Những khoảnh khắc không thể quên

ANTĐ - Là phóng viên ảnh TTXVN, nghệ sỹ nhiếp ảnh Chu Chí Thành đã trực tiếp ghi lại những khoảnh khắc sống động về Hà Nội những ngày đạn bom. Với ông, mỗi bức ảnh đều rất sinh động về ý chí quật cường của người Hà Nội và giá trị không thể phủ nhận của chiến thắng lịch sử B52 đầy oanh liệt.

Pháo thủ số 1 Phan Tuấn Thi, khẩu đội 4,

phân đội 2 pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô (1972)

- PV: Người ta nói nhiều đến sự bình tĩnh lạ thường của người Hà Nội trước những trận ném bom ác liệt của máy bay B52 bên cạnh hình ảnh của Hà Nội đổ nát. Ông khi ấy thì sao?

- NSNA Chu Chí Thành: Ông Đỗ Phượng, Giám đốc TTXVN giai đoạn đó đã nói với cánh phóng viên ảnh chúng tôi trước khi giao nhiệm vụ: nếu chúng tôi hy sinh sẽ được phong liệt sỹ. Chúng tôi nghe thấy thế chỉ cười vì chúng tôi muốn sống để ghi lại hình ảnh của Hà Nội, nhưng nếu chuyện không may đó xảy ra thì chúng tôi sẽ chấp nhận như một lẽ tất nhiên. Trước những đợt ném bom B52, mọi người đều chạy xuống hầm trú ẩn nhưng riêng cánh phóng viên ảnh luôn đứng trên mặt hầm chờ đợi giây phút máy bay bị bắn rơi. Người nào sang lắm thì có ống kính Tele còn phần lớn là ống kính bình thường. Đứng như thế rất nguy hiểm, có thể chết bất cứ lúc nào. 

- Chờ đợi nguy hiểm, ông có được đền đáp bằng cảnh máy bay B52 bị bắn, sáng rực một góc trời Hà Nội?

 

- Tuy không chụp được cảnh máy bay bị bắn hạ vào ban đêm nhưng tôi lại chụp được xác máy bay và phi công Mỹ bị bắn rơi trên cánh đồng cà chua ở Định Công. Anh ta còn rất trẻ, trong hành lý của viên phi công này còn tìm thấy tấm ảnh chụp cô vợ đang cười rất xinh. Tôi tự đặt câu hỏi: vì lý do gì mà anh ta chết vô lý tại Việt Nam. Anh ta và những người Mỹ đến Việt Nam tham chiến đều bị lừa. Cuộc chiến tranh này không chỉ gây đau thương cho người Việt Nam mà còn với chính người Mỹ. 

- Chứng kiến những thời khắc của cuộc chiến B52, ký ức về một thời đạn bom của Hà Nội còn đọng lại trong ông đến hôm nay là gì?

-  Thực tế B52 đã gây ấn tượng với tôi ở 2 mặt đối lập. Một mặt tôi thấy cảm phục tinh thần chiến đấu ngoan cường của các lực lượng chiến đấu chống B52 của quân đội ta. Trước những đợt ném bom B52, pháo cao xạ của ta đã bắn trả quyết liệt. Tiếng pháo gầm vang đã cổ vũ tinh thần của những người Hà Nội và cũng là điểm tựa để họ đặt niềm tin vào chiến thắng của quân và dân ta. Theo lệnh của cơ quan, tôi đã có mặt ở Khâm Thiên vào ngày 27-12-1972. Trước mặt tôi lúc đó là hàng chục chiếc quan tài được chở đến, có người mất chân, người mất tay, ít ai được toàn vẹn cơ thể. Tôi đi trong đống đổ nát và chứng kiến những người dân Hà Nội bới trong đống gạch lấy rá vo gạo, nhặt những hạt gạo trộn lẫn vôi gạch mà thấy xót xa cho tình cảnh của nhân dân mình lúc đó. Khi ra đến ngoài đường, tôi lại được chứng kiến cảnh người dân kéo nhau đi sơ tán đông nghịt. Và trong dòng người hối hả, tấp nập đó, tôi đã bắt gặp một cụ già ôm bu gà, đầu đội chiếc nón rách trên một chiếc xích lô cũ kỹ, xung quanh mọi người đang chạy dồn dập. Xúc động trước hình ảnh tiêu biểu cho nỗi khổ của người dân trong cuộc đánh phá của máy bay B52, tôi đã chụp được hình ảnh này và năm 2007 đem trưng bày tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh  (TP.HCM) đã làm công chúng rất ấn tượng. 

Một đường hầm bị sập. Bác sỹ và y tá bệnh viện

đang bàn cách cứu các nạn nhân còn lại trong hầm

- Được biết, ngay sau khi lệnh ngừng bắn được ban hành, ông đã tổ chức đám cưới như một cách ăn mừng?

-  Với tôi, lệnh ngừng bắn được ban hành đồng nghĩa với việc tôi và người yêu không chết, là được sống trong ngày tháng hòa bình và không lo nơm nớp cái chết bất thình lình. Chúng tôi đã từng trải qua thời khắc giữa sự sống và cái chết trong đợt ném bom ngày 26-12-1972. Ngồi trong hầm trú ẩn ở phố Quốc Tử Giám mà người tôi run lên khi nghe tiếng bom B52 bên phố Khâm Thiên. Tôi đã từng thoát chết trong đợt ném bom B52 ở Quảng Bình nên có thể hình dung được sự khốc liệt của nó. Nhưng người yêu tôi không hiểu. Cô ấy hỏi tại sao người tôi lại run bắn lên như thế và tôi chỉ im lặng để chờ đợi điều may mắn sẽ xảy ra. Tôi và người yêu đã nên nghĩa vợ chồng chỉ sau đó 3 tuần. Vợ tôi là người Hà Nội nên trong đám cưới, cô mặc một bộ áo dài trắng, còn tôi thì mặc comple đen, tay cầm một bó hồng bạch. Sau lễ cưới ít lâu, tôi đã nhận được lệnh của cơ quan lên đường vào Quảng Trị chụp cảnh trao trả tù binh.  

Anh chị em và bạn bè đến mừng đám cưới của phóng viên Chu Chí Thành

sau chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không

- Những bức ảnh ông chụp cảnh trao trả tù binh tại Quảng Trị có thể được coi là đỉnh cao cho tinh thần chiến thắng B52 không, thưa ông?

- Với một người phóng viên trẻ như tôi khi ấy được chứng kiến và ghi lại những khoảnh khắc lịch sử đầy xúc động mãi mãi không thể nào quên và là chất liệu đầy sinh động cho những tác phẩm giàu cảm xúc ra đời. Nhờ có chiến thắng B52 mà những người lính bị giam cầm, bị tra tấn dã man tại nhà tù Côn Đảo, nhà tù Phú Quốc… được trở về bên bờ Bắc và thoát khỏi cảnh ngục tù. Bộ đội của ta đi đón anh em ai cũng khóc, khi thuyền đã vào đến gần bờ, người trên bờ lao ào ra sông, còn người trên xuồng vội nhảy xuống để ôm chầm lấy nhau, mừng mừng tủi tủi. Không tiếc tay, tôi bấm máy liên tục để không vuột mất những hình ảnh quý giá. Đặc biệt, cuộc gặp mặt cảm động giữa vợ chồng anh Minh Khang, người chiến sỹ quả cảm đã bị địch “cưa sống” chân bằng lưỡi cưa gỗ và chị Hà bên bờ sông Thạch Hãn đã được tôi chụp 1 kiểu duy nhất nhưng là bức ảnh chốt cho bộ ảnh trao trả tù bình. Nếu như không có chiến thắng B52, vợ chồng họ không biết đến ngày nào mới có ngày gặp lại. Và chiến thắng B52 đã tạo thêm thế và lực cho Việt Nam trên bàn ngoại giao. 

- Theo ông, chiến thắng B52 có ý nghĩa ra sao trong thời bình ngày nay?

- Trong bối cảnh hội nhập ngày nay, lớp trẻ cần sự tỉnh táo, tìm cho mình con đường đi thích hợp và không bị cám dỗ bởi đồng tiền. Hãy sống để đền đáp sự hy sinh của những người đã ngã xuống trong “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. 

- Xin trân trọng cảm ơn ông!