Những ký giả xông pha, dũng cảm trên tuyến đầu chống đại dịch Covid-19 ở Vũ Hán (Trung Quốc)

ANTD.VN - Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở Trung Quốc, nhiều phóng viên đã tự đặt mình vào nguy cơ lớn. Họ mạo hiểm vào các đơn vị cách ly chăm sóc đặc biệt, lăn xả trên các “mặt trận” chống dịch khác để ghi lại những câu chuyện nóng hổi, sống động của cả bệnh nhân và bác sỹ.

Những ký giả xông pha, dũng cảm trên tuyến đầu chống đại dịch Covid-19 ở Vũ Hán (Trung Quốc) ảnh 1Đưa tin về dịch Covid-19 tuy nhiều rủi ro nhưng là trách nhiệm lớn lao của phóng viên báo chí

Những điều ngoài sức tưởng tượng

Ký giả Cao Desheng của tờ Chinadaily hình dung lần đầu tiên tới Vũ Hán (thủ phủ tỉnh Hồ Bắc) là anh sẽ đi thẳng xuống Hanjie (phố đi bộ trong trung tâm du lịch nhộn nhịp), lái xe qua cầu sông Dương Tử dài hơn 1,6km, tham quan hồ Đông đẹp như tranh vẽ và thưởng thức các món ăn ngon của địa phương. Vì thế, khi đến thành phố bằng tàu hỏa vào đêm 14-2 với tư cách là một nhà báo để ghi nhận những gì đang xảy ra sau khi Vũ Hán bị dịch Covid-19 tấn công, anh không thể tin vào mắt mình. 

Nhà ga xe lửa siêu hiện đại tuyệt đẹp, đường cao tốc trên cao, đường vành đai và những tòa nhà chọc trời trên đường đến khách sạn im lặng đến thê lương. Đằng sau mỗi cửa sổ của những tòa nhà dân cư mà xe lướt qua là những người bị cô lập. Khoảng 9 triệu người đang ở trong nhà để hạn chế tối đa việc đi lại, như một phần nỗ lực kiềm chế sự lây lan của virus. Thật bất ngờ, bệnh dịch giống như đã nhấn nút tạm dừng cuộc sống ở một đô thị lớn vốn vô cùng sôi động và tràn đầy năng lượng Vũ Hán.

Nhưng đằng sau sự yên ắng đó là một cuộc chiến chống bệnh dịch vô cùng quyết liệt. Cao Desheng đã chạy theo guồng quay phỏng vấn, trò chuyện với người dân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh cũng như đội ngũ tình nguyện viên từ giao hàng, lái xe đến hỗ trợ tâm lý hay chăm sóc thú cưng cho các gia đình đi vắng… Với anh, tất cả họ xứng đáng nhận lời khen ngợi, nhưng trên hết vẫn là các “thiên thần áo trắng” - đội ngũ y bác sỹ của Vũ Hán cũng như hàng chục nghìn nhân viên y tế từ khắp Trung Quốc đổ về đây để cùng gồng mình ngăn chặn dịch bệnh.

Trải nghiệm ở khu cách ly đặc biệt

Chen Nan, phóng viên của nhật báo Cáp Nhĩ Tân đã có dịp hiếm hoi được vào khu cách ly điều trị tích cực thuộc Đại học Y Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang hôm 21-2. Khi đó, cả tỉnh Hắc Long Giang có 70 bệnh nhân viêm phổi nặng thì 62 người điều trị ở bệnh viện này. Sau 5 tiếng tác nghiệp tại khu vực điều trị tích cực, anh bị mất nước do người ướt đẫm mồ hôi. Ấy vậy mà các bác sĩ và y tá ở đây phải làm việc tới 10 tiếng/ngày trong những điều kiện đó. Mặc dù vậy, vượt qua tất cả những khó khăn, họ cảm thấy vui khi thấy bệnh nhân an toàn và hồi phục.

Phải tận mắt chứng kiến các ca làm của bác sỹ chống dịch Covid-19 lần này, giới phóng viên mới thấu hiểu thử thách, gian nan nơi tuyến đầu là như thế nào. Phóng viên Zhu Xingxin của Chinadaily hôm 3-2 đã đến Bệnh viện Tongji liên kết với Đại học Y khoa Tongji (thuộc Đại học Khoa học và công nghệ Huazhong ở Vũ Hán) kể lại: “Khi tôi đến, Duan Jun (41 tuổi) - một bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Trung - Nhật ở Bắc Kinh được phái đến để hỗ trợ - đang chuẩn bị vào phòng cách ly. Phải mất khoảng 10 phút họ mới thay xong bộ đồ bảo hộ khá phức tạp gồm quần áo, khẩu trang phẫu thuật, kính bảo hộ, găng tay dùng một lần và cả bọc giày. Tôi thấy họ cổ vũ nhau: “Vũ Hán, hãy mạnh mẽ lên! Trung Quốc, hãy mạnh mẽ lên!”. Sau đó, họ giúp nhau viết tên và đơn vị làm việc để dễ xác định trong quá trình làm việc trong bộ đồ kín bưng như vậy”. Một chi tiết mà Zhu Xingxin để ý đến là có người thậm chí còn mặc bỉm để không làm hỏng bộ đồ bảo vệ này.

“Chúng tôi đã thực hiện các biện pháp bảo vệ khá tốt, vì vậy không phải lo lắng cho bản thân. Nhưng những người không biết nhiều về công việc này có thể sợ hãi khi nhìn thấy chúng tôi”, bác sỹ Duan Jun nói. Nhưng rồi, khi phóng viên mặc bộ đồ bảo vệ theo họ vào khu cách ly, anh cảm thấy ngột ngạt, thậm chí hụt hơi vì đeo khẩu trang, vì thế phải tự điều chỉnh hoạt động chậm lại để cảm thấy tốt hơn.

Bác sĩ Duan Jun cũng là trưởng nhóm y tế gồm 20 người đến từ Bắc Kinh. Anh học thạc sĩ ở tỉnh Hồ Nam khi Hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính nặng (SARS) bùng phát vào năm 2003. Anh chọn làm việc trong khu điều trị tích cực vì được thực hiện trách nhiệm đầy đủ nhất của bác sĩ trong việc cứu sống bệnh nhân.

Tự nguyện đến Vũ Hán, bác sĩ Duan Jun  nói dối gia đình rằng anh đang trực tại bệnh viện ở Bắc Kinh để mọi người đỡ lo. Với tư cách là lãnh đạo của đội ngũ y tế hỗ trợ cho Vũ Hán, anh cũng gánh trách nhiệm chăm sóc tốt các thành viên trong nhóm để cải thiện hiệu quả công việc.

“Nhân viên y tế đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại virus nên chúng tôi không thể ngã bệnh. Chìa khóa của thành công chính là giữ bình tĩnh và tránh quá căng thẳng”, Duan Jun nói. Có người trong nhóm bác sĩ Duan Jun đã hoãn đám cưới, gác cả hạnh phúc riêng tư, vì họ xác định sẽ đến bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần.

Câu chuyện nhớ mãi trong đời

 “Các đồng nghiệp của tôi gọi tôi là “người phụ nữ thép”, nhưng với phóng viên, không có sự phân biệt giới tính gì cả. Chúng tôi có trách nhiệm đi đến tâm dịch và lắng nghe những câu chuyện của mọi người”, Liao Jun, phóng viên của Tân Hoa Xã chia sẻ.

Để đánh dấu Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3 vừa qua, Văn phòng thông tin Hội đồng Nhà nước ở Vũ Hán đã mời 6 phụ nữ đã tham gia vào các công việc liên quan đến kiểm soát dịch bệnh Covid-19 đến gặp gỡ báo chí. Trong số này, nữ phóng viên Jun Liao vinh dự được mời bởi cô đã lăn lộn đưa tin về đợt dịch ở Vũ Hán trong hơn 2 tháng qua. Trong chừng đó thời gian, cô đã xông xáo tới các bệnh viện, cơ sở cách ly và cộng đồng địa phương quanh thành phố và đã hoàn thành hơn 500 tác phẩm.

Liao thường hay xúc động bởi những câu chuyện, những nhân vật mà cô biết đến, trong đó có câu chuyện về một cặp vợ chồng trẻ mà cô đặc biệt đáng nhớ. Wang Xiaote là bác sĩ của một bệnh viện dành riêng cho các bệnh nhân Covid-19 và chị đã ở tại khách sạn kể từ ngày 23-1 để cách ly với gia đình. Ca làm việc của Wang thường bắt đầu vào sáng sớm khi mặt trời còn chưa mọc.

Lo lắng cho sự an toàn của Wang, chồng chị nói sẽ lái xe đưa vợ từ khách sạn đến bệnh viện, nhưng Wang sợ mình có thể truyền virus vào xe và gây nguy hiểm cho sức khỏe cả gia đình. Thế là mỗi sáng, người chồng đành lái xe theo vợ và chiếu sáng con đường mà chị đi bộ đến bệnh viện. Họ cứ làm như vậy ròng rã cả tháng trời. Liao cho biết, cô sẽ luôn nhớ những câu chuyện như thế bởi nó cho thấy ý chí chống dịch của người Vũ Hán như thế nào.

Chỉ có thể là đi và cảm nhận

Su Feng - phóng viên trẻ của Chinadaily kể rằng, gia đình anh đã lo lắng khi anh quyết định đến Vũ Hán. Nhưng sau một thời gian ở đây, anh cảm thấy nỗi sợ hãi của họ và rắc rối mình gặp phải không đáng lo ngại. Ở độ tuổi gần 30 và vinh dự được tham gia trận chiến chống lại dịch Covid trên tiền tuyến với tư cách là một nhà báo, những gì Su Feng trải nghiệm khiến anh cảm thấy xứng đáng với sự lựa chọn của mình. Tại sao như vậy? Chỉ 1 lần tác nghiệp ở bệnh viện dã chiến Jiangxia đã thuyết phục anh rằng, đó là lựa chọn đúng đắn.

Tại bệnh viện này, Su Feng đã gặp 2 nữ y sĩ trẻ, thậm chí còn trẻ hơn cả anh, nhưng họ đã trở thành “nữ chiến binh” trong việc chăm sóc các bệnh nhân. Đó còn là Viện sĩ hàn lâm Zhang Boli, người đứng đầu bệnh viện đề nghị mọi người ăn mì tôm sau khi cuộc họp với ông kết thúc muộn. Bác sỹ 72 tuổi này vẫn chiến đấu như một chàng trai trẻ mà không có đặc quyền cá nhân nào cả. Hay như Wu Yong, đồng nghiệp của Su Feng ở Vũ Hán đã có 2 con cho biết, anh thậm chí còn để lại di chúc khi rời khỏi nhà trong kỳ nghỉ Tết. “Tôi đã từng đưa tin về dịch SARS vào năm 2003. Tôi có nghĩa vụ đóng góp ở tiền tuyến lần này. Tôi đã sắp xếp mọi chuyện ở nhà”, Wu Yong nói.

Phóng viên Su Feng đã quan sát kỹ bệnh viện dã chiến, có chăn điện, máy lọc không khí, giá sách, wifi và tivi. Các bệnh nhân không cảm thấy cô độc trong cuộc chiến chống virus lạ. “Với tất cả những gì đã trải qua, tôi tin tưởng rằng thành phố và đất nước sẽ chiến thắng” - anh nói.

Quả thực, ngày 11-3, 16 bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán đã đóng cửa sau khi bệnh nhân cuối cùng xuất viện. Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, các cơ sở này đã đón nhận hơn 12.000 bệnh nhân, hoàn thành sứ mệnh dập dịch và tới nay các ca nhiễm mới ở Trung Quốc là không đáng kể.

“Làm phóng viên “chiến trường Covid-19” có thể nguy hiểm. Ở giai đoạn đầu của dịch, tôi đã tiếp xúc gần gũi để phỏng vấn mà không có trang phục bảo hộ. Có người sau đó được xác nhận nhiễm virus. Lần đầu tiên trong sự nghiệp, tôi cảm thấy nó có thể phải trả giá bằng mạng sống của mình. Tất nhiên, điều đó thật đáng sợ”

Những ký giả xông pha, dũng cảm trên tuyến đầu chống đại dịch Covid-19 ở Vũ Hán (Trung Quốc) ảnh 5

Liao Jun (nữ phóng viên Tân Hoa xã)