Những kỷ niệm của một thời đáng nhớ

(ANTĐ) - Thấm thoát đã 54, 55 năm trôi qua, già nửa thế kỷ, nhớ lại một thời khi trong chúng tôi mới 17, 18 tuổi, nay đều đã ngoài 70 và nhiều anh chị em cùng khóa đã hơn 80, có anh như anh Ngô Quang Thấn đã hơn 90 tuổi.

Những kỷ niệm của một thời đáng nhớ

(ANTĐ) - Thấm thoát đã 54, 55 năm trôi qua, già nửa thế kỷ, nhớ lại một thời khi trong chúng tôi mới 17, 18 tuổi, nay đều đã ngoài 70 và nhiều anh chị em cùng khóa đã hơn 80, có anh như anh Ngô Quang Thấn đã hơn 90 tuổi.

Nhiều anh chị em thuộc dân tộc ít người ở vùng cao Tây  Bắc, Việt Bắc như dân tộc Thái, Tày, Nùng, Dao, Mường, Mán, Mèo (sau gọi là H’mông) một số dân tộc Ê đê, Gia rai, Ba na... ở Tây Nguyên, đi bộ hơn 2 tháng ròng để đến kịp khai giảng khóa học của trường Công an Trung ương trong rừng già thuộc bản Phai Cống, xã Xuân Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang với tên mật danh là “Trại chăn nuôi số 1-E200”.

Tôi là một trong số học sinh phổ thông ở các trường vùng tự do. Tôi cùng anh Nguyễn Đình Tín là học sinh hết lớp 7 của trường PTTH Ngô Quyền ở Tân Cương - Thái Nguyên. Trên đường đi bộ đến Đèo Khế - Tuyên Quang thì bị lên sởi, anh Tín bị đau bụng, không thể tiếp tục đi theo đoàn, phải tìm nhà dân ở dọc đường để nghỉ nhờ ít ngày. Nhờ ít nắm lá thuốc nam của dân chăm sóc, may anh không bị sởi chạy hậu, khi đỡ lại tiếp tục cuốc bộ lên trạm đón tiếp để vào trường.

Kỷ niệm buổi họp mặt học viên khóa đào tạo I, II trường CA Trung ương hiện ở Hà Nội ngày 27-4-1997
Kỷ niệm buổi họp mặt học viên khóa đào tạo I, II trường CA Trung ương hiện ở Hà Nội ngày 27-4-1997

Khóa 1 khai giảng ngày 5-8-1953, có hơn 200 học viên gồm hầu hết là cán bộ CA hoặc đã công tác ở một số ngành được tuyển chọn sang công an. Khóa II khai giảng ngày 2-3-1954 có  hơn 400 học viên gồm cán bộ công an hoặc cán bộ đang công tác ở một số ngành, một số công tác ở các xã và một số được tuyển chọn từ học sinh đã là đoàn viên thanh niên Cứu quốc ở một số trường phổ thông trung học vùng tự do như Ngô Quyền, Lương Ngọc Quyến, Hàn Thuyên...

Để đảm bảo cho học viên học tốt, quản lý sinh hoạt học tập, mỗi khóa chia thành các học đoàn, mỗi học đoàn có các tổ và các nhóm tâm giao giúp nhau học tập sinh hoạt hàng ngày. Những học viên có trình độ văn hóa khá hơn được giao dạy thêm văn hóa cho một số học viên dân tộc ít người. Tôi được giao giúp đỡ đồng chí Lý A Mà dân tộc Mèo ở Lai Châu.

Vì trường mới chuyển từ Cao Bằng về đây nên trước ngày khai giảng, một số học viên đến sớm phải lao động chặt gỗ, tre, nứa, lá ở nơi khác mang vác về đây để làm nhà ở. Trong quá trình học tập vào các ngày nghỉ còn phân công lần lượt thay nhau đi bộ vận chuyển lương thực, thực phẩm lấy củi phục vụ nhu cầu sinh hoạt.

Tổ chức sản xuất trồng và chăm sóc rau ăn, nhất là rau muống để bổ sung cho bữa ăn hàng ngày. Tôi nhớ hồi đó, mỗi lần vận chuyển lương thực qua con suối Quãng cách trường khoảng 5 km phải dò lối lội nước đi qua, nước có những đoạn chỉ đến đầu gối, nhưng khi trở lại thăm cội nguồn năm 1997 thì qua suối đã phải đi đò mảng. Với thời gian nước chảy đá mòn, vả lại rừng già bị đốn trụi, mưa sói đã làm dòng suối nhỏ và nông cạn năm xưa thành con sông nhỏ rồi.

Cuộc sống vật chất của cán bộ nhà trường cũng như của học viên vô cùng khó khăn, thiếu thốn; cơm đựng trong thùng rồi chuyển vào các ống bương lớn chặt vát chéo buộc quai sách. Bát là ống bương cưa ngắn hoặc có ai mang theo được chiếc bát, chiếc ca sắt là rất quý.

Thức ăn chủ yếu là muối và rau rừng. Mỗi khi ăn tươi có thịt thì lấy lá chuối rừng hoặc rổ ra nhỏ tự đan làm đĩa. Có thời kỳ ngày 4 lạng gạo không nở, đa số tuổi 20 sức dài vai rộng mà mỗi bữa ăn như vậy coi như lót dạ, độn rau cũng không được no. Nhiều anh chị em tranh thủ giờ nghỉ vượt qua sông Gâm hoặc bản làng ở gần để tìm mua thêm ngô, khoai, sắn, rau quả bổ sung cho dạ dày bớt đi cơn đói cồn cào. Nước ăn uống, sinh hoạt, tắm giặt chủ yếu là dùng nước đục lờ lờ của dòng sông Gâm. Nước uống hàng ngày dùng cơm cháy đun sôi.

Đời sống vật chất tuy kham khổ, nhưng đời sống tinh thần thì phong phú, vui tươi. Thường xuyên tổ chức sinh hoạt văn nghệ, làm bích báo, tổ chức nghe đài. Thỉnh thoảng nhà trường liên hệ với đoàn chiếu phim đến chiếu 1, 2 bộ phim chủ yếu là phim Trung Quốc. Những hôm được tin có chiếu phim, chưa đến giờ chiếu đã tề tựu, chọn chỗ bãi cỏ gần các lán ở để xem.

Là những thanh niên nam, nữ, tuổi đời còn rất trẻ, ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm, nhiều đêm rét lạnh, chỉ với chiếc chăn đơn mỏng manh, nhưng ai nấy đều nỗ lực học tập khi nghe giảng ở hội trường, thảo luận tổ, các anh chị đã có kinh nghiệm công tác thực tế trao đổi truyền cảm cho một số học sinh mới để tiếp thu bài giảng, rèn luyện đạo đức, tác phong mong sau này ra phục vụ tốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Theo chủ trương thì thời gian của mỗi khóa học là 18 tháng. Học viên của cả 2 khóa đang nỗ lực học tập thì những tin vui chiến thắng của các mặt trận, đặc biệt là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneva chịu đình chiến, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng.

Cuộc cách mạng của chúng ta chuyển sang giai đoạn mới, Đảng và Nhà nước phải lo liệu nhiều việc mà bước đầu là tổ chức tiếp quản các vùng mới giải phóng, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội và thành phố cảng Hải Phòng. Đồng thời phải tiếp tục hoàn thành cuộc cách mạng dân chủ: giải phóng nông dân bằng phát động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất, nên học viên của 2 khóa phải kết thúc học tập sớm để ra công tác phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị. Dù học dở dang, những bài học chưa được hệ thống, chưa được phong phú như ngày nay, song với mỗi chúng tôi đó là vốn cơ bản ban đầu rất quý, là hành trang cho suốt cuộc đời công tác và chiến đấu trên lĩnh vực sau này.

Thế là số học viên được chia làm 2 để đi về xuôi. Thời ấy nhà trường không có chiếc ôtô nào để chuyển học viên, do vậy Ban Giám hiệu trường cho mua bương tre (có 1 phần học viên lên rừng lấy về) để đóng bè mảng đi xuôi theo dòng sông Gâm, sông Lô ra sông Hồng để về Hà Nội tiếp quản. Số đồng chí biết bơi, biết lái được chọn để điều khiển, nhiều anh chị em chưa đi bằng phương tiện này bao giờ nên qua những đoạn vượt thác nước chảy xiết cũng khiếp, nhưng rồi cũng quen và rất may cả đoàn đều an toàn, cập bến theo kế hoạch.

Về tiếp quản, một số được phân công ngay vào Hà Nội để đảm nhận các việc chuẩn bị phục vụ cho ngày giải phóng 10-10. Một số làm cảnh sát trinh sát chính trị, hình sự… có hơn 30 chị em điều ngay sang đảm nhận công tác ở bưu điện phục vụ cho cả 2 nhiệm vụ đảm bảo thông tin thông suốt và phục vụ cho công tác nghiệp vụ công an, đảm bảo an ninh trật tự của Thủ đô. Số chị em này thật khó khăn khi cùng phải làm việc với số nhân viên lưu dung nắm kỹ thuật, sao cho đảm bảo bí mật. Còn đoàn đi phát động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất ở một số tỉnh thì cuốc bộ đến điểm tập kết, rồi được trên cho xe tải đưa đến các Đoàn ủy dự tổng kết đợt 5, đi làm đợt 6, đợt 7, bước vào đợt 8 thì Bộ lại điều về dự học tiếp với khóa đào tạo III - C500, lúc ấy trường đóng ở bên bờ sông Nhuệ để cuối tháng 8 ra Hà Nội chuẩn bị cho Tổng Đăng ký hộ khẩu lần đầu tiên ở Hà Nội vào cuối năm 1955.

Hầu hết các đồng chí liên tục công tác ở trong ngành hay được tăng cường biệt phái sang một số ngành hoặc chuyển ngành đều là những cốt cán, là lãnh đạo các cấp Phòng, cấp Vụ, Cục, Viện, Trường, Giám đốc, Phó Giám đốc Công an tỉnh, thành phố.

Có đồng chí là Thiếu tướng Viện trưởng, Phó Tổng cục trưởng, Hiệu trưởng trường ĐH CSND, là Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Pháp lý, Bí thư, Chủ tịch cấp huyện. Trong cương vị công tác nào anh chị em đều hết lòng góp sức vào công cuộc bảo vệ đất nước. Nhiều đồng chí đã hy sinh trong chiến đấu, công tác trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhiều đồng chí đã qua đời vì tuổi cao, bệnh tật hiểm nghèo… Không ít đồng chí đang lâm bệnh nặng nằm điều trị ở bệnh viện hay tại nhà riêng, không thể đi đến các cuộc họp mặt đồng môn.

Từ hơn 600 đồng chí nay chỉ còn lại 179 ở trên 22 tỉnh, thành phố, trong đó đông nhất là Hà Nội 105 đồng chí (vì ngoài số công tác ở Hà Nội thì số đông công tác ở cơ quan Bộ và một số ở các tỉnh khi về hưu về Hà Nội ở). Sau đến là TP Hồ Chí Minh 16, Hải Phòng 9, Cao Bằng 8. Các nơi như Đà Nẵng, Thanh Hóa, Bắc Giang, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Sơn La, Quang Nam, Quảng Trị, Yên Bái, Khánh Hòa, Hà Tây, Gia Lai, An Giang, Đồng Nai, Hà Giang, Điện Biên, Bà Rịa - Vũng Tàu mỗi nơi có từ 1 đến 6 đồng chí.

Ban liên lạc toàn quốc của 2 khóa được thành lập từ cuối năm 1992 do cố Phó Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Phạm Minh, Hiệu trưởng trường ĐH CSND làm trưởng ban. Đồng chí Đăng Ngọ, nguyên Vụ Phó Vụ TCCB làm phó ban, tổ chức họp mặt toàn quốc lần đầu năm 1993 và tiếp các năm 1995, 2000 và 2003.

Các tỉnh, thành phố có đông học viên đều có ban liên lạc, có quy chế và hoạt động tình nghĩa thiết thực, thăm hỏi nhau khi ốm đau, phúng viếng tiễn đưa đồng môn khi qua đời. Hàng năm đều tổ chức họp mặt để mừng thọ những đồng chí tuổi cao. Tổ chức được 3 lần về thăm cội nguồn, địa danh nơI mái trường xưa cùng những di tích lịch sử, Cách mạng. Nhân chuyến đi đã góp tiền trao tặng một số sổ tiết kiệm cho các cháu con liệt sỹ hoặc là thương binh công an. Tặng quần áo cho các gia đình nghèo ở địa phương.

Sau khi Ban liên lạc báo cáo đề nghị lên lãnh đạo Bộ về đặc đIểm của 2 khóa trong tổ chức họp mặt cựu học viên kỷ niệm 55 khóa Đào tạo I + II (1953 - 2008) đã được sự quan tâm rất chân tình của đồng chí Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng thường trực Bộ Công an cùng với sự quan tâm của lãnh đạo Tổng cục XDLL, Tổng cục Hậu cần, Ban Giám đốc Học viện An ninh và các Vụ, Cục… đã có một số cuộc họp bàn triển khai kế hoạch cụ thể để kịp hội khóa vào ngày 12-4-2008.

Sự quan tâm của lãnh đạo Bộ là nguồn cổ vũ động viên lớn lao đối với chúng tôi, những cựu học viên của 2 khóa học. Cùng với cách tổ chức của lãnh đạo Học viện huy động hàng trăm sinh viên đang học các khóa tham gia càng có ý nghĩa giáo dục về truyền thống với thế hệ trẻ để tiếp tục học tập tốt hơn nữa, rèn luyện đạo đức của người CAND tốt hơn nữa sau này phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam yêu quý của chúng ta.

Tôi cũng như hầu hết anh chị em học viên muốn qua những trang báo để tỏ lòng biết ơn chân thành trước sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các Tổng cục, Vụ, Cục, BGĐ Học viện An ninh cũng như nhiều đống chí lãnh đạo ở các địa phương, các báo CAND, ANTĐ, CA TP.HCM đã rất quan tâm tạo đIều kiện vật chất, tinh thần, mọi thuận lợi để chúng tôI được gặp mặt nhau. Có thể đây là cuộc họp mặt cuối cùng toàn quốc của tất cả các cựu học viên của 2 khóa, vì hầu hết tuổi đã cao, sức khỏe đã yếu nhiều. Với sự quan tâm thật chu đáo toàn diện như vậy, tôi nghĩ đây cũng là cuộc họp mặt đầy tình nghĩa, sẽ thành công rất tốt đẹp, vượt xa lòng mong đợi của toàn thể học viên chúng tôi.

Đào Đức Ninh