Những lái buôn “cứa cổ” diễn viên

ANTĐ -Như những lái buôn, chạy đầu trên bắt chẹt đầu dưới, các phó đạo diễn và trợ lý đạo diễn chuyên tìn cách ăn chặn tiền của diễn viên, vốn đã bèo bọt đến đáng thương…

Hậu trường casting: trơ trẽn và vô liêm sỉ!

"Trăm năm trong cõi làm phim

Ai ai cũng phải đứng tim vì tiền"

Những câu nói vui dạng này chả mấy xa lạ ở các đoàn làm phim. Cứ ngỡ nói cho vui, nhưng sự thực có đủ vị chua, cay, chát, đắng khiến người nghệ sĩ não lòng trách phận. Ôi, đâu phải cứ muốn rực rỡ tỏa sáng hào quang trên màn bạc là dễ, cuộc sống kinh tế thị trường, cái gì cũng được đưa vào mục đích kinh doanh và trao đổi. Bước chân vào thế giới làm phim, vai diễn như thứ hàng hóa có thể phải lặn lội tìm từ chợ này đến chợ khác. Có được một vai diễn nào đấy xem như may mắn cần thiết để có cơ hội đầu tư, trang bị cho hành trình kinh doanh làm giàu danh vọng, biến mình thành "đại gia" lừng lẫy trong hào quang "xi nê".

Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng luôn bảo vệ diễn viên của mình

Chợ xi nê hay gọi là chợ phim, ở đây theo đúng nghĩa là nơi vai diễn và diễn viên gặp nhau, đôi bên vừa ý, đẹp lòng thì hợp tác cùng nhau làm ăn với tiêu chí sòng phẳng, vai diễn cần diễn viên và diễn viên cần vai diễn. Nhưng mối quan hệ làm ăn qua lại mất cân đối trong cơ chế thị trường cung cầu chênh lệch quá lớn, vai diễn thì ít mà diễn viên quá nhiều, bởi vậy muốn được đóng phim thì phải khéo léo và biết điều.

Phải hiểu rằng bước vào chợ phim thì phải gặp những tay lái tay buôn, họ như những vị thần đầy quyền lực ban phát cơ hội ký họp đồng cho diễn viên, cho nên muốn may mắn phải biết cúng dường "ơn trên". Nếu bạn không biết cách cúng thì họ có đủ mọi thủ đoạn, thậm chí là những chiêu thức xảo quyệt để "giúp" bạn biết điều cúng tiền, cúng vật.

Hôm nọ, trong chợ đang kháo nhau có hàng mới về, nhiều vai tươi, vai tốt, hàng này được sản xuất bởi đạo diễn tên tuổi, người từng mệnh danh đã làm điện ảnh Việt Nam sống lại. Có được vai diễn trong phim của ông ấy chẳng khác nào vừa có được chiếc túi Hermes, xách ra đường khiến cho khối người phải trầm trồ ngưỡng mộ. Người người xếp hàng, người người khát khao hi vọng có thể vào chợ được gặp ông đạo diễn để ông casting "chọn mặt gửi vàng". Thương thay cho ông đạo diễn, số là trăm sự nhờ vào tay lái, tay buôn tức là anh phó đạo diễn thân tín của mình, với mong muốn tìm được mặt để giữ được vàng, ai dè đâu hắn lái, hắn buôn luôn cả ông.

Anh phó đạo diễn tên là H. H điện thoại mời chừng 20 diễn viên đến để gặp đạo diễn casting. Chưa biết ai được chọn, nhưng H đều nói với từng diễn viên trước khi vào casting: "anh sẽ cho em vào vai này, nhưng toàn bộ tiền catsê của em là anh lấy". Thế đấy, ai đồng ý thì được vào casting, ai không đồng ý thì ra đi. Quá trình để đạo diễn chọn và quyết định ai vào vai diễn trong số những người tham gia casting bao giờ cũng phải tìm ra một người, giống như cuộc thi hoa hậu, người hoàn hảo nhất sẽ là người chiến thắng. 20 người đi cast, 20 người đều được thỏa thuận không nhận tiền catsê nếu được chọn. Cho dù ông đạo diễn có chọn ai trong 20 người thì tiền catsê diễn viên vẫn được định sẵn vị trí, đó là nằm trong túi của H.

Nói chung, đôi bên có lợi, không ai trách ai, anh đồng ý chấp nhận thì tôi mới làm, đó là thỏa thuận của những tay lái buôn với người cung, kẻ cầu. Trong chợ lúc này có tay lái buôn tên B.V hành nghề đạo diễn và có hẳn một công ty chuyên casting diễn viên do B.V thành lập. Một đoàn làm phim của Mĩ sang Việt Nam thực hiện đã liên hệ với công ty của B.V trong việc chọn và mời diễn viên Việt Nam tham gia đóng phim.

T. là diễn viên có tên tuổi trong giới điện ảnh được B.V mời và ký họp đồng với giá 50 USD/một phân đoạn. Vai diễn của T. là một người lính chiến đấu và hy sinh. T. đã quay được khá nhiều cảnh trong phim nhưng chờ mãi chẳng thấy B.V báo lịch đi quay tiếp. Sốt ruột, T. gọi điện thoại hỏi thì B.V trả lời rằng phim hoãn quay vài ngàỵ. T. đành chờ vậy, ai ngờ đâu đang ngồi café thì nghe bạn T hỏi tại sao đoàn phim đang quay, anh lại rảnh rỗi ngồi đây. T. đi ra đoàn phim thì tá hỏa ra rằng họ đang quay cảnh anh chết, B.V đã cho một diễn viên quần chúng hao hao anh, mặc phục trang của anh rồi nằm chết úp mặt dưới đất để quay.

B.V đưa ra lý do với vị đạo diễn nước ngoài: vì T. bị bệnh không đi quay được, cho "diễn viên giả" chết úp mặt quay hình cái lưng như thế cũng không sao. Tiền trả cho T. là 50 USD nhưng với cảnh quay như vậy thì B.V chỉ phải trả cho diễn viên quần chúng 100 ngàn đồng. Đúng là học đạo diễn ra đi làm lái buôn ở chợ xi-nê nên tài năng có khác, biến hóa khôn lường. Chuyện lái buôn của B.V còn có S. là nạn nhân, khi cô chỉ là diễn viên mới nổi. B.V tình cờ nghe được thông tin mật là một sản phẩm muốn mời S. đóng quảng cáo, dù không liên quan đến chương trình này, nhưng B.V đã điện thoại cho cô và nói: "Anh vừa giới thiệu em đi đóng quảng cáo cho công ty Q., họ đã đồng ý chọn em, em chia cho anh tiền giới thiệu 30% catsê nhé", S. đồng ý và cảm ơn vì sự "tốt với đàn em" của B.V đã giúp đỡ cô có được họp đồng này. Lái buôn như B.V quả thực là thiên tài, không khỏi khiến người trong nghề "ngưỡng mộ", chỉ mất vài ngàn đồng cho một cuộc điện thoại anh đã có được 30% catsê quảng cáo của S. lên tới vài ngàn USD.

Lừa đảo diễn viên nhí!

"Già không bỏ, nhỏ không tha", đến những diễn viên nhí, thì chuyện bị ăn chặn tiền catsê cũng không bỏ sót, thậm chí càng dễ dàng hơn. Với tâm lý cha mẹ thích con cái mình được lên tivi, và lũ trẻ cũng thích được giống như thần tượng của mình trên màn bạc, những tay lái buôn chợ phim giống như những kẻ ban ơn, thậm chí có những trường hợp không được lãnh catsê mà còn phải đưa thêm tiền. Chuyện của chị P. L thì là một biến tướng kinh hoàng khác, chị đã bị lừa gạt khi con trai tham gia đóng quảng cáo cho sản phẩm nổi tiếng K. dành cho trẻ em biếng ăn.

Phim quảng cáo do công ty V C thực hiện. Ban đầu V C mời cháu H con chị casting, chọn H để quay quảng cáo nhưng lại nói với chị P. L là quay clip nhỏ và chụp hình cháu thôi. Chị thấy con thích tham gia nên đồng ý và chở H đi quay ở Suối Tiên. Sau khi quay thì người ta đưa cho chị 2 triệu đồng tiền bồi dưỡng và một tờ giấy biên nhận đã nhận tiền nhưng không có dấu mộc công ty nào cả. Hôm sau, canh me không có chị ở nhà, V C đã cho người đến gặp chồng chị và thuyết phục anh ký vào hợp đồng cho phép phát quảng cáo miễn phí và độc quyền quảng cáo cho sản phẩm K.

Chồng chị cứ nghĩ ký thì con mình được lên tivi, vui thôi chứ chẳng sao cả. Ngay sau khi đặt bút ký thì hình ảnh của cháu H được phát từ Bắc đến Nam, có mặt trên các báo và các hiệu thuốc trên toàn quốc. Chuyện này kể ra cho bạn bè ai cũng bức xúc cho chị P. L, nhưng họ cũng trấn an chị thôi coi như con mình tham gia cho vui, được lên tivi oai rồi còn gì. P. L cũng là người làm trong giới nghệ thuật, chị hiểu phần nào chuyện quay clip và quảng cáo độc quyên là khác nhau.

Công ty V C cho người theo dõi chị P. L và gặp riêng chồng của chị để gạ anh ký hợp đồng nhưng V C không biết rằng chị P. L và chồng chị đã li hôn và quyền nuôi con thuộc về chị P. L. Chị P. L có quyền kiện V C. Giám đốc công ty V C sợ thua và mang tai tiếng trong vụ kiện nên thỏa thuận với chị P.L ký một họp đồng gia hạn độc quyền thêm một năm nữa, trả cho cháu H. 5.000 USD. Nghĩa là, H. phải đóng quảng cáo miễn phí độc quyền một năm. Chị P.L nói trong nụ cười chua chát: "Ngốc quá, bị lừa. Nhưng cũng vì vợ chồng đã ly hôn nên mới có cơ đòi được 5.000 USD, nếu không coi như mất trắng".

Không phải mang tiếng là kẻ ăn chặn tiền lương diễn viên, một số phó đạo diễn còn có những chiêu thức gạ tiền bằng sự cả nể và biết điều của họ. Có thể như là vài câu bâng quơ than thở "điện thoai hư rồi, muốn đổi điện thoại quá đi nà", "anh muốn mua cái xe, mà còn thiếu chút ít"... nhẹ nhàng thế thôi nhưng những câu nói ấy đều được đã đáp ứng... Thậm chí có những trường hợp như phó đạo diễn B.L cậy thế là em ruột của một đao diễn có tiếng nên cũng đã trở nên nổi tiếng là mượn tiền diễn viên rồi không trả vì anh thừa biết là người ta ngại đòi tiền và thậm chí cũng không dám đòi tiền mình.

Dần dà diễn viên cũng giống người nội trợ, bước vào "chợ phim" khát khao tìm và cầu nguyện rằng may mắn sẽ đến với mình khi tìm được vai diễn nào đấy ngon ngon để hi vong chế biến một bữa tiệc hoành tráng vinh danh tên tuổi. Tiếc rằng thời buổi này đi chợ không phải dễ, rau thì có thuốc trừ sâu, thịt thì có chất tạo nạc, gia vị thì có vô số chất gây ung thư... Ngặt nỗi không vào chợ thì biết ăn gì bây giờ?

Ai bảo vệ diễn viên?

Chúng tôi đã có cuộc thăm dò với khoảng 50 diễn viên tại địa bàn TP Hồ Chí Minh, câu trả lời nhận được là những chuyện khuất tất về catsê diễn ra khá thường xuyên và có những vị phó đạo diễn còn tìm mọi cách ăn chặn tiền của diễn viên quần chúng, những người được cho là yếu thế nhất và nghèo nhất trong một đoàn phim. Và muôn hình vạn trạng cách ăn chặn tiền, nhưng không ai dám lên tiếng. Chính vì thế, nhiều diễn viên muốn có một hội bảo vệ quyền lợi cho diễn viên.

Phó đạo diễn Nguyền Hùng Cường:

Cát sê không cao mà còn bị ăn chặn, thương lắm!

Tôi làm phó đạo diễn cho anh Vũ Ngọc Đãng trong một số phim như "Ngôi nhà hạnh phúc", "Hotboy nổi loạn"... và tôi thấy anh ấy có một cách làm việc rất hay, anh ấy luôn nói nhà sản xuất trả catsê trực tiếp cho diễn viên và có hợp đồng rõ ràng và thường thì diễn viên trong phim của anh ấy được trả cao hơn các phim khác. Tôi nghĩ đó là điều đạo diễn và phó đạo diễn phải làm được. Bởi vì thực tế, catsê của diễn viên không cao. Nếu diễn viên mới, dù đóng vai chính cũng chỉ vài triệu mỗi tập, mà còn phải lo hết mọi thứ cho vai diễn. Nếu như vậy mà đạo diễn hay bầu casting còn ăn chặn tiền của họ nữa thì thương lắm.