Những kỷ lục "dị biệt" khiến các quốc gia "đau đầu" đối phó

ANTD.VN - Dù đứng ở vị trí "số 1" thế giới, nhưng đó lại là vị trí mà hầu hết các quốc gia hiện đang "dẫn đầu" không hề mong muốn, thậm chí, tránh được càng xa, càng tốt. Hãy cùng tìm hiểu lý do họ lại từ chối vị trí dẫn đầu này qua bài viết dưới đây.

Namibia - Quốc gia có tỷ lệ tai nạn giao thông cao nhất 

Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 1,25 triệu người chết vì tai nạn giao thông (TNGT) và các quốc gia thuộc Châu Phi là nơi có tỷ lệ tử vong do TNGT cao nhất thế giới.

Namibia, đất nước nằm ở phía nam Châu Phi với dân số chỉ khoảng 2 triệu người, tuy nhiên, cứ 100.000 người dân thì có tới 53 người tử vong do TNGT. Còn tại Nam Phi, quốc gia láng giềng của Namibia, mỗi năm, đất nước này xảy ra hơn 700.000 vụ TNGT, với số nạn nhân thiệt mạng lên tới khoảng 14.000 người. 

Trong khi đó, số người thiệt mạng do TNGT ở Việt Nam rơi vào khoảng 8.000 - 10.000 người và nằm trong nhóm nước có số người chết vì TNGT ở mức cao. Tuy nhiên, với sự nỗ lực chính phủ, TNGT tại Việt Nam đang có xu hướng giảm dần trên các tiêu chí. 

Tỷ lệ người tử vong do TNGT tại Namibia hiện ở mức cao nhất thế giới

Nga đứng đầu thế giới về tỷ lệ người hút thuốc

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm, thuốc lá cướp đi sinh mạng của gần 6 triệu người, và Nga là quốc gia đứng đầu bảng với tỷ lệ người hút thuốc (độ tuổi từ 15 trở lên) là 39,1%; tiếp đó là Thổ Nhĩ Kỳ (31,2%), Hà Lan (30,3%), Philippines (28,2%) và Trung Quốc (28%)....

Thế nhưng, nếu tính về số lượng người hút thuốc lá nhiều nhất thì Trung Quốc lại là quốc gia dẫn đầu với khoảng 301 triệu người, tiếp theo là Ấn Độ với 275 triệu người.

Ở Việt Nam, các bệnh liên quan đến thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu với khoảng 40.000 ca tử vong mỗi năm - tức là hơn 100 người chết vì thuốc lá mỗi ngày, cao gấp 4 lần số tử vong vì TNGT.

Tỷ lệ người hút thuốc ở Nga (tính từ 15 tuổi trở lên) là 39,1%, cao nhất thế giới

Người dân Belarus uống rượu nhiều nhất thế giới

Theo một con số thống kê, bình quân một năm, mỗi người Belarus tiêu thụ khoảng 17,5 lít rượu nguyên chất, nhiều gấp 3 lần mức trung bình toàn thế giới (6,2 lít). Và lượng rượu trung bình một người đàn ông Belarus uống lên tới 27,5 lít/năm. 

Tại Việt Nam, người dân uống trung bình 6,6 lít rượu nguyên chất/năm.

Theo kết quả điều tra diện rộng của Bộ Y tế, tính đến tháng 1-2016 Việt Nam tiêu thụ khoảng 3,4 tỷ lít bia (năm 2010 là 2,4 tỷ lít) và 70 triệu lít rượu có nhãn mác, chưa kể khoảng 200 triệu lít rượu tự nấu trong dân.

“Nếu tính trung bình, một người nam giới trưởng thành uống khoảng 27,4 lít cồn nguyên chất, đây là con số rất đáng báo động”, bác sĩ Trần Quốc Bảo, Cục Y tế dự phòng cho biết.

Honduras, nơi hoạt động phá rừng diễn ra mạnh nhất

Nạn phá rừng là một vấn đề toàn cầu và Hondarus là nước có tỷ lệ phá rừng cao nhất.

Khoảng 70% dân số Honduras sống trong cảnh nghèo, Honduras Weekly cho hay. Nhiên liệu chính của họ là củi. Các chủ trang trại cà phê không quan tâm đến việc diện tích rừng giảm dần. Những kẻ buôn ma túy lại coi phá rừng là cơ hội kiếm tiền, bởi chúng có thể ép các nhà bảo tồn sinh thái và người dân bản địa rời khỏi mảnh đất của họ bằng cách phá rừng. Vì thế, diện tích rừng bị phá ở Honduras tăng 4 lần từ năm 2007 đến năm 2011.

Somalia có số lượng binh sĩ trẻ em lớn nhất

Hầu hết các nước lên án việc sử dụng binh sĩ trẻ em. Tuy nhiên, tình trạng trẻ em tham gia chiến đấu vẫn tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới. Thực trạng ấy diễn ra rất nghiêm trọng ở Somalia, nơi các nhóm Hồi giáo vũ trang tuyển dụng trẻ em khoảng 10 tuổi làm bia đỡ đạn trong các cuộc xung đột với lực lượng chính phủ. 

Nhóm khủng bố khét tiếng al-Shabab từng điều một xe tải để chở binh sĩ nhí làm lá chắn cho các chiến binh giàu kinh nghiệm hơn. Một người sống sót cho biết 98 trong tổng số 100 bạn cùng lớp của cậu chết ngay sau khi al-Shabab điều họ ra trận: “Những đứa trẻ chết trong khi chiến binh người lớn bỏ chạy”.

Bangladesh, nơi hoạt động buôn người diễn ra mạnh nhất

Buôn người là một tội ác khủng khiếp nhưng diễn ra khá phổ biến. Hàng năm, khoảng 600.000 đến 800.000 người bị buôn bán qua biên giới.

Nạn buôn người diễn ra tồi tệ nhất ở Bangladesh. Mỗi năm, khoảng 50.000 phụ nữ và trẻ em Bangladesh bị bán ra nước ngoài, The National cho hay. Những kẻ buôn người dụ dỗ phụ nữ bằng lời hứa hẹn về cuộc sống tốt đẹp hơn ở nước ngoài.

Những người phụ nữ Bangladesh bị lừa bán làm "nô lệ", làm gái mại dâm - Ảnh minh họa: Reuters

Đức - "Nhà thổ" lớn nhất châu Âu

Kể từ khi hợp pháp hóa mại dâm vào năm 2002, Đức trở thành “siêu thị mại dâm” khổng lồ với khoảng 400.000 người lao động tình dục.

Người ta ước tính khoảng 500 nhà thổ đang tồn tại ở Berlin trong tổng số hơn 3.000 nhà thổ trên cả nước. Doanh thu mỗi năm của ngành công nghiệp mại dâm lên đến 20 tỷ USD và Đức trở thành nhà thổ lớn nhất châu Âu, theo New York Post.

Một khu phố đèn đỏ tại Đức - Ảnh: Reuters

Tình trạng mại dâm bùng nổ ở Đức gây hậu quả nghiêm trọng. Nhiều kẻ lừa bán, buộc các cô gái nước ngoài tham gia vào ngành công nghiệp mại dâm ở Đức. Theo các cuộc khảo sát, khoảng 90% phụ nữ trở thành gái mại dâm do tình trạng ép buộc.

Một thành viên Quốc hội Đức cho biết: “Vào thời điểm đó, người ta cho rằng hợp pháp hóa mại dâm có thể cải thiện tình hình của những người lao động tình dục. Nhưng đó là suy nghĩ sai lầm. Giờ chúng tôi biết rằng cách nghĩ tốt chưa chắc mang lại hiệu quả tốt”.