Kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2021)

Những lần “vào sinh ra tử” cùng công an truy bắt tội phạm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong suốt hành trình 24 năm công tác tại An ninh Thủ đô, tôi luôn tự hào là một nhà báo, một chiến sỹ Công an nhân dân. Nghề báo để lại trong tôi nhiều kỷ niệm đẹp, nhưng có lẽ lắng đọng nhất vẫn là những lần theo chân các chiến sỹ Công an Hà Nội “vào hang bắt cọp”…

Trận đánh để đời

Cho đến bây giờ, mỗi khi nhớ lại vụ cùng anh em CBCS Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm, Phòng Cảnh sát hình sự CATP Hà Nội tập kích sào huyệt của tội phạm hình sự ẩn nấp tại xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn, tôi và Trung tá Dương Minh Tùng (nguyên Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm, nay là Trưởng CAP Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn nhớ như in từng tiếng súng…

Cảnh sát hình sự đặc nhiệm chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ

Cảnh sát hình sự đặc nhiệm chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ

“Theo em, anh đừng vào vì nguy hiểm lắm. Nhóm tội phạm này rất manh động, anh lại không có áo giáp tránh đạn…” những lời khuyên chân tình đã được Trung tá Dương Minh Tùng nói đi nói lại trong buổi sáng ngày14-10-2018. Trước đó, lúc 7h cùng ngày, Đại tá Dương Văn Giáp (lúc bấy giờ là Trưởng phòng Cảnh sát hình sự) cho hay, đơn vị của anh đang làm nhiệm vụ ở xã Kim Lũ. Chẳng cần hỏi thêm, tôi cũng biết ngay tầm quan trọng của nhiệm vụ này. Đã không ít lần lên đường cùng lính hình sự nên tôi thừa hiểu, khi Đội Đặc nhiệm đã xuất trận thì chắc chắn là sẽ có chuyện phải “động dao động thớt”.

Vội vàng báo cáo với Thượng tá Nguyễn Thanh Bình - Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô, ngay lập tức chúng tôi lên đường về Kim Lũ. Khi chúng tôi có mặt, các chiến sỹ Cảnh sát hình sự đặc nhiệm và CAH Sóc Sơn đã tập trung phong tỏa xung quanh ngôi nhà diện tích khoảng 300m2. Ngôi nhà này khá đặc biệt bởi nó kín cổng cao tường, xung quanh lắp đặt hệ thống camera nhiều lớp, dây thép gai giăng khắp nơi. Nói chung nó giống như một lô cốt kiên cố hơn là một hộ dân bình thường. Vì lý do nghiệp vụ, tôi không thể mô tả chi tiết “trận đánh” vào sào huyệt của một nhóm tội phạm đang ẩn náu tại căn nhà đó, chỉ biết đó là một trải nghiệm khó quên.

Khi nhóm trinh sát hình sự đặc nhiệm chuẩn bị tập kích vào sào huyệt của tội phạm, tôi xin đi cùng với mũi tấn công của Trung tá Dương Minh Tùng. Mục đích để tiếp cận sớm nhất những hình ảnh truy bắt tội phạm. Nhưng Trung tá Tùng nói: “Em không tiếc gì anh, nhưng vào đó rất nguy hiểm, có thể phải hy sinh tính mạng. Em không thể để anh đi cùng được...”. Thấy vẻ dứt khoát đó, tôi lẳng lặng lui ra, nhưng vẫn âm thầm bám theo sau khi các anh đã tấn công được vào bên trong căn nhà.

Trước đó, vì gia chủ không chịu mở cửa, các trinh sát hình sự đặc nhiệm đã phải chuẩn bị cả búa tạ để phá cửa, đồng thời bắn nhiều loạt đạn chỉ thiên để răn đe. Kết thúc nhiệm vụ hôm đó, Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm và CAH Sóc Sơn đã góp phần khám phá một đường dây tội phạm xuyên quốc gia đặc biệt nguy hiểm. Riêng tôi thì có được một trải nghiệm thót tim trong cuộc đời làm báo khi trực tiếp cùng những người lính tấn công vào sào huyệt tội phạm như trong phim hành động.

Sau này, Trung tá Dương Minh Tùng có hỏi, sao hôm đó nguy hiểm thế mà tôi vẫn “ham” bám theo trinh sát đến vậy? Tôi trả lời, không đi theo, không tận mắt chứng kiến mọi thứ thì đâu biết anh em hình sự phải đối mặt với tình huống hiểm nguy nghẹt thở thế nào. Vả lại, làm báo thì cần sự chân thực. Muốn vậy thì phải vào tận nơi, nhìn tận mắt, phải ghi được hình, chụp được ảnh, chứ chẳng thể ngồi ngoài rồi “nghe hơi nồi chõ” được. Người Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm cười xòa nói: “Anh cũng máu lửa như lính hình sự. Thế mới đúng với cái tên phóng viên An ninh Thủ đô”.

Tác giả và Trung tá Nguyễn Đình Đô, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn CSCĐ - CATP tại Giải bóng đá học sinh THPT Hà Nội do Báo An ninh Thủ đô tổ chức thường niên

Tác giả và Trung tá Nguyễn Đình Đô, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn CSCĐ - CATP tại Giải bóng đá học sinh THPT Hà Nội do Báo An ninh Thủ đô tổ chức thường niên

Chống “bão đêm”

Cách đây hơn 15 năm, Hà Nội xuất hiện tình trạng thanh thiếu niên tụ tập ban đêm, nhất là những ngày cuối tuần để đua xe, gây rối trật tự công cộng. Thực hiện chỉ đạo Ban Biên tập An ninh Thủ đô, tôi tham gia cùng các chiến sỹ Cảnh sát cơ động triển khai các biện pháp chống đua xe trái phép. Hàng ngày, chúng tôi cập nhật thông tin các vụ bắt giữ, xử lý các đối tượng có dấu hiệu gây rối trật tự công cộng. Tuy nhiên, muốn công tác chống đua xe được truyền tải đến bạn đọc một cách sống động, thiết thực, chúng tôi phải bám sát các lần làm nhiệm vụ ngay trên thực địa.

Tuần nào cũng vậy, cứ chiều thứ bảy chúng tôi lại có mặt ở trụ sở Trung đoàn Cảnh sát cơ động (54 phố Trần Hưng Đạo) để đi cùng các chiến sỹ. Người bạn thân thiết của tôi khi ấy là Trung úy Nguyễn Đình Đô - chiến sỹ Đại đội 7 (nay là Trung tá Nguyễn Đình Đô - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 Cảnh sát cơ động). Tối thứ bảy nào anh cũng lái chiếc Jeep đặc chủng chở nhóm phóng viên chúng tôi đi làm nhiệm vụ. Nhờ đó chúng tôi chứng kiến sự ngang ngược, quá khích của các nhóm thanh thiếu niên điều khiển xe máy chạy quá tốc độ, lạng lách, bốc đầu xe đi bằng một bánh… Thậm chí, nhiều đối tượng bất chấp nguy hiểm phóng xe vào đường cấm, đường ngược chiều với tốc độ chóng mặt.

Trước sự liều lĩnh, manh động của các “quái xế”, lực lượng Cảnh sát cơ động vẫn luôn điềm tĩnh, thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Giám đốc CATP là giải tán các đám đông tụ tập để đua xe, cổ vũ đua xe, gây rối trật tự công cộng và kiên quyết bắt giữ, xử lý những đối tượng quá khích… Được đi cùng lực lượng Cảnh sát cơ động chống đua xe trái phép, chúng tôi lại có thêm những kinh nghiệm để có những bài báo có sức thuyết phục, lột tả chân thực nhất mọi vấn đề bức xúc trong xã hội cùng những trải nghiệm sâu sắc về nhiệm vụ của những chiến sỹ Công an Thủ đô đang ngày đêm vững vàng bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

Không đi theo, không tận mắt chứng kiến mọi thứ thì đâu biết anh em hình sự phải đối mặt với tình huống hiểm nguy nghẹt thở thế nào. Vả lại, làm báo thì cần sự chân thực. Muốn vậy thì phải vào tận nơi, nhìn tận mắt, phải ghi được hình, chụp được ảnh, chứ chẳng thể ngồi ngoài rồi “nghe hơi nồi chõ” được. Người Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm cười xòa nói: “Anh cũng máu lửa như lính hình sự. Thế mới đúng với cái tên phóng viên An ninh Thủ đô”.