Những lỗ hổng lớn sau vụ nước sông Đà "có mùi lạ"

ANTD.VN - Vụ việc nước sạch sông Đà có mùi lạ đã được làm rõ là do nhiễm chất styren - có từ dầu thải, cao hơn giới hạn cho phép từ 1,3 đến 3,65 lần. Bức xúc của dư luận lên tới đỉnh điểm khi UBND TP Hà Nội cho biết, sự việc được phát hiện từ sáng 8-10 nhưng Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) “đã không có bất cứ báo cáo nào với các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình cũng như Hà Nội, không có bất cứ hành vi ứng cứu ngăn chặn ô nhiễm của nguồn dầu này theo quy định mà cứ để mặc kệ, dẫn đến váng dầu này đã chảy vào nguồn nước qua hệ thống xử lý nước của nhà máy, rồi chảy vào hệ thống phân phối đến người dân”. Nếu sự việc đã diễn ra đúng như trên, người dân có quyền nghi ngờ Viwasupco đã bất chấp tất cả, mờ mắt vì lợi nhuận mà cố tình cung cấp nước không đạt chuẩn vào hệ thống. Đây rõ ràng là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức kinh doanh, có thể gây phương hại tới sức khỏe của hàng triệu người dân Thủ đô.

UBND TP Hà Nội đã đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình tổ chức điều tra làm rõ hành vi thiếu trách nhiệm của cán bộ, lãnh đạo Viwasupco để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đây là đề nghị cần thiết và mạnh mẽ chứ không thể để cho phía Viwasupco loanh quanh chối bỏ sự vô trách nhiệm của mình. Đến lúc này, người dân không cần lời xin lỗi của lãnh đạo Viwasupco nữa mà cần các cơ quan tố tụng khởi tố vụ án để làm rõ trách nhiệm của những tập thể, cá nhân liên quan trong vụ việc hết sức nghiêm trọng này.

Đó là về trách nhiệm của doanh nghiệp, còn về phía các cơ quan quản lý, vụ việc cũng làm lộ ra những lỗ hổng chết người cần phải nhanh chóng lấp đầy. Nước sạch - thứ hàng hóa đặc biệt - do nhà máy và hệ thống ống sông Đà cung cấp về tới “đồng hồ tổng” của thành phố phải được kiểm soát chặt chẽ về số lượng, chất lượng trước khi chảy tới vòi của từng hộ gia đình.

Không thể có chuyện nhà sản xuất làm ra thứ nước gì thì cứ thế vô tư chảy vào mạng lưới cung cấp của thành phố. Vậy trong những ngày vừa qua, hệ thống giám sát, kiểm soát của thành phố ở các “đầu mối” quan trọng bậc nhất này đã làm việc ra sao? Chắc chắn nó đã làm việc không hiệu quả và để lọt hàng trăm nghìn m3 nước sạch kém chất lượng tới mấy chục vạn hộ dân. Sự cố bất ngờ cho thấy hệ thống “kiểm duyệt” nói trên đáng lẽ ra phải rất chặt chẽ thì lại quá mong manh và dễ tổn thương.

Rõ ràng, sau vụ nước sạch sông Đà có mùi lạ, cần xem lại toàn bộ chính sách, quy định về quản lý, khai thác, vận hành và sử dụng nguồn nước sạch sinh hoạt để đảm bảo yếu tố an ninh, an toàn. Liệu có nên nghiêng quá nhanh về khai thác nước mặt nếu khả năng kiểm soát chất lượng nguồn nước đầu vào còn nhiều lỗ hổng?

Thêm nữa, thành phố phải xây dựng bằng được hệ thống kiểm soát chất lượng nước sạch sinh hoạt độc lập hoàn toàn với hệ thống của các nhà sản xuất và cung cấp. Không chỉ là “màng lọc” ngăn chặn, phát hiện, cảnh báo “chất bẩn” hiệu quả, hệ thống này phải hoạt động công khai, minh bạch như mạng lưới quan trắc chất lượng không khí hay dự báo thời tiết hiện nay để người dân có thể dễ dàng tham gia giám sát, nắm bắt các thông tin cập nhật liên quan tới sản phẩm nước sạch mà họ sử dụng hàng ngày.

Cùng đó, phải xây dựng kịch bản để ứng phó kịp thời, chủ động, hiệu quả với những sự cố chưa từng có tiền lệ như vụ việc vừa qua. Chúng ta sẽ làm tất cả để không tái diễn hiện tượng nước sạch nhiễm hóa chất vượt ngưỡng chảy vào nhà dân. Nhưng nếu không may, trong trường hợp nó vẫn xảy ra, thì phải khắc phục được trong thời gian ngắn nhất chứ không thể cứ loay hoay để rồi sau 1 tuần, khi người dân đã dùng chán chê, thì Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội mới đưa ra khuyến cáo “chỉ nên dùng nguồn nước này để tắm giặt, không sử dụng để nấu ăn, uống”…