Những "hy vọng vàng" SEA Games 29 nạp năng lượng như thế nào?

ANTD.VN - Chuẩn bị cho SEA Games 29 sẽ khởi tranh sau 4 tháng nữa, thời điểm này VĐV phải tập rất nặng để quen với cường độ thi đấu giải. Vì vậy việc nạp đủ năng lượng là hết sức quan trọng.

Theo chế độ, VĐV tập trung đội tuyển quốc gia hưởng mức tiền ăn 200.000 đồng/người/ngày. Riêng 55 VĐV xuất sắc được đầu tư trọng điểm hướng tới SEA Games 2017, ASIAD 2018 sẽ được hưởng 400.000 đồng/người/ngày. 

Những "hy vọng vàng" SEA Games 29 nạp năng lượng như thế nào? ảnh 1Suất ăn trưa của 2 VĐV trọng điểm

Suất ăn VĐV trọng điểm có gì?

Có mặt tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia I (Nhổn, Hà Nội), phóng viên ANTĐ ghi nhận khu ăn của VĐV được chia làm hai, một dành cho tuyển thủ quốc gia bình thường và một cho VĐV trọng điểm.

Phòng ăn có không gian khá thoáng đãng, có quạt, máy lạnh và tivi. Khu bếp nằm ngay cạnh đó, đảm bảo các món ăn sau khi chế biến được mang ngay tới các bàn ăn cho nóng sốt. Suất ăn của VĐV có cá rán, thịt lợn rang, nem rán, khoai tây xào, ếch xào, canh cùng sữa chua và dứa tráng miệng. 

Còn tại phòng ăn của VĐV trọng điểm, bàn ăn cùng món ăn được bài trí cầu kỳ, hấp dẫn hơn. Thực đơn cơ bản giống VĐV bình thường, chỉ khác món cá rán được thay bằng gà luộc và lượng thức ăn chia theo đầu người nhiều hơn. Ngoài ra, mỗi VĐV được thêm một hộp sữa tươi và một miếng dưa hấu. 

Quản lý bếp ăn cho biết ngân hàng thực đơn có khoảng 100 món và thay đổi theo ngày. Riêng VĐV trọng điểm có thể đề xuất món ăn mình thích để nhà bếp đáp ứng trong khả năng. Ngoài bữa ăn là cơm thông thường, có thể đổi sang món khác như lẩu, cá cuốn gỏi... Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia I Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ câu chuyện: “Có người vào thấy VĐV ăn mì tôm thì nghĩ VĐV ăn uống kham khổ, nhưng đó chỉ là món ăn kèm lẩu”. 

Theo quan sát tại phòng ăn của VĐV trọng điểm, trong khi các VĐV khác dùng cơm thì bữa trưa của 2 VĐV cử tạ Vương Thị Huyền và Nguyễn Thị Thúy là cá ăn kèm rau sống. Người quản lý khu ăn cho biết suất ăn cho tuyển thủ bình thường là: sáng 30.000 đồng/người, bữa trưa và bữa tối 75.000 đồng/người. Còn suất ăn của VĐV trọng điểm mỗi ngày là: bữa sáng 40.000 đồng/người, bữa trưa và bữa tối 120.000 đồng/người. Tổng cộng tiền ăn cho 1 VĐV trọng điểm là 280.000 đồng/ngày. 

Tiền thừa đi đâu?

“Suất ăn của cả VĐV bình thường hết 180.000 đồng và VĐV trọng điểm là 280.000 đều thấp hơn chế độ họ được nhận lần lượt là 200.000 đồng và 400.000 đồng. Vậy số tiền thừa đi đâu?”, trả lời câu hỏi này, Giám đốc Trung tâm Nguyễn Mạnh Hùng cho biết số tiền thừa dùng vào tiền nước, tiền thuốc bổ trợ cho VĐV. Tuy nhiên theo quyết định đầu tư VĐV trọng điểm, chế độ tiền ăn và tiền thuốc là riêng biệt. Một VĐV trọng điểm cho biết: “Cuối tháng tôi vẫn nhận được tiền thừa của suất ăn. Còn thuốc bổ trợ thì 4 tháng nay chưa thấy phát”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, việc cung cấp suất ăn với số tiền thấp hơn mức được nhận xuất phát từ việc nhiều VĐV muốn cắt giảm tiền ăn để dành dụm cho bản thân, hoặc gửi về gia đình. Tùy từng đối tượng VĐV, số tiền này dao động trong khoảng từ 600.000 đến 3.000.000 đồng/tháng.

Một lãnh đạo ngành thể thao nêu quan điểm: “Chế độ dinh dưỡng của VĐV phải đảm bảo đáp ứng luyện tập, Trung tâm không thể chiều theo ý VĐV. Hiện tại, ngoài việc ăn ở tập trung khi lên tuyển, các tuyển thủ đều có chế độ tiền công 200.000 đồng/người/ngày và 400.000 đồng/người/ngày với VĐV trọng điểm. Như vậy mỗi tháng, VĐV thu nhập từ 6.000.000 đến 12.000.000 đồng tiền công, chưa kể một số đội tuyển còn nhận tài trợ hàng tháng từ các nhà tài trợ, ví dụ như đội tuyển vật nhận khoảng 6 triệu đồng/tháng/VĐV.