá mạnh trong bộ phim này. Thế là ổn thoả...

Đại ma đầu tung chiêu ma giáo

Đến dịp trình làng, trò ma giáo mới được đại gia P. tung ra... Như một phù thủy và những cuộc đi đêm với vài người tạm cho là quan trọng của giới phát hành phim, thế là bộ phim do đại gia P. sản xuất được chiếu trước, chiếu vào thời điểm thích hợp quan trọng. Còn bộ phim mà P. tham gia với vai trò hợp tác? Chịu khó đi sau làm kiếp "trâu chậm uống nước đục"!

Tin tưởng vào khả năng của đại gia P. về khoản đi đêm, các đối tác thường giao cho anh ta nhiệm vụ "đầy vinh quang" này. Anh ta giao phong bì và những khoản lót tay hậu hĩ khác, có trời mà kiểm soát được! Hối lộ mà công khai sao được!

Thế là đại gia P. kiếm được hai khoản lãi: những món tiền đi đêm được kê khống, những nhân vật không hề nhận được đồng xu nào của P. cũng được "đệ trình" vào danh sách đi đêm. Nhưng khoản lãi lớn nhất mà P. thu được là... uy tín cá nhân với các nhân vật quyền thế trong điện ảnh! Chính vì vậy, với P... không có chuyện mua không được, mà chỉ là mua chưa được vì... chưa đúng giá!

Rất thích phim bị chê... có nghệ thuật

Phim bắt đầu bấm máy, P quảng bá ầm ĩ. Với nghệ thuật lót tay bậc thầy, phim P chưa ai biết mặt mũi chứ chưa nói đến hay và dở... đã được ưu ái chăm sóc bằng các kiểu phương tiện truyền thông. Theo các chuyên gia làm phim, số tiền dành cho quảng cáo phim của P. không dưới 1 tỷ đồng! P. rất thích phim bị chê, nhưng phải là chê có nghệ thuật. Vì thực ra, với một tay bồi bút hạng khá, chê cũng là cách làm khán giả phải đến rạp xem phim!

Khi bộ phim trình chiếu, P. không tiếc tiền để làm dấy lên một dư luận ăm ắp những khen chê vô tội vạ. Và thế là P. có thể mỉm cười xoa tay mà tuyên bố thắng lớn! Phim được báo chí cho biết thắng đến gấp 3, 4 lần giá tiền đầu tư. Trong bối cảnh chợ chiều, lãi suất như thế ai mà không muốn tham gia làm phim với P. khi có lời mời? Nhưng khi chia lãi, chẳng ai căn cứ trên báo mà chia. Phải sổ-sách-đàng-hoàng!

 Dù được quảng bá rầm rộ, nhưng "Tối nay 8 giờ" vẫn không hấp dẫn khán giả
và doanh thu không cao như dự kiến (Ảnh minh hoạ)

Các cổ đông hết sức ngỡ ngàng khi P cho biết phim chỉ hòa vốn hoặc lỗ chút đỉnh! Một số đồng ý ngậm ngùi bán lại phần hùn cho P. hoặc chờ tiền thu về sẽ được hoàn lại. Và, hãy đợi đấy! Đó là lý do vì sao làm phim, làm cái quái gì P. cũng tuyên bố là có lãi nhưng trong thực tế P. là một trong hai người làm phim thiếu nợ nhiều nhất nước! Thậm chí đại gia P. còn bẩn đến mức vay tiền của diễn viên để... làm phim. Ng. Hoàng, một diễn viên có gương mặt khá điện ảnh được đại gia "mượn" sợi dây chuyền đang đeo. Và tất nhiên sau nhiều ngày chờ đợi Hoàng bèn hỏi P. nhưng sợi dây chuyền 24K đã đi vào cõi nhớ!

Đạo diễn "nổ bôm bốp đập đầu côm cốp"

"Tôi sẽ làm một bộ phim kinh dị"! Lời tuyên bố của giới đạo diễn trẻ đầy nhiệt huyết theo dạng này, gặp hoài! Nhưng đó là phim với chủ đề ma quái kinh dị. Còn đạo diễn theo kiểu "ma đầu giáo chủ"... lại là chuyện khác!

Muốn tìm một đạo diễn ma? Dễ ợt, hãy vào một quán nhậu, hoặc một quán café thời thượng nào đó mà nhìn thấy ở một bàn gồm các cô gái chân dài xun xoe quanh một ngài ăn mặc đẫm chất điện ảnh và có gương mặt khả kính, trừ đôi mắt. Đấy, chính hắn!

Bằng hàng loạt bộ phim chẳng bao giờ quay và những vai diễn "hay như trong mơ", các đạo diễn ma này đưa hết các cô gái ngốc nghếch mê "đóng phin" này vào mê hồn trận! Sau những cuộc tâm sự về đêm, có thể cô gái sẽ có một vai... quần chúng, trong phim một "người bạn" (thông qua nhờ vả), đó là may mắn. Tệ hơn, có cô bị gạt cả tình lẫn tiền!

Trước đây, H.V - một sinh viên trường sân khấu tự xưng là đạo diễn và được nhà hát Hòa Bình giao cho vai trò dựng kịch sân khấu. Ấy vậy, mà hàng loạt tên tuổi các cô gái bị gã lừa cả tình lẫn tiền. Một diễn viên nổi tiếng khác là S.H còn bị gã khống chế suốt một thời gian dài để làm công cụ cho mình, kể cả tiền bạc từ nhiều nguồn khác nhau!

Giờ đây, có một câu truyền khẩu phổ biến: "Nhất D. nhì Ph. tam Tr. tứ Đ... "để chỉ bốn ma đầu trong làng điện ảnh. Thực ra trong đó chỉ có 3 là đạo diễn, nhưng thành tích của 3 ông đạo diễn ma giáo này thì chẳng ai không biết. Đứng đầu trong tứ đại ma đầu là D. đã có thành tích "cua" được một nghệ sĩ nhiếp ảnh và được nuôi ăn học thành tài, được bỏ tiền ra cho làm phim để "có danh gì với núi sông". Khi tạm ổn, anh ta bèn "bye bye" ân nhân để quay qua lừa tình và tiền một cô diễn viên khác là B.C. Khi rũ áo ra đi, anh để lại cho bà vợ cũ một món nợ 600 triêu đồng! Quả xứng đáng đứng đầu danh sách!

Một đạo diễn "đẹp chai" khác - L.T.N - lại có thành tích đầy mơ ước theo cách Don Juan. Mỗi bộ phim anh ta được giao, sau khi hoàn tất thì nữ diễn viên chính cũng có bầu! Tóm lại với N., làm phim người lớn là chuyện nhỏ, làm nhân vật cho phim thiếu nhi mới là chuyện để đời!

Một Công nghệ làm phim nheo nhóc

Một hãng phim có tên tuổi và dàn kỹ thuật hùng hậu nhưng làm việc thì... hỡi ôi, giới làm phim chân chính ai nấy nghe tới là ngán đến tận óc! Vì sao vậy? "Chúng ta hãy tưởng tượng: một hoa sĩ thiết kế sợ mất phần nên không bao giờ chấp nhận cho một họa sĩ khác của địa phương tham gia giúp đỡ dù chỉ là giúp vô tư" - H.Vân, một trợ lý mới vào nghề đã lắc đầu khi thuật lại.

"Ông ta đã bám chặt vào chân ghế ở hãng phim đến độ, dù đó là con một cũng khó có cơ hội thi thố. Bao cấp và tâm lý công chức thời bao cấp vẫn còn hằn sâu trong tư duy của các thành viên đội ngũ chế tác đã làm hãng phim cất cánh không nổi vào thời buổi cạnh tranh khốc liệt. Thật tội cho những ai muốn tham gia thị trường mà có ý hợp tác sản xuất với hãng phim này" - H.Vân nói thêm.

Chủ nhiệm phim là một vấn đề trầm trọng hiện nay. Khi bắt đầu cho phim, người giữ hầu bao đôi khi có quyền quyết định hơn đạo diễn! Khi đi chọn cảnh và khi triển khai kế hoạch sản xuất cho bộ phim, lên lịch quay... chủ nhiệm phim thường chỉ nghĩ tới một điều: làm sao có tiền đút túi mà trong đầu có nghĩ đến chuyện phim hay hoặc dở, chết liền!

Một tập phim 120 triệu đồng, chủ nhiệm phim nào cũng nhăn mặt than ít, nhưng khi phim hoàn tất, số tiền sử dụng bao giờ cũng không đến con số 90 triệu đồng! Một nghịch lý hiện nay cho phim truyền hình Việt Nam chính là ở khâu kinh phí: phim quá ít tiền để làm cho hay và số tiền quá ít ấy lại được sử dụng... không hết! Nghịch lý ấy do những chủ nhiệm phim ma...

Quay phim cũng giở trò nếu như đạo diễn không biết điều! P.Y - một quay phim lâu năm có tay nghề đã từng gây khốn đốn cho đạo diễn N.C bằng cách lãn công (không dám đình công) hoặc không đúng giờ, hoặc đúng giờ:., hành chánh! Tuy nhiên, may mắn cho đạo diễn N.C là ngoài việc giỏi trò ma, ông quay phim này quay dở ẹc đến độ hỏng cả phim! Phim quay với tốc độ 24 hình/giây... ông quay thành 25 hình! Phim cứ như người bơi trong bể cá... Thế là giám đốc biết chuyện, "khện" cho một trận ra trò... thôi luôn trò ma mãnh!

 Muốn nhận đủ tiền cát-xê - lên hình cực xấu!

 Những "ma đầu giáo chủ" trong "hắc đạo" phim ảnh ảnh 3

Phương Trinh ngạc nhiên khi nhưng phim đầu tiên nhan sắc của mình dưới trung bình!

Phương Trinh, một diễn viên xinh đẹp có tiếng nhưng khi đóng vài phim đầu tiên đã ngạc nhiên khi nhìn lại mình trong phim. Những góc hình được lựa chọn một cách "hết sức cẩn thận" để cô trở thành một cô gái có nhan sắc dưới cả trung bình. Lý do vì cô đòi hỏi nhận đủ cát sê cũng như hợp đồng. Đạo diễn và quay phim "hợp tác" để trừng trị cô diễn viên "không biết điều hiểu chuyện" đấy!

Không ngẫu nhiên mà bị xem thường

Những "ma đầu giáo chủ" trong "hắc đạo" phim ảnh ảnh 4 
Đạo diễn Việt Linh là cái tên được tôn trọng trong điện ảnh.

Một giám đốc sản xuất, xuất thân là đạo diễn - một hôm nửa đùa nửa thật than: "Cánh nhà báo các anh có vẻ xem thường đạo diễn quá nhỉ?". Người viết đã đáp: "Xin thưa, nếu đó là anh Vinh Sơn, chị Việt Linh, anh Tường Phương, anh Vũ Ngọc Đãng ... sao tôi dám coi thường? Nhưng những nhân vật tôi vừa chỉ ra, không coi thường thì là người vừa mù, vừa điếc và thần kinh có-vấn-đề"!