Những lời xin lỗi khó bật thành tiếng

ANTĐ - Đối với những người dù vì lý do gì dẫn đến vi phạm pháp luật thì những tháng ngày trả giá trong trại giam chính là quãng thời gian để họ nếm trải sâu sắc nhất cảm giác tiếc nuối, ân hận, day dứt, hối lỗi về những việc làm của mình. Lời xin lỗi, có người nói được, nhưng cũng nhiều người không dám, hoặc không có điều kiện mở lời, và vì vậy, nỗi day dứt, gánh nặng tâm lý cứ dài theo tháng năm. Chính vì vậy, cuộc vận động Viết thư gửi lời xin lỗi do Tổng cục VIII, Bộ Công an phát động, được coi là cơ hội hiếm hoi để những phạm nhân trút vơi được gánh nặng ấy.
Những lời xin lỗi khó bật thành tiếng ảnh 1

1. Phạm nhân Hà Thị Thu Hường (Phú Thọ), hiện đang thụ án tại Trại tạm giam số 1, Công an thành phố Hà Nội khóc suốt cuộc nói chuyện với chúng tôi khi nhắc về người mẹ của mình. Cô bảo suốt hơn 2 năm thụ án tại trại, tháng nào cũng thế, dù mưa, nắng, gió rét đến đâu, người mẹ già đáng thương của cô cũng vượt hơn trăm cây số từ Phú Thọ xuống Hà Nội thăm con. Nhìn dáng người mẹ còm cõi, cả đời làm lụng nuôi 4 đứa con mồ côi cha chưa hết khổ, nay lại phải thăm nuôi đứa con tù tội, không ngày nào Hường không thôi ân hận về lỗi lầm của mình gây ra, không phải vì những tháng ngày trả giá trong trại giam, mà day dứt nhất là nỗi đau để lại cho người thân. Nhưng lời xin lỗi thì khó bật thành tiếng. 

Hường kể rằng cô sinh ra trong một gia đình vốn đã khó khăn, cha mất sớm để lại cho mẹ 4 người con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Những ngày tần tảo sớm hôm của người mẹ được đền đáp bằng việc 4 đứa con đều thành đạt, có gia đình và công việc ổn định, riêng Hường thì tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ và làm phiên dịch cho một phòng công chứng ở địa phương.

Nhưng có một điều không may với Hường là dù đã xây dựng gia đình được mấy năm nhưng hai vợ chồng chưa có một mụn con, bao nhiêu tiền của làm ra đều đổ vào việc chạy chữa. Có lẽ đó cũng là lý do Hường lóa mắt trước đồng tiền không chính đáng, cô trở thành người môi giới mại dâm cho những khách làng chơi. Trong một lần giới thiệu chính người bạn thân của mình cho khách, người bạn này đã bị công an bắt và Hường phải vào tù với tội danh Môi giới mại dâm.

“Con vẫn không quên cầu nguyện đất trời cho mẹ của con một sức khỏe thật tốt để chờ con trả hết án và được hưởng sự khoan hồng của Nhà nước. Mẹ ơi! Mẹ biết không, mỗi lần gặp mẹ là lòng con đau như thắt lại. Từ khi con vào trại giam, mẹ buồn và gầy yếu đi rất nhiều, những nếp nhăn cứ dần xuất hiện trên khuôn mặt tiều tụy của mẹ. Tháng nào cũng vậy, mẹ một mình vượt hơn trăm cây số, dù nắng hay mưa, xuống thăm đứa con gái tội lỗi, nói chuyện được 20 phút thôi mẹ lại lầm lũi bắt xe khách về. Càng nghĩ con càng thấy con thật bất hiếu, con không biết nghĩ đến những lời dạy bảo của mẹ, nhất là khi bố con mất sớm  để một mình mẹ vò võ, bôn ba ngược xuôi nuôi chúng con nên người, con thấy rất buồn khi con đã làm khổ mẹ và mọi người trong gia đình…”. Đó là những dòng thư chất chứa nỗi ân hận của Hường dành cho mẹ mình. Cô bảo, có thể trong lòng mẹ đã tha thứ cho lỗi lầm của cô từ lâu, nhưng nói được lời xin lỗi với mẹ - điều mà cô chưa từng dám cất lời - nó đã làm cô nhẹ lòng rất nhiều trong những tháng ngày còn lại trong trại giam.

2. Trước mắt tôi là một thanh niên dáng người nhỏ nhắn nhưng đôi mắt to và sáng, có cảm giác của đôi mắt nhiều hoài bão. Nguyễn Xuân Thành (Nghệ An) lẽ ra đã trở thành một người đàn ông thành đạt, bởi Thành có một nền tảng giáo dục tốt, bố là một bác sĩ giỏi còn mẹ công tác trong ngành công an, bản thân Thành đã tốt nghiệp Đại học Ngoại thương. Nhưng một chút lòng tham thôi, Thành đã đánh mất tất cả tương lai đang mở bung trước mắt.

 

Tốt nghiệp trường đại học danh tiếng, Thành cũng có được những công việc tốt, là niềm hy vọng lớn nhất của gia đình. Sau khi tích lũy được chút ít kinh nghiệm, dù còn trẻ nhưng vốn là người nhiều tham vọng nên Thành quyết định mở công ty riêng, chuyên phân phối các mặt hàng đồ uống. Thời gian đầu kinh nghiệm và vốn chưa nhiều nên công ty của Thành hoạt động còn khá khó khăn. Cũng may, Thành gặp một đối tác mà giờ nhắc lại với Thành vẫn là nỗi day dứt chưa thể nguôi ngoai, bởi đó vừa là ân nhân lại vừa là bị hại lớn nhất trong vụ án của mình. Người phụ nữ đó hoàn toàn tin tưởng giao cho công ty Thành là đơn vị phân phối toàn miền Bắc sản phẩm của doanh nghiệp mình. Lòng tham cứ nảy sinh dần dần mà không có điểm dừng, từ việc chiếm hữu vốn của đối tác để kinh doanh mặt hàng khác, Thành còn dùng sản phẩm này, thay đổi nhãn mác sản phẩm nhập khẩu để bán kiếm lời cao hơn. Thành phải trả giá cho lòng tham của mình với bản án 60 tháng tù giam về tội Sản xuất, kinh doanh hàng giả. 

Trong lá thư gửi lời xin lỗi, Thành đã quyết định gửi đến bị hại của mình. Thành viết: “Cháu là một thằng bé thật tệ phải không cô! Cháu đã lợi dụng sự tốt bụng và niềm tin của cô. Cháu đã lợi dụng vốn của cô và nhà máy để đầu tư những mặt hàng khác. Và kinh khủng hơn nữa, vì tiền mà cháu đã biến những mặt hàng chân chính và chất lượng của cô và nhà máy thành những mặt hàng vi phạm pháp luật.

Khi cháu bị sa lưới, cô đã bị liên lụy rất nhiều. Cô vừa mất số lượng hàng rất lớn, vừa mất uy tín về bản thân và doanh nghiệp của mình. Cháu hiểu rõ hơn ai hết, trong vụ án của cháu, tài sản hữu hình của cô đã mất nhiều, nhưng tài sản vô hình còn mất gấp bội, thế mà cô vẫn bao dung tha thứ. Cháu đã vô cùng cảm động khi Công an Từ Liêm thông báo cô đồng ý xóa số nợ hiện tại cho cháu gần 500 triệu đồng để mong cháu được nhẹ tội hơn…

Cô ơi! Bây giờ ngồi sau song sắt, nghĩ về những lỗi lầm của mình, cháu thấy ân hận và đầy nuối tiếc vì đã không nghe những lời khuyên răn, nhắc nhở chân thành của cô. Cháu đã quá kiêu căng và tự đắc khi không nhận ra ánh mắt đầy lo lắng của cô khi biết cháu vừa mua ô tô, rồi những vật dung xa xỉ, đắt tiền và chi tiêu hoang phí. Có lần cô đã nói với cháu rằng: Thành à, với người tài năng và hoài bão như cháu, lại tốt nghiệp khoa Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương thì cháu hoàn toàn có thể phấn đấu trở thành người thành đạt và giàu có theo một cách chính tắc. Đừng vội vàng mà dính vào mặt trái của pháp luật, vấp ngã đấy”. Cháu đã quá tự tin vào bản thân và phớt lờ lời nói đó, chỉ xem đó như lời nhắc nhở chung chung, không đoái hoài gì đến…”.

Thành cho biết, sau khi gửi thư thì cũng đã một lần gọi điện về cho bị hại, và rất cảm động vì cô đã bỏ qua lỗi lầm và an ủi khi nào tự do sẽ tiếp tục hỗ trợ, giúp anh sớm hòa nhập với cuộc sống, không dẫm chân vào con đường lao lý nữa. Thành cũng tâm sự rằng, thật ra ngồi trong tù ngẫm lại thì thấy mình có lỗi với nhiều người lắm nhưng cuối cùng anh quyết định viết thư cho bị hại của mình vì “đương nhiên với bố mẹ mình, mình cảm thấy có lỗi rồi, nhưng cũng đã có vài cơ hội để gặp gỡ, nhưng với bị hại thì chưa một lần được gặp”. “Hồi ở ngoài, mình không trân trọng tình cảm của cha mẹ dành cho mình, nghĩ đấy cũng là việc bình thường thôi, giờ vào tù nhiều lúc nghĩ lại ân hận lắm, rơi nước mắt. Nhiều lần mẹ lên Hà Nội, lúc thì bảo có việc nọ, có việc kia nên tiện thể thăm con nhưng hầu như lần nào mình cũng bận, lúc thì gặp đối tác, lúc thì nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng. Sau này khi vào tù, người thân nói lại mới biết hóa ra mẹ lên thành phố chỉ mỗi mục đích là thăm đứa con trai của mình xem sống, sinh hoạt ra sao, có khỏe không, chứ chả có người thân đau ốm hay cưới xin gì cả. Nhưng vì sợ phiền, ảnh hưởng đến công việc của mình nên mới nói lý do như vậy. Giờ nghĩ lại mới ứa nước mắt vì thương mẹ” - Thành ân hận.

3. Đó chỉ là 2 trong số hàng trăm phạm nhân tại Trại tạm giam số 1 Công an TP Hà Nội viết thư gửi lời xin lỗi gửi đến cha mẹ, vợ con phạm nhân, đến các cơ quan, tổ chức, đến bị hại hoặc người thân bị hại mà chúng tôi không có dịp tiếp xúc hết. Nhưng qua những bức thư đã được đọc, thì chúng tôi hiểu được rằng để viết ra những lời như thế, để bật ra những tiếng khóc, tức là phạm nhân đã thức tỉnh, biết ân hận về lỗi lầm của mình. Mỗi bức thư là một câu chuyện, một tâm tư, tình cảm, day đứt. Một lời xin lỗi, có thể khiến người nhận thư được nhẹ lòng hơn, hiểu hơn, thông cảm hơn với phạm nhân, và đó cũng là trách nhiệm cần làm của phạm nhân. 

Theo Trung tá Trần Ngọc Hạnh, Đội phó Đội Phân trại quản lý phạm nhân, Trại tạm giam số 1 thì cuộc vận động này đã nhận được 219 bức thư từ các phạm nhân trong trại giam, mỗi bức thư là một nỗi niềm khác nhau, nhưng điểm chung là các phạm nhân đều bày tỏ sự ăn năn, hối cải, đó có thể coi là thành công lớn nhất của cuộc vận động. Có thể nói, cuộc vận động mang tính giáo dục, nhân văn sâu sắc không chỉ đối với các phạm nhân mà còn khơi dậy lòng nhân ái, khoan dung và vị tha của xã hội đối với những con người đã từng lầm lỗi. “Tôi nghĩ là khi nhận được những bức thư này thì người nhà phạm nhân hay những bị hại sẽ rất xúc động. Nhờ thế khi phạm nhân hết án trở về gia đình, cộng đồng sẽ có sự gắn kết hơn, tạo điều kiện cho phạm nhân hòa nhập tốt hơn” - Trung tá Hạnh chia sẻ.