Những luật mới được Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 9

ANTĐ - Nhiều luật quan trọng đã được Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND

Luật gồm 10 chương và 98 điều. Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9-2015 và thay thế Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 31/2001/QH10 và Luật số 63/2010/QH12, Luật Bầu cử đại biểu HĐND số 12/2003/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 63/2010/QH12.

Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi)

Luật gồm 7 chương và 50 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016 và thay thế Luật Tổ chức Chính phủ số 32/2001/QH10 hết hiệu lực.

Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ và hệ thống hành chính Nhà nước và do Quốc hội bầu trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Chủ tịch nước. 

Về số lượng cấp phó, Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) quy định số lượng Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ không quá 5; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao không quá 6. Trong trường hợp do sáp nhập bộ, cơ quan ngang bộ hoặc do yêu cầu điều động, luân chuyển cán bộ của cơ quan có thẩm quyền thì Thủ tướng Chính phủ trình UBTV Quốc hội xem xét, quyết định.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Luật Tổ chức chính quyền địa phương gồm 8 chương 143 điều, quy định về đơn vị hành chính và tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính.

Theo Điều 4 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND. Chính quyền địa phương ở nông thôn gồm chính quyền địa phương ở tỉnh, huyện, xã. Chính quyền địa phương ở đô thị gồm chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc Trung ương, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, phường, thị trấn.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2016 và sẽ thay thế cho Luật Tổ chức HĐND và UBND.

Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi)

Các sửa đổi, bổ sung mới tập trung vào một số nhiệm vụ, quyền hạn mới cũng như tổ chức của Mặt trận, mối quan hệ giữa Mặt trận với Nhà nước, phương thức tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phối hợp với tổ chức tiếp xúc cử tri của các cơ quan quyền lực.

Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi) có hiệu lực từ 1-1-2016.

Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi)

Luật gồm 9 chương và 62 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016.

Luật quy định: Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân.

Công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi. Thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng.

Đối tượng đăng ký nghĩa vụ quân sự là công dân nam đủ 17 tuổi trở lên; công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, có ngành, nghề chuyên môn phù hợp yêu cầu của Quân đội nhân dân và từ đủ 18 tuổi trở lên.

Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi)

Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) có 7 chương, 77 điều, quy định về lập, chấp hành, kiểm toán, quyết toán, giám sát ngân sách Nhà nước; nhiệm vụ, quyền hạn của  các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong lĩnh vực ngân sách Nhà nước.

Luật Ngân sách có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2017.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND năm 2004 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực. Những quy định về thủ tục hành chính trong văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan, người có thẩm quyền được ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn tiếp tục được áp dụng cho đến khi bị bãi bỏ bằng văn bản khác hoặc bị thay thế bằng thủ tục hành chính mới.

Luật An toàn, vệ sinh lao động

Luật An toàn, vệ sinh lao động gồm 7 chương với 93 điều, quy định việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; chính sách, chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác an toàn, vệ sinh lao động và quản lý Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động.

Luật An toàn, vệ sinh lao động có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016.

Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trình Quốc hội thông qua gồm 10 chương, 81 điều. Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016.

Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi)

Luật có 9 chương, 73 điều. Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016.

Luật Thú y

Luật gồm 7 chương, 116 điều, quy định về phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh động vật; kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ động vật, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật; kiểm tra vệ sinh thú y; quản lý thuốc thú y; hành nghề thú y.

Luật Thú y sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016. 

Nghị quyết về thực hiện chính sách BHXH một lần

Theo Nghị quyết này, người lao động sẽ được bảo lưu thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm đảm bảo cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật BHXH năm 2014.

Trường hợp người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH khi có yêu cầu thì được nhận BHXH một lần.

Mức hưởng BHXH một lần đối với người tham gia BHXH bắt buộc được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau: 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014; 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

Mức hưởng BHXH một lần đối với người tham gia BHXH được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau: 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014; 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016.

Đại biểu Phan Văn Quý, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (đoàn Nghệ An): Những thành công lớn tại kỳ họp

Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII  diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế, an ninh trật tự xã hội ổn định, chủ quyền quốc gia được giữ vững. Tôi cho rằng thành công lớn nhất của kỳ họp này là Quốc hội đã thông qua nhiều luật quan trọng về lĩnh vực tư pháp. Mặc dù có những dự án luật chưa ấn nút thông qua song đó là khởi đầu, là nền móng để tạo ra một xã hội ổn định. 

Ngoài ra, các vấn đề được đặt ra trong các kỳ họp trước đều được giải quyết tương đối thỏa đáng ở kỳ họp này. Tuy vẫn còn một số băn khoăn về vấn đề nông nghiệp nông thôn song qua các phiên thảo luận, cho ý kiến tại nghị trường Quốc hội ở kỳ họp này, Chính phủ, các Bộ ngành, cơ quan chức năng đã đưa ra các giải pháp giải quyết trong tương lai gần. Hay như chủ trương đầu tư dự án án sân bay Long Thành, lúc đầu còn nhiều ý kiến chưa đồng tình song cuối kỳ họp đã được biểu quyết thông qua với tỷ lệ tán thành rất cao của ĐBQH. 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (đoàn Vĩnh Phúc): Đáp ứng được nguyện vọng và nhu cầu của cử tri 

Kỳ họp thứ 9, Quốc hộikhóa XIII đã thông qua nhiều nội dung về luật, trong đó có những luật rất quan trọng như Luật Trưng cầu ý dân… và những luật này đều liên quan trực tiếp đến quyền con người. Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội đã triển khai Hiến pháp năm 2013, nên các luật cũng đã bám sát các nội dung của Hiến pháp và quyền con người cũng được Quốc hội bàn rất kỹ.

Tôi rất tâm đắc với việc Quốc hội đã mạnh dạn ra Nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động sau một năm nghỉ việc. Vấn đề này đã đáp ứng được nguyện vọng và nhu cầu của cử tri. Tôi cho rằng đây là tư duy mới, thể hiện quyền con người, phù hợp với điều kiện hiện nay. Ngoài những vấn đề trên, tại kỳ họp này có nhiều dấu ấn và tôi rất tán thành Quốc hội nhất trí thông qua việc xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành. Theo tôi, đây là quyết định rất sáng suốt của Quốc hội và đất nước đang cần những dự án lớn như vậy để phát triển cho tương lai.

Đại biểu Dương Trung Quốc - Tổng Thư ký Hội Sử học Việt Nam: Nên cải tiến hình thức chất vấn

Tuy khối lượng công việc lớn, nhu cầu đòi hỏi, cải tiến của Quốc hội cao, nhưng theo tôi, chất lượng phát biểu của các Đại biểu Quốc hội đóng góp cho các dự án luật ngày càng tốt hơn. Tôi nghĩ rằng, Quốc hội có xu thế đổi mới ngày càng tích cực và cuối cùng cũng phải là bộ máy chuyên nghiệp. Điều này có thể thấy rất rõ. Từ sau khi có Hiến pháp 2013 gần như tất cả điều luật coi đó là chuẩn mực để cụ thể hóa, biến nó vào đời sống. Kỳ họp này xem xét nhiều luật, trong đó có nhiều luật lớn như luật dân sự, hình sự. 

Về hoạt động chất vấn, tôi cho rằng, chúng ta nên cải tiến hình thức chất vấn, việc chất vấn các Bộ trưởng chỉ nên diễn ra giữa 2 kỳ họp khi có vấn đề nổi cộm của đời sống. Mỗi kỳ họp cần nêu một số vấn đề để Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ trả lời cùng một số Bộ trưởng liên quan. Như vậy chất lượng chất vấn sẽ cao hơn.  

  

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, PGS.TS kinh tế - Hiệu trưởng ĐH Tài chính - Marketing (đoàn TP.HCM): Đại biểu Quốc hội - mạnh mẽ và quyết liệt

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII có ý nghĩa rất lớn trong việc ban hành hệ thống luật pháp, theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013 và bàn nhiều Bộ luật quan trọng. Tại kỳ họp này, tinh thần Đại biểu Quốc hội rất mạnh mẽ, quyết liệt đưa ra những ý kiến và những tham luận rất có chất lượng, phản ánh kịp thời những ý kiến của cử tri. Trong các buổi chất vấn, các Bộ trưởng, Trưởng ngành đều đi thẳng vào các vấn đề cử tri và người dân quan tâm và có những vấn đề cần giải quyết ngay,Chính phủ đã giải quyết kịp thời. 

Không chỉ chất vấn trong nghị trường, bên hành lang Quốc hội cũng đã có những Đại biểu chất vấn, đối thoại thẳng thắn với các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành bằng nhiều hình thức, để đạt được mục đích là thỏa mãn những kiến nghị của cử tri nêu.