Những hành vi bị truy cứu trong vụ việc tát bạn nhậu ngã xuống sông chết đuối

ANTD.VN - Nguyễn Thanh H. (SN 1979) và anh Lê Minh N. (SN 1978) là bạn lâu ngày gặp lại. Hai người rủ nhau vào quán uống bia. Sau khi uống hết 8 chai bia, anh N. bảo H. uống thêm, nhưng H. từ chối và về nhà anh trai nằm nghỉ. Anh N. xuống xe ghe của H. tháo lấy kim xăng máy nổ của ghe với mục đích giữ H. lại để nhậu tiếp. 

(Ảnh minh họa)

Nội dung vụ việc

Thấy vậy cháu của H. chạy về báo cho H. biết. H. chạy xuống ghe và đòi anh N. trả lại kim xăng để H. về. Anh N. không những không trả mà còn bỏ kim xăng vào túi quần. Hai người đôi co một lúc, H. dùng tay đánh vào mặt anh N. một cái làm anh N. ngã xuống sông. Thấy anh N. ngã xuống sông, H. bò lên bờ đi lấy dép cách đó 100m. Khi quay lại không thấy anh N., H. bảo một người đang đứng gần đó xuống mò tìm anh N., nhưng người này không dám xuống vì không biết bơi. H. chèo ghe về nhà, còn anh Lê Minh N. thì bị chết dưới sông. Theo kết luận giám định pháp y thì anh Lê Minh N. tử vong do ngạt nước. Biết anh N. chết, Nguyễn Thanh H. sợ hãi bỏ trốn, hơn 2 tháng sau thì ra đầu thú.

Vấn đề đặt ra trong vụ việc này là Nguyễn Thanh H. phạm tội gì?

Ý kiến bạn đọc

Phạm tội vô ý làm chết người 

Trong vụ việc này có thể thấy, giữa Nguyễn Thanh H. và anh Lê Minh N. không có thù oán gì với nhau. Hai người là bạn của nhau, vì lâu ngày mới gặp lại nên đã rủ nhau đi nhậu, điều này cũng chứng minh rằng 2 người rất thân với nhau. Trong trạng thái của một người vừa cùng với anh N. uống 8 chai bia, mặc dù chưa say, nhưng cũng không còn hoàn toàn tỉnh táo, Nguyễn Thanh H. đã đánh anh N. một cái vào mặt làm anh N. ngã xuống sông. Khi hành động như vậy, H. không nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm đến tính mạng của anh N., lại càng không mong muốn anh N. chết. Vì vậy, hành vi của H. là hành vi phạm tội vô ý làm chết người được quy định tại Điều 128, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Nguyễn Tuyết Lan (Ba Vì - Hà Nội)

Phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người 

Tôi cho rằng, vì Nguyễn Thanh H. đánh Lê Minh N. trong lúc H. đang bực tức về việc anh N. lấy kim xăng máy nổ của mình. Hành vi của H. phải coi là cố ý. Cũng do hành vi cố ý của H. đã làm anh Lê Minh N. ngã xuống sông và bị chết đuối. Mặc dù cái chết của  anh N. là ngoài ý muốn của H., nhưng hành vi đánh anh N. của H. không thể coi là vô ý được, ít nhất thì H. cũng phải nhận thức được hành vi của mình sẽ gây ra thương tích cho anh N. Và kết quả là do hành vi đánh của H. đã làm cho anh N. bị ngã xuống sông và bị chết đuối. Nếu không có cú đánh của H., anh N. không ngã và sẽ không thể có cái chết đối với anh N.

Do đó, phải coi cú đánh của H. là nguyên nhân gián tiếp đối với cái chết của anh N. Vì vậy, theo tôi Nguyễn Thanh H. đã phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người theo khoản 4, Điều 134, Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo tôi, không thể cho rằng do H. đã uống với N. đến 8 chai bia nên trạng thái tinh thần không còn tỉnh táo để nhận định H. không thấy trước được hậu quả. Bởi theo quy định tại Bộ luật Hình sự thì người phạm tội do say rượu hoặc do dùng chất kích thích mạnh khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự, thậm chí đây còn bị coi là tình tiết tăng nặng. 

Nguyễn Hồng Hà (Đông Hà - Quảng Trị)

Phạm tội giết người 

Theo tôi, trong vụ việc này Nguyễn Thanh H. đã phạm tội giết người với hình thức lỗi cố ý gián tiếp theo khoản 2, Điều 123, Bộ luật Hình sự năm 2015. Bởi lẽ, hành vi của H. được thực hiện trong tình trạng còn tỉnh táo chứ không phải là đã say tới mức không nhận thức được việc làm của mình. Do đó, phải coi hành vi của H. là hành vi của một người bình thường có khả năng nhận thức đầy đủ hành vi của mình và hậu quả của nó. Nguyễn Thanh H. đánh anh Lê Minh N. một cái vào mặt làm anh N. ngã xuống sông. Khi hành động như vậy, H. biết được tính chất nguy hiểm của hành vi do mình gây ra, thấy trước hậu quả có thể xảy ra tuy không mong muốn, nhưng đã bỏ mặc.

Điều này được thể hiện ở chỗ, khi H. đánh anh N. làm anh N. ngã xuống sông, H. biết được hành động như vậy có thể sẽ gây ra nguy hiểm đến tính mạng cho anh N. Tuy nhiên sau đó H. vẫn bỏ lên bờ đi cách đó 100m để lấy dép, mặc cho tình trạng nguy hiểm đến tính mạng đối với anh N. đang xảy ra. Khi quay lại không thấy anh N., H. chỉ nói với người đứng ở đó vớt anh N. lên, nhưng người này không dám vớt. Nếu H. không mong muốn anh N. chết thì H. phải vớt anh N. lên, nhưng H. đã không làm như vậy mà chèo ghe bỏ về nhà. Vì vậy rõ ràng là H. đã bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.

Đinh Quốc Tuấn (Định Hóa - Thái Nguyên) 

Bình luận của luật sư

Trước hết, xét về mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của Nguyễn Thanh H. với cái chết của anh Lê Minh N., ta thấy anh N. chết là do ngạt nước chứ không phải do Nguyễn Thanh H. đánh chấn thương hoặc gây tổn hại đến một bộ phận cơ thể nào dẫn đến cái chết của anh N. Dù là phạm tội cố ý giết người hoặc cố ý gây thương tích dẫn đến chết người hay vô ý làm chết người thì đều có một đặc điểm chung nhất là cái chết của nạn nhân phải là hậu quả tất yếu do hành vi của người phạm tội gây ra. Ba tội này chỉ khác nhau cơ bản ở ý thức chủ quan của người phạm tội đối với hành vi của mình và đối với hậu quả do mình gây ra. 

Mở rộng hơn nữa, khi xác định một hành vi có thuộc tội giết người (Điều 123, Bộ luật Hình sự năm 2015), tội vô ý làm chết người (Điều 128, Bộ luật Hình sự năm 2015) hay tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134, Bộ luật Hình sự năm 2015) hay không, việc đầu tiên chúng ta phải xác định là mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Nếu không có mối quan hệ nhân quả, cho phép chúng ta loại trừ các tội quy định ở các điều luật trên. Chính vì vậy, không thể “cố gán” cho người có hành vi chỉ là “điều kiện” thành “nguyên nhân” gây ra cái chết cho nạn nhân rồi từ đó kết tội. Cũng không thể chỉ thấy hậu quả mà không quan tâm đến hậu quả đó là do cái gì là nguyên nhân, cái gì chỉ là điều kiện.

Trở lại vụ án trên, việc Nguyễn Thanh H. đánh anh Lê Minh N. và giằng co với anh N. trên ghe là để lấy lại kim xăng vì H. không muốn cho N. về nhà. Hành vi này cũng tương tự như việc rút chìa khóa xe máy giấu đi không cho bạn nhậu về. Việc anh Lê Minh N. bị ngã xuống sông dẫn đến cái chết, H. không mong muốn. Cứ cho rằng Nguyễn Thanh H. cố ý tát anh Lê Minh N. một cái, nhưng H. không thể lường trước được cái tát của mình làm cho anh N. ngã xuống sông. Anh N. ngã xuống sông là ngoài ý muốn của H. Việc anh Lê Minh N. bị ngã xuống sông là rơi vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Dừng lại ở đây, chúng ta có thể xác định, tình trạng nguy hiểm đến tính mạng của anh N. là do Nguyễn Thanh H. gây ra, nhưng không phải cố ý mà chỉ là lỗi vô ý. Hành vi tát là cố ý còn hậu quả “tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” là vô ý; bởi vì H. không lường trước được, không thấy trước và không mong muốn hậu quả đó. Khi anh Lê Minh N. đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng như vậy, nếu ai có điều kiện cứu giúp mà không cứu giúp đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý không cứu giúp người khác đang ở tình trạng nguy hiểm đến tính mạng theo Điều 132, Bộ luật Hình sự năm 2015. 

Ở đây, khi anh N. đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, chỉ có 2 người thấy, đó là Nguyễn Thanh H. và một người đang đứng gần đó, nhưng do người đang đứng gần đó không có khả năng cứu giúp nên không dám cứu, còn H. thì tuy có khả năng đó (có ghe) nhưng đã không cứu giúp, mà lại chèo ghe về, nên H. đã phạm tội theo quy định tại khoản 2, Điều 132, Bộ luật Hình sự năm 2015 (Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng - điểm a, khoản 2: “Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm”).

     Luật sư Đoàn Mạnh Hùng (Văn phòng Luật sư Hùng Mạnh)