Tai nạn giao thông đường sắt:

Những "lỗ hổng" trách nhiệm chết người

ANTD.VN -Chiều dài hơn 40km chạy qua các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Trì, Hà Nội thời gian qua được xem là cung đường “tử thần” đối với bất cứ lái tàu Bắc - Nam nào.

Ám ảnh những nguy cơ

Chẳng cần phải đến khi xảy ra vụ TNGT đường sắt ở huyện Thường Tín khiến 6 người chết, 1 người bị trọng thương, dư luận mới bày tỏ nỗi bức xúc và lo lắng về ATGT đường sắt. Lâu nay, câu chuyện đảm bảo ATGT trên tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy dọc qua 3 huyện Thường Tín, Thanh Trì và Phú Xuyên luôn được xem là vấn đề “nóng”.

Lý giải về TNGT đường sắt đã trở thành nỗi ám ảnh của cán bộ chiến sỹ (CBCS) trong đơn vị, Trung tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội CSGT số 8, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội cho biết: “Từ tháng 10-2015, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) thành lập trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ, lưu lượng phương tiện ôtô tham gia giao thông trên tuyến đường Quốc lộ 1A tăng đột biến, đặc biệt là xe tải. Lòng đường nhỏ hẹp, lưu lượng phương tiện đông và hỗn hợp. Trên dọc trục đường này còn tập trung khá nhiều khu công nghiệp (KCN), nhà máy, xí nghiệp. Cứ vào giờ cao điểm sáng, chiều tối, mật độ phương tiện gia tăng đột biến, tại các điểm giao cắt hay đi qua những khu dân cư, nhà máy, tình trạng ùn tắc giao thông luôn rình rập”.

TNGT đường sắt trong những năm qua đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân, cơ quan chức năng 

Thống kê của đơn vị cho thấy, ngoài hiện tượng các cửa hàng, nhà dân lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hiện có gần 200 điểm giao cắt với đường ngang, khi các đoàn tàu chạy qua đều gây ùn ứ và nảy sinh nguy cơ xảy ra TNGT rất cao. Đáng chú ý, trên tuyến không có quỹ đất để bố trí điểm dừng, đỗ đón trả khách của xe buýt đặc biệt là chiều đường từ Hà Nội về tỉnh Hà Nam. “Các lái xe buýt đi theo hướng này cứ thản nhiên dừng đỗ ở dưới lòng đường để đón khách. Nếu chẳng may xe container mất phanh, va chạm với các phương tiện khác hay tàu hỏa hất văng vật chắn ra ngoài, không chỉ một mạng người mà sẽ có rất nhiều người bị thiệt mạng khi đứng đón xe tại đây. Hậu quả của những vụ TNGT này có thể nói là vô cùng thảm khốc, không thể lường trước được nó sẽ xảy ra vào lúc nào” - chỉ huy Đội CSGT số 8 cảnh báo.

 Qua ghi nhận của phóng viên, hiện nay trên dọc trục đường Quốc lộ 1A chạy qua địa bàn 3 huyện Thanh Trì, Thường Tín và Phú Xuyên, hệ thống đèn chiếu sáng đã được lắp đặt nhưng không liền mạch. Nhiều đoạn vẫn chưa được lắp đặt hoặc có nhưng không phát huy hiệu quả như khu vực km 213+200 thuộc địa phận Châu Can, Phú Xuyên; hay khu vực đường dẫn lên cầu đường sắt nối Quốc lộ 1A và Quốc lộ 1B. Khi các phương tiện đi vào những khu vực này, tầm nhìn khuất, ánh sáng yếu, không đủ quan sát sẽ càng gia tăng nguy cơ xảy ra tai nạn, nhất là tai nạn đường sắt. Bên cạnh đó, hệ thống vạch sơn, kẻ đường, gờ giảm tốc đã xuống cấp. Nhiều đoạn đường mờ, không có, tác dụng cảnh báo, giảm tốc, đảm bảo an toàn cho phương tiện về con số không.

Mập mờ trách nhiệm

Trong những nguy cơ xảy ra TNGT, phải kể đến tình trạng mở đường ngang trái phép của người dân. Chỉ tính trên địa bàn huyện Thanh Trì có gần 8km đường sắt đi qua song đã có tới 65 đường ngang dân sinh mở trái phép và chỉ có 1 điểm bố trí cảnh giới, 4 điểm có cảnh báo tự động, 5 điểm có gác chắn, còn lại là tự do. Hay như tuyến đường sắt đi qua địa bàn Thường Tín, Phú Xuyên có chiều dài 27km, nhưng có đến 229 đường ngang giao cắt với đường sắt. Trong số đường ngang này thì có tới gần 90% là đường ngang dân sinh mở trái phép không hề có những thiết bị cảnh báo, rào chắn… Tất cả những bất cập này đang hàng ngày, hàng giờ tồn tại cũng như “chờ” những vụ TNGT đường sắt nghiêm trọng có thể xảy ra trong tương lai, mà nguy cơ này thì chẳng ai dám chắc là sẽ không xảy ra.

Thống kê của Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội cho thấy, có một thực tế là tình trạng TNGT đường sắt trên cả 3 huyện này từ năm 2014 đến nay liên tục tăng trên cả 3 tiêu chí. Trong năm 2014, TNGT đường sắt xảy ra 17 vụ làm 19 người chết và bị thương 1 người, thì đến năm 2015, đã xảy ra 23 vụ, làm 26 người chết và 5 người bị thương. Còn trong 10 tháng của năm 2016, TNGT đường sắt ở 3 huyện này đã xảy ra 18 vụ làm 25 người chết và 3 người bị thương, đó là chưa kể đến vụ TNGT khiến 6 người chết và 1 người bị thương vừa qua. Số điểm đen về TNGT trong 3 năm từ 2014 đến 2016 không những giảm mà còn tăng. “Trách nhiệm về số vụ TNGT, “điểm đen” đường sắt liên tục tăng này thuộc về CSGT, chính quyền các cấp, hay Ngành Đường sắt cần phải rõ ràng, để từ đó tìm ra giải pháp tháo gỡ, giải quyết” - đại diện Phòng CSGT nêu ý kiến.

Việc tăng cường các thiết bị cảnh giới an toàn đặc biệt là đưa nhân viên gác chắn ra đảm bảo an toàn tại các đường ngang được xem là biện pháp đảm bảo ATGT đường sắt hiệu quả rất cao nhưng hiện nay vẫn còn khá ít những điểm có nhân viên gác chắn

Sức “nóng” về TNGT đường sắt đã được Phòng CSGT nhận thấy, và từ năm 2014 đến nay đơn vị liên tục có công văn, kiến nghị gửi UBND - TP Hà Nội cũng như Tổng Công ty đường sắt về các biện pháp đảm bảo ATGT đường sắt trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, có một thực tế là việc giải quyết, xử lý những kiến nghị này của Phòng CSGT từ phía các cơ quan có liên quan là khá thấp.

Lực lượng CSGT - CATP Hà Nội đã kiến nghị các cơ quan chức năng tăng thời gian cảnh giới lên 24/24h trong ngày, bởi hiện nay có rất nhiều điểm gác chắn chỉ thuê người gác đến 22h hay thậm chí là 18h. “Việc bố trí một điểm gác chắn chính quy, có người trong Ngành Đường sắt theo chúng tôi được biết là khá tốn kém, song không phải vì thế mà phó mặc sự an toàn cho những nhân viên gác chắn thuê được. Và hơn ai hết, trong khi các cơ quan chức năng đang cố gắng hoàn thiện công tác đảm bảo ATGT đường sắt thì bản thân chính những người tham gia giao thông phải tự nâng cao ý thức bảo vệ tính mạng và tài sản của chính mình” - Chỉ huy Phòng CSGT đường bộ, đường sắt CATP Hà Nội đánh giá.