Những khuyến cáo bị… bỏ quên

ANTĐ - Từ khi người Pháp đặt chân đến Sài Gòn - Gia Định, các nhà quy hoạch đô thị đã luôn né tránh việc phát triển thành phố về hướng nam, đông nam bởi đây là vùng đất thấp, không bền vững, xây dựng hạ tầng tốn kém và chịu nhiều rủi ro như sạt lở, lún đất, nếu nước biển dâng cao, khả năng úng ngập sẽ xảy ra.

Triều cường lên cao bất thường, nhiều khu vực trong nội đô TP.HCM lại… ngập

TS. Lê Huy Bá, Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng: Những sai lầm trong quá trình đô thị hóa, tác động của “tư duy” san lấp các khu vực thấp trũng ở khu Nam Sài Gòn vốn có chức năng làm hồ điều tiết, san lấp kênh rạch thoát nước để làm đường, nhà ở… là minh chứng rõ nét.

Nhiều khu đô thị mới tại khu vực Nhà Bè, Cần Giờ đang làm mất đi những túi nước khổng lồ, khi mưa to, nước biển dâng, một số khu vực quận 6, 10, 5 như khu vực Chợ Lớn, bùng binh Cây Gõ Châu Văn Liêm, đường Hồng Bàng, đường 3-2… không tiêu thoát kịp, tình trạng ngập lụt trầm trọng hơn trước do mật độ hút nước tại khu vực bị thu hẹp, mà nguyên nhân bởi hàng loạt hồ ao bị san lấp để xây dựng các khu đô thị mới với mật độ dày đặc quanh khu vực Đầm Sen (quận 11), Phú Thọ Hòa (quận 10).

Việc xây dựng khu đô thị mới tại quận 7, 2 và đặc biệt là Thủ Thiêm cũng tạo nên những điểm ngập nặng ở quận 2 trong các khu đô thị mới An Khánh, An Phú; phía bên này sông Sài Gòn là khu Thanh Đa, Bình Quới và lấn sâu vào nội thành gây nhiều điểm ngập diện rộng ở khu vực phường 13, 15 (Bình Thạnh), phường 7, 15 (quận 8)…

Chưa hết, 2 khu đô thị mới Miếu Nổi và Rạch Miễu đã lấy đi vùng đầm lầy có diện tích trên 10ha nên đường Nam Kỳ khởi nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi (quận 3 và Phú Nhuận) được đầu tư 1.000 tỷ đồng vẫn bị ngập sâu 40cm do nước từ các khu vực Hoàng Văn Thụ, Phan Xích Long dồn sang; khu đô thị mới Miếu Nổi (quận Bình Thạnh), khu Rạch Miễu và hàng loạt tuyến đường Hoa Cúc, Hoa Hồng, Hoa Lan, Vũ Huy Tấn (quận Phú Nhuận) trở thành những rốn nước mới của thành phố.

Rất nhiều đề xuất, kiến nghị của các nhà khoa học gửi tới các cơ quan chức năng TP.HCM khuyến cáo chú ý đến vị trí TP.HCM nằm ở lằn ranh của rừng Sác chạy tới biển, đúng vùng cửa các con sông lớn: Lòng Tàu, Soài Rạp và là nơi thoát nước của hệ thống sông Đồng Nai.

Vì thế đến 60% diện tích của TP.HCM thấp dưới mực nước biển 1,5m, chịu áp lực lớn triều dâng xâm nhập mặn… Nếu xây dựng một khu đô thị hiện đại ở các khu vực phía nam thành phố rất có thể hệ thống kênh rạch sẽ không đáp ứng nhu cầu thoát nước, nhất là vào mùa mưa. Nơi đây chỉ cho phép xây nhà thấp tầng, nhà vườn và phải duy trì hình thái nông nghiệp sinh thái, không nên bê tông hóa bề mặt để cho nước ngầm có hướng thoát.

Tuy nhiên, khi thực hiện chủ trương giãn dân ra các vùng ven tại khu đô thị mới nam, đông nam Sài Gòn, quy hoạch mô hình “đô thị đảo” kết hợp phát triển các đô thị với các kênh rạch bao quanh, các nhà hoạch định khẳng định sẽ khai thác tối đa lợi thế kênh rạch, xây dựng hệ thống tiêu thoát nước hiện đại, thậm chí sau khi hoàn thành dự án, diện tích mặt nước sẽ lớn hơn hiện trạng, nhưng thực tế họ đã không được thực hiện đầy đủ. Khi san lấp 1m2 mặt nước, các nhà đầu tư đã không trả lại 1,2m2 hồ, chưa chú ý đúng mức đến cốt san nền, do đó quy hoạch xây dựng và hệ thống thoát nước thiếu đồng bộ, mỗi khu vực một kiểu, mạnh ai nấy xây dựng vài công trình… để đời, để sau 10 năm, 47 con kênh với tổng diện tích 16,4ha đã biến mất, diện tích mặt hồ, ao và vùng ngập nước trong thành phố giảm gần 10 lần… khiến TP.HCM đang phải gồng mình khắc phục sự cố đô thị hóa manh mún, tác nhân gây nên thực trạng ngập lụt trên diện rộng mà chưa có giải pháp khắc phục. Phải chăng cao ốc cứ xây, khu đô thị mới cứ hình thành còn người dân cứ phải đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng trong khi vẫn chịu thiệt sống chung với ngập lụt, ô nhiễm môi trường…