Những hình thức quảng cáo ở Hà Nội xưa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Báo “Tương lai Bắc Kỳ” (Avenir du Tonkin) bằng chữ Pháp ra đời năm 1883 và là tờ báo đầu tiên ở Hà Nội. Ban đầu “Tương lai Bắc Kỳ” là công báo, sau chuyển thành tuần báo và sau nữa là nhật báo. Vì là tờ báo đầu tiên nên quảng cáo cũng lần đầu xuất hiện trên báo này.

Quảng cáo áo dài Le Mur do họa sỹ Cát Tường thiết kế

Quảng cáo áo dài Le Mur do họa sỹ Cát Tường thiết kế

Quảng cáo đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ

Năm 1887, con đường từ Đồn Thủy ra đến thành Hà Nội cơ bản đã hoàn thành, Hội đồng thành phố đã lấy tên viên Công sứ đầu tiên ở Hà Nội là Paul Bert đặt tên cho con phố này (nay là phố Tràng Tiền) và ngay lập tức một dược sỹ người Pháp đã mở hiệu thuốc Jullen Blanc. Họ đã quảng cáo trên tờ “Tương lai Bắc Kỳ” trong năm này và Jullen Blanc đã trở thành cơ sở kinh doanh đầu tiên tại Hà Nội quảng cáo trên báo giấy.

Tiếp đó các đoàn nghệ sỹ Pháp sang biểu diễn ở rạp Touku (nay là trường THCS Thanh Quan, phố Hàng Cót) và sau đó các chương trình âm nhạc ở Câu lạc bộ Hội Âm nhạc (nay là Nhà hát múa rối Thăng Long, phố Đinh Tiên Hoàng) cũng quảng cáo. Tuy nhiên những quảng cáo này bằng chữ Pháp. Năm 1902, Chính phủ Pháp ra quyết định Liên bang Đông Dương gồm 6 xứ: Bắc Kỳ (Tonkin), Trung Kỳ (Annam), Nam Kỳ (Cochinchine), Cao Miên (Campuchia), Lào và Quảng Châu Loan (Kouang Tcheou Wan), chọn Hà Nội là Thủ đô. Để quảng bá Đông Dương phồn thịnh nhờ sự bảo hộ, chính phủ Pháp đã tổ chức triển lãm kinh tế toàn xứ Đông Dương tại Hà Nội trong năm này. Các quảng cáo về triển lãm bằng 3 thứ chữ là Pháp, Hán và Quốc ngữ. Ngoài quảng cáo trên báo, ban tổ chức cho in áp phích bằng 3 thứ tiếng dán khắp các phố.

Nếu các áp phích quảng cáo cho triển lãm năm 1902 hầu hết do họa sỹ Pháp vẽ thì năm 1914, quảng cáo thuốc lá Job do họa sỹ người Việt là Nguyễn Đức Thục vẽ. Bức quảng cáo vô cùng ấn tượng bởi hình ảnh một người đàn ông châu Âu to béo, thảnh thơi ngồi trên ghế bành tay trái cầm điếu thuốc lá. Năm 1913, tờ “Đông Dương tạp chí” bằng chữ Quốc ngữ do Nguyễn Văn Vĩnh và chủ nhà in Shneider làm chủ ra đời thì bắt đầu có quảng cáo bằng chữ Quốc ngữ nhiều hơn vì các nhà kinh doanh hiểu rằng, khách hàng của họ bây giờ không chỉ là người Pháp mà còn cả tầng lớp trung lưu người Việt. Sau đó ít lâu lại thêm một tờ tiếng Việt nữa ra đời là “Nam Phong tạp chí” do Phạm Quỳnh làm chủ bút. Cũng như “Đông Dương tạp chí”, “Nam Phong tạp chí” có quảng cáo chữ Pháp và chữ Quốc ngữ.

Đầu những năm 1920, giai cấp tư sản dân tộc hình thành, họ thành lập Hiệp hội Nông Công Thương Bắc Kỳ và cho xuất bản báo “Thực Nghiệp”. Từ thời điểm này, quảng cáo bằng chữ Quốc ngữ xuất hiện ngày càng nhiều trên mặt báo. Nhưng phải đến những năm 1930 thì quảng cáo không chỉ tăng lên mà còn có nhiều kiểu quảng cáo khác. Số nhà 20 phố Hàng Ngang có một hiệu vải mà chủ là người Ấn Độ, ông ta có bộ râu quai nón rất rậm, theo tiếng Việt phải gọi là ông Xồm, nhưng dân phố nói trại thành Sàm. Thấy cái tên đó dễ nhớ cho khách hàng Việt Nam, thế là ông ta cho kẻ biển “Hiệu ông Sàm” ngay trước cửa. Một hiệu vải khác cũng ở phố này là Đức Nguyên, quản lý là một người rất to béo và thế là chủ hiệu đặt tên là hiệu “Tài Béo”. Và đúng là khách hàng dễ nhớ hơn cái tên Đức Nguyên.

Áp phích của hãng xăng dầu Texaco giữa phố Hàng Tre và Maréchal Pétain (phố Nguyễn Hữu Huân ngày nay)

Áp phích của hãng xăng dầu Texaco giữa phố Hàng Tre và Maréchal Pétain (phố Nguyễn Hữu Huân ngày nay)

Nhiều kiểu quảng cáo mới

Một kiểu quảng cáo cũng rất mới theo kiểu thư cảm ơn, người nghĩ ra kiểu này là “ông đại gàn” chuyên dạy tiếng Pháp, tiếng Hán, tên là Pétrus Lê Công Đắc. Năm 1936, Lê Công Đắc quảng cáo trên “Hà Nội báo” với nội dung: “Tôi là Đỗ Trọng Quát, cám ơn Giáo sư Pétrus vì nhờ theo các cua học của giáo sư mà tôi đã đỗ cao trong kỳ thi...”, kèm theo thư cảm ơn là ảnh của học viên và ảnh của Giáo sư Lê Công Đắc.

Họa sỹ Cát Tường tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương nhưng chưa có việc làm, rảnh rỗi ông lân la xóm cô đầu Khâm Thiên và cũng chính tại đây ông đã cải tiến, cho ra đời chiếc áo dài Le Mur. Ban đầu nó không được các cô con gái nhà lành chấp nhận dù rất tân thời, vì cổ áo khoét rộng, thân áo bó sát khoe những đường cong của cơ thể. Còn cái quần thì từ lĩnh thâm, lĩnh tía bồng đã “Âu hóa” thành quần sa tanh trắng. Để chiếc áo đi vào đời sống, Cát Tường đã nhờ các cô đầu phố Khâm Thiên mặc thử đi ra phố, và vô hình trung các cô chính là những người mẫu không chuyên quảng cáo cho áo Le Mur.

Để áo nhiều người biết hơn, Cát Tường đã bắt chước giới thời trang Paris mời cô gái có khuôn mặt toát lên vẻ sang trọng có tên là Ái Liên (sau này là nghệ sỹ cải lương nổi tiếng) quảng bá. Cũng trong thời gian này, họa sỹ Lê Phổ dựa trên những nét phá cách của Cát Tường sáng tạo ra kiểu áo dài của riêng mình với nét đằm thắm và kín đáo hơn. Cháu gái của Lê Phổ là Marie Nghi Xương có hiệu may ở số 4 phố Nhà Thờ tung ra các kiểu áo dài theo thiết kế của chú mình. Để gây tiếng vang, hiệu may đã mời Lý Lệ Hà (vũ nữ nổi tiếng Hà Nội, từng là người tình của vua Bảo Đại thập niên 40) mặc vào sàn nhảy.

Có một kiểu quảng cáo khác cũng rất lạ là hiệu may Phan Đồng Giang ở phố Hàng Ngang đã thuê một thanh niên đẹp trai, dáng công tử tên là Trần Văn Chức ở phố Hàng Đường làm ma-nơ-canh sống. Vào các ngày thứ bẩy, chủ nhật, Chức mặc các bộ quần áo do Phan Đồng Giang thiết kế đi từ Hàng Ngang ra Bờ Hồ rồi vào quán cà phê Cô Thược (nay là nhà hàng Thủy Tạ) ngồi uống cà phê sau đó đi về. Hai hiệu may Lê Thuận Quế và Lê Thuận Khoát ở phố Hàng Đào thấy vậy cũng có ý muốn mời Chức làm ma-nơ-canh sống để cạnh tranh, việc đó khiến Phan Đồng Giang buộc phải ký hợp đồng độc quyền. Nhờ quảng cáo kiểu này nên hiệu may Phan Đồng Giang nườm nượp thanh niên đến may đo.

Những năm 1936 - 1937, một số rạp chiếu phim cho người đeo biển hình chữ nhật trước ngực và sau lưng, trên biển có viết tên phim rồi đi đi lại trước cửa rạp. Báo chí thời đó gọi là quảng cáo kiểu “sandwich man” (một loại bánh kẹp thịt ở giữa). Vào dịp Tết Nguyên đán, họ còn treo câu đối chúc Tết trong rạp, có hoa đào, nhân viên tươi cười niềm nở. Đi đầu trong chiếu phim Tết là hãng Đông Dương và để không bị lép vế, Công ty chiếu bóng Đông Dương cũng phải chạy theo. Khi chiếu phim Tarzan ở rạp Majestic (nay là rạp Tháng Tám), họ đưa cả cây đã cắt ngọn vào góc rạp để tạo cảm giác giống như cánh rừng nhiệt đới.

Đầu những năm 1940, phát xít Nhật vào Việt Nam. Theo chân họ rất nhiều hàng hóa Nhật và phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường không chỉ có hàng hóa châu Âu mà bắt đầu có hàng nhãn hiệu Nhật. Để thu hút khách, các hiệu buôn phố Hàng Ngang quảng cáo bằng loa phóng thanh mở hết cỡ. Không những thế, họ còn in các truyện “Tam Quốc”, “Đông Chu liệt quốc” thành các tập khổ nhỏ phát miễn phí cho khách. Cũng ở phố này còn xuất hiện quảng cáo kiểu “sandwich man” cho các sản phẩm mới nhập khẩu. Vào mùa đông, gió Đông Bắc thổi mạnh nên có người đeo biển đã ngã lăn trên phố. Sau năm 1945, không còn thấy quảng cáo kiểu này nữa. Đến năm 1954, quảng cáo hàng hóa, dịch vụ trên báo giảm dần. Những năm 1960 duy nhất chỉ báo “Hà Nội mới” là có quảng cáo nhưng cũng rất ít.