Siêu vi khuẩn vô hiệu hóa thuốc kháng sinh:

Những kẻ hủy diệt thầm lặng

ANTĐ - Nhiều loại siêu vi khuẩn kháng thuốc đang âm thầm lây lan mạnh khắp thế giới nhưng nguy hiểm ở chỗ, mọi người không nhận thấy tính nghiêm trọng của vấn đề.

Sử dụng kháng sinh lan tràn cho đàn gia súc cũng là một tác nhân khiến vi khuẩn kháng thuốc phát triển

Lo ngại về một đại dịch

Ban đầu chỉ là mụn mưng mủ như kiểu bị nhiễm trùng nhưng sau đó vi khuẩn đi theo đường máu, ăn mòn phổi, bệnh nhân có thể chết rất nhanh. Đây chính là điều đã xảy ra với    Ashton Bonds, một học sinh 17 tuổi ở trường trung học Staunton, hạt Bedford thuộc tiểu bang Virginia, Mỹ. Rồi chưa đầy 2 tuần trước, 12 nữ sinh của đội cổ vũ tại trường trung học thị trấn Belen, New Mexico đã phải nhập viện vì những nốt phát ban đáng ngờ. Tất cả các học sinh này đều phản ứng dương tính với một loại vi khuẩn mà các phương tiện truyền thông Mỹ gọi là “siêu rệp”.

Các nhà vi trùng học khuyến cáo, loại siêu vi khuẩn này đáng sợ ở chỗ nó có khả năng chống chịu gần như tất cả các loại kháng sinh phổ biến. Khác với dòng vi khuẩn kháng thuốc trong bệnh viện thường tấn công người già, bệnh nhân hay nhân viên bệnh viện, siêu vi khuẩn này tác động đến cả những người trẻ tuổi khỏe mạnh. Nó đã trở thành mối đe dọa sức khỏe nghiêm trọng tại Hoa Kỳ.

    

Tuy nhiên, đó mới chỉ là 2 chủng thuộc “kho” gồm các tác nhân gây bệnh có khả năng đề kháng với hầu như tất cả các kháng sinh hiện có. Gần một thế kỷ khi con người phát hiện ra penicillin, vũ khí được cho là có uy lực kỳ diệu nhất của y học hiện đại có nguy cơ bị vô hiệu hóa.

Tạp chí y tế hàng đầu của Anh The Lancet cảnh báo rằng, các vi khuẩn kháng thuốc có thể gây ra một "đại dịch". Dù vậy, mức độ lây lan các loại vi khuẩn kháng thuốc rất đáng lo ngại. Tại Ấn Độ vệ sinh kém cùng với việc tự ý dùng thuốc kháng sinh càng khuyến khích sự phát triển của vi khuẩn kháng thuốc, ước tính có đến 100 - 200 triệu người Ấn Độ mang trong người những vi khuẩn “bất khả chiến bại”. Những loài vi khuẩn chết người cũng đã đến Anh khi có khoảng vài trăm trường hợp được báo cáo mà nguyên nhân có lẽ là thông qua việc du lịch Ấn Độ kết hợp phẫu thuật thẩm mỹ.  Israel vài năm trước thậm chí còn trải qua một trận dịch mà trong vòng một vài tháng, khoảng 1.300 người đã bị ảnh hưởng bởi một loại vi khuẩn cực kỳ nguy hiểm cướp đi sinh mạng của 40% bệnh nhân nhiễm bệnh. Đến nay, cũng vi khuẩn này khiến 300 người lao đao mỗi năm.

Kỷ nguyên hậu kháng sinh?

"Chúng ta đang tiến dần tới kỷ nguyên hậu kháng sinh”, Yehuda Carmeli thuộc Trung tâm Y tế Sourasky ở Tel Aviv dự đoán. “Nhưng nó sẽ không xảy ra trong một ngày hoặc tràn khắp thế giới cùng lúc. Đó mới là bi kịch, bởi vì mọi người không nhận thấy tính nghiêm trọng của vấn đề”. Trong khi tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo chống lại một thảm họa y tế sắp xảy ra thì trên The Lancet, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe hàng đầu thế giới đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp tới việc bảo vệ nguồn tài nguyên thuốc quý giá bị chính con người tước bỏ đi giá trị của chúng.

Trong thực tế, dùng thuốc kháng sinh vô tội vạ khiến cho vi khuẩn có điều kiện biến đổi sinh ra kháng thuốc. Chỉ riêng tại Đức có khoảng 900 tấn thuốc kháng sinh được dùng để chăn nuôi gia súc mỗi năm. Thay vì chỉ điều trị những động vật đang thực sự bị bệnh, người nông dân ở đây cho cả đàn gia súc thường xuyên ăn thuốc. Năm ngoái, Bắc Rhine -      Westphalia là bang đầu tiên ở Đức điều tra hệ thống việc sử dụng kháng sinh trong các trang trại gà. Kết luận kinh hoàng là hơn 96% loại gia cầm này được dùng kháng sinh, thậm chí là 8 loại khác nhau chỉ trong vòng đời ngắn ngủi kéo dài vài tuần. Tương tự như vậy, khoảng 300 tấn thuốc kháng sinh dành điều trị cho con người mỗi năm, chứng tỏ chỉ cảm lạnh thông thường cũng thường xuyên dùng đến kháng sinh.

Trong khi quá trình sử dụng kháng sinh trong y học cũng như đời sống khó có thể kiểm soát được thì các nghiên cứu kháng sinh mới ngày càng ít đi. Một cuộc rà soát tổng thể mới đây khiến giới chuyên môn giật mình vì kho thuốc kháng sinh hiệu quả mà chúng ta tưởng là nhiều nhưng tính ra còn rất ít.  Trong khi đó, hiện chỉ có 4 công ty dược phẩm trên toàn thế giới vẫn đang phát triển những dòng sản phẩm mới. Việc nghiên cứu và phát triển kháng sinh mới, khó khăn đầu tiên là yếu tố lợi nhuận. Một số quốc gia đã đề nghị chính phủ có sáng kiến khuyến khích, hỗ trợ các nhà nghiên cứu kháng sinh thế nhưng tất cả mới chỉ dừng ở ý tưởng.

“Có lẽ vài năm tới, chỉ khi xảy ra thảm họa gây nhiều thương vong liên quan đến các tác nhân kháng thuốc thì tình trạng bây giờ may ra mới có thay đổi”, một chuyên gia về vi sinh vật nhận định.