Những khoản thu đầu năm học mới: Tự nguyện hay biến tướng?

ANTĐ - Đầu năm học mới, dư luận lại nóng lên với những khoản thu. Chỉ tính riêng khoản thu chính thống, đúng quy định được phép của Sở GD-ĐT đã rất nhiều cái “gạch đầu dòng”, song điều dư luận bức xúc là các khoản “đóng góp khác”, có khoản có tên, có khoản không tên do hội phụ huynh học sinh tại các trường, lớp đặt ra. Điều đáng nói là tình trạng này đang diễn ra phổ biến tại các trường học hiện nay.

Những khoản thu đầu năm học mới: Tự nguyện hay biến tướng? ảnh 1


Những khoản thu “ngoài luồng”

Theo quy định của Luật Giáo dục thì ngoài học phí, lệ phí tuyển sinh, học sinh không phải đóng thêm bất kỳ khoản phí nào khác, nhưng thực tế tại các trường học vẫn tồn tại các khoản thu ngoài quy định hay nói một cách chính xác thì đây là những khoản thu bất hợp pháp.  Thông thường các khoản thu “ngoài luồng” này được thống nhất tại các cuộc họp phụ huynh lớp, do Hội phụ huynh của lớp đứng ra xin ý kiến các vị phụ huynh và đương nhiên các vị phụ huynh đều phải đồng tình nhất trí. Trung bình mỗi học sinh phải nộp quỹ lớp khoảng 500.000 đồng - 700.000 đồng/kỳ, thậm chí còn cao hơn.

Đấy là còn chưa kể, nếu chi phí phát sinh thì các phụ huynh phải nộp thêm. Những khoản thu này được sử dụng để trang trải những hoạt động sinh hoạt của lớp chẳng hạn như mua điều hòa, mua chăn ấm, mua rèm cửa, khen thưởng học sinh, tặng quà thầy cô giáo, phục vụ các hoạt động tập thể, tổ chức sinh nhật các cháu….  Song trên thực tế, có rất nhiều hoạt động rất lãng phí, chẳng hạn có trường đã có rèm cửa lại thay rèm mới.

Hoặc có những trường tổ chức thi làm mâm cỗ Tết Trung thu cho các cháu thiếu nhi, đây là hoạt động tập thể ngoại khóa để các cháu hiểu hơn về ý nghĩa ngày Tết Trung thu, song nó đã bị biến tướng bởi người lớn là các bậc phụ huynh mà đại diện là Hội phụ huynh. Hội phụ huynh đã đứng ra thuê cắt tỉa hoa quả, mua bánh trái, kết cục là mâm cỗ  Trung thu lên tới vài triệu đồng để giành giải cao. Thậm chí còn có chuyện là trường này sau khi đã giành giải thưởng, lại mang bán lại mâm cỗ cho trường khác. Như thế có nghĩa là người lớn dạy trẻ em chạy theo bệnh thành tích và khoản thu quỹ lớp đương nhiên là phải tăng theo. Hơn nữa, không phải gia đình học sinh nào cũng đủ điều kiện để chạy theo khoản thu như vậy. Song vì tâm lý lo ngại con em mình không được hòa nhập tập thể nên đành chấp nhận tự nguyện đóng góp. Chính vì thế có thể nói rằng sự tự nguyện đã bị biến tướng, thực chất là sự bắt buộc.

Nhà trường không liên quan

Và trong việc này, nhà trường thường đứng ngoài cuộc, bởi đây là câu chuyện giữa các vị phụ huynh với nhau, nhà trường đương nhiên là không có chủ trương và các giáo viên chủ nhiệm cũng không liên quan. Điều này cho thấy việc thu phí của học sinh đang bị thả nổi, dẫn đến việc thu tràn lan, mức thu không kiểm soát được mà được căn cứ vào các gia đình phụ huynh có điều kiện và cả căn cứ vào ý chí của các thành viên Hội phụ huynh.

Thực tế trong nhiều năm qua đã có rất nhiều ý kiến bức xúc, thậm chí khiếu kiện tới Sở Giáo dục – Đào tạo cũng như các cơ quan báo chí về các khoản thu bất hợp lý tại các trường tiểu học. Mức thu quỹ lớp tưởng là nhỏ, nhưng cùng với đủ loại khoản thu khác sẽ “đội” mức phí lên rất cao mà không phải phụ huynh nào cũng có khả năng gánh đỡ.

Đã đến lúc, Sở GD-ĐT cần có quy định cụ thể về mức thu tối đa được phép đối với các khoản thu. Đồng thời cũng nên tính đến hình thức quản lý hoạt động của Hội phụ huynh học sinh. Bởi thực chất có nhiều Hội phụ huynh chưa làm đúng chức năng của mình mà việc làm chủ yếu là… thu tiền. Cách quản lý tốt nhất là giao nhà trường thực hiện mọi khoản thu (kể cả quỹ lớp), với một mức phí nhất định và hội phụ huynh không được phép thu bất kỳ một khoản phí nào. Có như vậy mới có thể quản lý triệt để tình trạng thu phí tùy tiện như hiện nay, đồng thời cũng tránh được việc nhà trường né tránh trách nhiệm vì … “không liên quan”, “không có chủ trương”.

Phó Giám đốc Sở Gd-Đt Hà Nội  Phạm Thị Hồng Nga: Sẽ siết chặt quản lý hoạt động của hội phụ huynh

- Thưa bà, các khoản thu  đầu năm học luôn được dư luận xã hội quan tâm, bà có thể cho biết quan điểm chỉ đạo của Sở GD-ĐT về vấn đề này?
 Bà Phạm Thị Hồng Nga: Ngày 12-8 vừa qua, Sở GD-ĐT cũng đã có văn bản chỉ đạo về công tác thu chi trong nhà trường bao gồm 4 mục rõ ràng về khoản thu bắt buộc, thu hộ, thỏa thuận và tự nguyện. Khoản thu tự nguyện là do phụ huynh đứng ra thu nhưng nhà trường cũng phải có người tham gia để quản lý chi tiêu. Cần xây dựng quy chế phối hợp giữa phụ huynh và nhà trường và phải công khai các khoản thu, chi. Quan điểm của sở là kiên quyết xử lý đối với những khoản thu sai quy định. Quỹ phụ huynh nếu sử dụng bất hợp lý thì cần phải ngăn chặn.
- Bà có thể cho biết công tác thanh tra tài chính được tiến hành như thế nào và có phát hiện trường hợp sai phạm nào chưa?
Bà Phạm Thị Hồng Nga: Năm nào sở cũng thành lập nhiều đoàn thanh tra về tài chính. Tuy nhiên Hà Nội hiện có hơn 2.000 cơ sở giáo dục nên việc thanh tra này cũng không thể hết được. Đối với khối trường trực thuộc Sở, chúng tôi đã tiến hành thanh tra khoảng 25% cơ sở nhưng chưa phát hiện sai phạm. Đối với khối quận, huyện do phân cấp, lãnh đạo quận huyện hoàn toàn chịu trách nhiệm về giáo dục tại khối quận huyện đó nếu có xảy ra sai phạm. Tuy nhiên, Sở cũng sẽ kiểm tra bất kỳ các trường tại khối quận huyện về công tác thu chi tài chính.
- Khoản thu đầu năm ở một số trường hiện nay là do Ban phụ huynh thực hiện, vậy Sở có biện pháp nào hạn chế tình trạng này?
Bà Phạm Thị Hồng Nga: Sở GD-ĐT đang tính toán để tham mưu với thành phố ra một văn bản chung chỉ đạo hoạt động của Hội phụ huynh học sinh theo đúng điều lệ hoạt động của hội. Cụ thể là sở sẽ siết chặt quản lý về hoạt động thu chi tránh tình trạng bữa bãi như hiện nay. 
- Nhưng thực tế thì việc tự nguyện đã bị biến tướng, nhiều phụ huynh không đồng tình với những khoản thu vẫn cứ phải nộp tiền?
Bà Phạm Thị Hồng Nga: Chúng tôi không đồng tình với những phụ huynh không đồng ý nhưng vẫn đóng tiền. Các vị phụ huynh cần lên tiếng ngay trong những cuộc họp nếu thấy sự bất hợp lý. Các vị phụ huynh nên tìm hiểu kỹ về các khoản thu để biết mình sẽ phải đóng những khoản thu nào. Có những khoản thu trước đây là tiền vệ sinh, tiền an ninh, tiền nước uống và trông xe nhưng năm nay ngân sách Nhà nước cấp trên đầu học sinh đã tăng lên gấp đôi nên năm học này đã tuyệt đối không thu những khoản đó.
- Trong khi chờ thành phố có văn bản chỉ đạo, những trường hợp thu sai, sẽ được giải quyết như thế nào, thưa bà?
Bà Phạm Thị Hồng Nga: Có những ý kiến về việc lạm thu như mua rèm, thảm, điều hòa và trang thiết bị trong nhà trường… Nếu lớp nào thu những khoản này thì phải có sự nhất trí của phụ huynh mới được thu. Nếu trong một lớp học chỉ cần 5 phụ huynh không nhất trí không được thu được phép thu. Với những trường hợp đã thu rồi thì yêu cầu trả lại. Trường nào làm sai thì trường đó phải chịu trách nhiệm.
- Xin cảm ơn bà! 
Không đóng cũng không được
Những khoản thu đầu năm học mới: Tự nguyện hay biến tướng? ảnh 2

Những người quản lý giáo dục đều nói rằng tất cả các khoản thu ngoài quy định đều phải được sự đồng ý thống nhất cao của phụ huynh và tự nguyện là chính. Nhưng trên thực tế không đơn giản như vậy. Ở mỗi lớp sẽ có Hội phụ huynh, đại diện cho các phụ huynh. Các khoản thu ngoài quy định, cũng từ đây mà ra. Tất nhiên các khoản thu này đều được dùng vào những hoạt động của lớp học. Tuy nhiên nhìn vào bảng kê chi tiết mà hội phụ huynh công bố vào dịp cuối năm học, tôi thấy có nhiều khoản chi lãng phí và cả những khoản chi “tế nhị”. Biết vậy song không mấy ai dám đứng lên phản đối vì tâm lý chung là e ngại con em mình sẽ gặp khó khăn. Thậm chí có khi Hội phụ huynh còn tuyên bố, nếu gia đình học sinh nào khó khăn không đủ điều kiện đóng góp thì giơ tay, không cần phải đóng, nhưng thực tế thì chả có ai giơ tay cả, vì sợ con mình không bằng bạn bằng bè. Tôi không phản đối việc thu quỹ lớp nhưng tôi mong muốn việc thu quỹ này phải được sử dụng vào mục đích khuyến học, đồng thời nên tính toán làm sao để những gia đình nghèo cũng có thể đóng góp được chứ không nên thu chi ào ào như hiện nay.
Chị Trần Phương Thảo (Khu 7,2ha, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình)