Những học sinh “cá biệt”

ANTĐ - Từ hôm đi họp phụ huynh cho cậu con trai đang học lớp 6 về, chị Đào Thị Thủy (ở huyện Hoài Đức, Hà Nội) luôn trong tâm trạng lo lắng bất an. Nguyên nhân là do con trai chị đã chính thức là một trong những học sinh “cá biệt”…
Những học sinh “cá biệt” ảnh 1
Đa số gia đình cấm đoán con em chơi với các học sinh cá biệt
vì sợ lây thói mải chơi, lười học (ảnh minh họa)


Nỗi lòng “người trong cuộc”

Chị Thủy tâm sự, từ trước đến nay, con trai chị vốn là đứa trẻ hiếu động, nghịch ngợm. Từ khi con đi học, hầu như ngày nào chị Thủy cũng nhận được phản ánh của cô giáo chủ nhiệm hay phụ huynh học sinh trong lớp về con trai mình: Hôm thì giật tóc bạn gái, hôm thì đổ mực ra vở bạn, hôm lại “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” cô bạn cùng bàn… Do đó, hầu hết các phụ huynh đều không muốn cho con mình tiếp xúc hay ngồi cạnh con trai chị Thủy. Bị bạn bè tẩy chay, lại thường xuyên bị cô nhắc nhở, phê bình nên cu cậu càng phá phách, cứ thấy không vừa ý là động tay, động chân. Dù chị Thủy đã hết lời khuyên bảo và phân tích nhưng cậu con trai chị ngày càng không hứng thú với việc đến trường. 

“Tôi thừa nhận con trai tôi vốn hiếu động nhưng cháu không phải đứa trẻ hư. Cháu chỉ vâng lời khi được góp ý nhẹ nhàng. Chính sự xa lánh của bạn bè và nghiêm khắc của cô đã khiến cháu ngày càng ngang bướng hơn. Không ít lần khi nói chuyện với mẹ, cháu đã khóc và nói “muốn bỏ học vì đến lớp không có ai muốn chơi cùng”. Tôi thương con nhưng không biết làm thế nào” - chị Thủy tâm sự.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, khi còn học cấp 2, em Vũ Đình H - ở quận Thanh Xuân, Hà Nội vốn là một học sinh ngoan, chăm chỉ, có học lực khá. Tuy vậy, trong kỳ thi vào lớp 10, do chuẩn bị không tốt, H không đủ điểm vào trường công lập nên vào học tại một trường dân lập. Bố mẹ H không những không động viên mà còn chì chiết, trách mắng cậu. Ngay cả hai cậu bạn thân nhất của H hồi cấp 2 cũng bị gia đình cấm đoán, không cho chơi với H vì sợ bị “lây” thói mải chơi, lười học. Chán nản, H bỏ bê bài vở, thường xuyên trốn học, thậm chí còn gây gổ đánh nhau trong lớp. Dù đã được cô giáo và bạn bè khuyên nhủ khá nhiều nhưng do gia đình hắt hủi, coi thường nên H ngày càng tuột dốc.

Đặc điểm của học sinh cá biệt thường gây gổ đánh nhau, bỏ giờ, trốn học, không chấp hành nội qui nhà trường, không tham gia các hoạt động tập thể. Những em này có xu hướng tách rời tập thể lớp, gia nhập hội với những đối tượng “có máu mặt” trong trường đồng thời luôn có những hành động trêu ngươi, khiêu khích bạn bè, thầy cô. Nguyên nhân chính khiến không ít em học sinh trở thành cá biệt là do thiếu sự quan tâm của gia đình. Đó là những ảnh hưởng về tâm lý do bố mẹ ly hôn, nghiện ngập hoặc tù tội... Ngoài ra, sự nuông chiều con thái quá của nhiều bậc cha mẹ cũng khiến nhiều em có lối sống ích kỷ, coi thường người khác… 

Cần có sự đồng cảm và bao dung

Điều dễ nhận thấy là, những lớp đầu cấp như lớp 6, lớp 10 số học sinh hay gây gổ, đánh nhau thường cao hơn do các em đến từ nhiều trường khác nhau nên chưa có thời gian hiểu nhau. Bên cạnh đó, trong các trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường dân lập tình hình học sinh cá biệt cũng phức tạp hơn so với các trường công lập do chất lượng học sinh đầu vào thấp hơn. Việc bị liệt vào dạng “học sinh cá biệt” không chỉ ảnh hưởng đến đến tương lai cuộc sống của các em sau này mà còn tác động xấu đến chất lượng giáo dục trong nhà trường và vấn đề an ninh trật tự xã hội.

 Thầy Nguyễn Đình Sang - người có thâm niên gần 20 năm làm giáo viên chủ nhiệm bậc THCS cho biết, ông đã từng phát hiện, xử lý khá nhiều trường hợp học sinh trộm tiền, đồ dùng học tập của bạn. Tuy vậy, khi tìm ra thủ phạm, ông không bao giờ công khai tên các em mà chỉ nhẹ nhàng phân tích để các em nhận ra lỗi của mình, cho các em có cơ hội sửa chữa. Bởi nếu bị nêu tên, các em sẽ mặc cảm và mất lòng tin với thầy cô, dẫn đến chán học, bất mãn, có hành vi phá phách. Còn đối với những em hay đánh nhau, thầy luôn tìm mọi cách thuyết phục để những em đó tham gia vào các CLB âm nhạc, cờ vua, võ thuật…Khi vui chơi, hoạt động trong các CLB này, các em sẽ bị “rút bớt” năng lượng, thời gian nên không còn sức nghĩ đến những trò quậy phá nữa. 

Còn theo Tiến sĩ Tâm lý Hoàng Cẩm Tú – Giám đốc Trung tâm tham vấn sức khỏe tâm thần trẻ vị thành niên, việc giáo dục trẻ cá biệt vất vả hơn rất nhiều so với việc đào tạo học sinh khá giỏi. Đáng buồn là nhiều trường chỉ nêu gương, coi trọng những thầy cô giáo có học sinh giỏi mà không quan tâm động viên những giáo viên chuyên dạy dỗ, uốn nắn học sinh cá biệt, khiến họ cảm thấy “tủi thân”, giảm tâm huyết với nghề. Trong khi đó, việc giáo dục học sinh cá biệt là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự kiên trì, cảm thông và bao dung của các thầy cô giáo. Để hoạt động giáo dục có hiệu quả, các giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm phải theo dõi, nắm thông tin kịp thời về học sinh của mình. Với học sinh cá biệt, thay vì đối xử thô bạo với các em, thầy cô hãy gần gũi, chia sẻ, tạo điều kiện để các em sửa sai, lấy lại lòng tin, lòng tự trọng.