Những lưu ý không thể bỏ qua khi sinh thường sau sinh mổ

ANTD.VN - Đã từng sinh mổ nhưng sau đó lại muốn sinh thường? Điều “không tưởng” này hoàn toàn có thể trở thành hiện thực nếu bạn lưu ý những điều sau đây:  

Tỷ lệ sinh mổ tại Việt Nam là 35-40%

Xưa nay, theo quan điểm của đại đa số người Việt, nếu đã từng một lần sinh mổ thì những lần sinh tiếp theo nhất thiết phải theo cách cũ. Nguyên nhân là bởi cơn đau tử cung khi trở dạ có thể khiến vết mổ cũ bị bục và gây nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con. 

Thống kê tại các bệnh viện cho thấy: trung bình, mỗi năm, cả nước có khoảng 35-40% ca sinh mổ. Điều đáng nói là xu hướng này đang ngày càng gia tăng, một phần là do quan điểm: đã sinh mổ thì không thể sinh thường. Vào giai đoạn cao điểm nhất, bệnh viện Từ Dũ TP.HCM đã tiếp nhận đến 60 - 70% ca sinh mổ.

Với nhiều người ngoài cuộc, sinh mổ là vô cùng đơn giản, bởi sản phụ sẽ được bác sĩ gây mê, không  cảm thấy đau đớn. Trong khi đó, những người sinh thường lại phải vật lộn với những cơn đau tử cung dữ dội, rồi cả việc rặn đẻ nữa. Nhiều  phụ nữ thậm chí  rất khó chịu với vết rạch ở tầng sinh môn để em bé có thể dễ dàng chui ra ngoài… Thế nhưng,  thực tế, việc sinh mổ chẳng dễ chịu chút nào. Sau khi thuốc mê hết tác dụng, cảm giác đau mới rõ hơn. Việc sinh hoạt, đi lại sau đó cũng gặp nhiều rắc rối do thể trạng của họ phục hồi kém hơn.

Điều kiện để sinh thường sau sinh mổ

Một vài năm gần đây, xu hướng sinh con thuận tự nhiên lên ngôi. Nhiều người trước đó đã từng sinh mổ bắt đầu có ý định muốn sinh thường ở lần tiếp theo. Tuy nhiên, phần lớn lại e ngại bởi những biến chứng có thể xảy ra. Vậy sinh thường sau khi sinh mổ sẽ phải đối mặt với những nguy cơ gì?

Trả lời câu hỏi này, bác sĩ Hồ Mai Hoa, giảng viên quốc gia về  Sức khỏe sinh sản - Sức khỏe tình dục khẳng định: Nếu những điều kiện thể chất cho phép, việc sinh thường sau sinh mổ hoàn toàn có thể thực hiện mà không để lại bất cứ một biến chứng nào. Thực tế, ngay tại Việt Nam đã có không ít bà mẹ thực hiện thành công việc này.

Theo đó, điều kiện về thể chất đầu tiên ở đây cần phải đề cập đến đó là khoảng cách giữa 2 lần sinh mổ. Nếu sinh nở quá gần nhau, vết mổ ở tử cung chưa thể phục hồi, từ đó dễ dẫn đến bục, rách khi cơn đau đẻ xuất hiện. 

Nhiều người băn khoăn tự hỏi: Liệu vết sẹo bên ngoài đã lành thì vết sẹo tử cung đã lành chưa? Thực chất, độ phục hồi của vết sẹo tử cung không phụ thuộc vào vết sẹo bên ngoài. Nhiều khi, vết sẹo bên ngoài đã lành hẳn, nhưng vết sẹo tử cung do nằm ở vị trí sâu hơn, nhạy cảm hơn nên chưa thể phục hồi. Thời gian lý tưởng để vết sẹo tử cung này có thể ở trạng thái bình thường là 5-6 năm. Thế nên, nếu muốn sinh thường sau sinh mổ, khoảng cách giữa 2 lần mang thai nên là 5-6 năm.

Điều kiện thứ hai để bạn có thể sinh thường sau sinh mổ, đó là vết mổ phải cũ phải “đẹp”. Thế nên, nếu vết mổ cũ đã từng bị nhiễm trùng, rách, bục… thì tốt nhất bạn không nên mạo hiểm.

Ngoài ra, số lần bạn đã sinh mổ trước đó cũng là yếu tố ảnh hưởng đến việc sinh thường lần tiếp theo. Chẳng hạn, nếu từng sinh mổ từ 2 lần trở lên thì ở lần sinh thứ ba, tốt nhất là vẫn nên sinh mổ để mẹ và bé đều an toàn.

Theo bác sĩ Hồ Mai Hoa, nếu đáp ứng được các yếu tố trên, cơ bản, bạn có thể sinh thường được. Tuy nhiên, thực tế nên sinh theo hình thức nào thì vẫn cần ý kiến của bác sĩ theo dõi trực tiếp thai kỳ cũng như tình hình sức khỏe thực tế của bạn lúc lên bàn đẻ. Chẳng hạn, nếu thai to quá hoặc thai đôi, thai ba thì bạn nên sinh mổ. Trong quá trình trở dạ, nếu cơn đau là cường tính (mạnh, dữ dội) thì cũng không nên mạo hiểm vì nó có thể làm bục vết mổ cũ…

“Nếu những điều kiện thể chất cho phép, việc sinh thường sau sinh mổ hoàn toàn có thể thực hiện mà không để lại bất cứ một biến chứng nào. Theo đó, điều kiện về thể chất đầu tiên ở đây cần phải đề cập đến đó là khoảng cách giữa 2 lần sinh mổ. Nếu sinh nở quá gần nhau, vết mổ ở tử cung chưa thể phục hồi, từ đó dễ dẫn đến bục, rách khi cơn đau đẻ xuất hiện”. 

Bác sĩ Hồ Mai Hoa (Giảng viên Quốc gia về Sức khỏe sinh sản - Sức khỏe tình dục)