Những giai điệu gợi nhắc khán giả về ký ức đồng quê

ANTD.VN -Tối 24-7, tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Hà Nội, Maestoso - nhóm nhạc do các nghệ sĩ trẻ Việt Nam thành lập nhằm phát triển âm nhạc cổ điển của nước nhà đã phối hợp với các đơn vị tổ chức buổi hòa nhạc mang tên “Pastoral”. Tại đây, khán giả Thủ đô được thưởng thức những giai điệu gợi nhắc về những khúc nhạc đồng quê, thong dong, tự tại và không ưu phiền.

Các nghệ sĩ trẻ của nhóm Maestoso trình diễn nhiều tác phẩm đặc sắc, gợi nhắc khán giả về ký ức đồng quê (Ảnh: Nam Nguyễn)

Mở đầu chương trình là tam tấu cho piano, violin và cello cung Si giáng trưởng KV. 502 của Mozart. Nhắc tới Mozart là nhắc đến một sự điểm hình, khuôn mẫu cho âm nhạc thời kỳ Galant, hay sau này còn gọi là thời kỳ cổ điển. Âm nhạc trong thời kỳ này luôn biểu hiện sự phóng khoáng, tính ngẫu hứng của các nhạc sĩ và Mozart là một đại diện tiêu biểu.

Sự đối thoại liên tiếp giữa các nhạc cụ thể hiện độ “chín” trong phong cách sáng tác của Mozart, qua đó tôn lên sức sống mãnh liệt từ bên trong tác phẩm. Điểm xuyết lên đó là sự trong trẻo của các nét đặc trưng văn hóa, gợi cho khán giả về một bầu không gian vừa gần gũi mà vẫn sang trọng, thanh tao.

Theo Ban tổ chức buổi hòa nhạc “Pastoral”, khi nhắc tới đồng quê, sự ngân nga của các giai điệu dân ca, dân vũ luôn xuất hiện trong tưởng tượng của mỗi người. “Tổ khúc dân ca số 1” trong bộ sách “Giai điệu Tổ quốc em – Việt Nam” của nhà soạn nhạc Nguyễn Thụy Loan là những bức tranh với âm nhạc và màu sắc khắc họa đời sống sinh hoạt, văn hóa của đồng bào các dân tộc. Do đó, phần hai của hòa nhạc “Pastoral” là dẫn dắt khán giả đến với các tác phẩm được lấy đề tài và chất liệu từ dân ca Việt Nam, được viết vào năm 2015-2016 với bản gốc là dành cho piano 4 tay gồm 5 tác phẩm: “Gà gáy le te”, “Em xinh đẹp sao”, “Mời anh cạn chén”, “Ngồi tựa mạn thuyền”, “Bắc kim thang”.

Tác phẩm kết thúc chương trình là bản Quintet (ngũ tấu) cho piano và tứ tấu dây cung la trưởng của Antonin Dvorak. Đây là một trong những sáng tác nổi bật nhất của ông và cũng là một trong những tác phẩm hòa tấu được trình diễn thường xuyên nhất. Xuyên suốt tác phẩm là những thang âm vang trong trẻo. Bản nhạc 4 chương: mở đầu với phần solo của cello với những âm thanh ấm áp, điềm tĩnh, chương 2 nội tâm mang đầy tự sự, chương 3 trẻ trung, nghịch ngợm dẫn vào chương cuối sôi động như một điệu nhảy trong những lễ hội dân gian...

Nghệ sĩ Nguyễn Đức Anh, hiện là giảng viên piano tại Leipzig, CHLB Đức, một trong những người sáng lập nhóm “Maestoso” chia sẻ, do anh vẫn ở nước ngoài nên chủ yếu các nghệ sĩ tham gia buổi hòa nhạc đã tự dành thời gian hoàn thành phần của mình. Đến tháng 7 các nhóm hòa tấu mới bắt đầu tập và ráp chương trình.

Tuy nhiên, theo nghệ sĩ Nguyễn Đức Anh, đây không phải là sự khó khăn, vì tiền lệ trong những Festival âm nhạc cổ điển lớn, nghệ sĩ cũng phải rất năng động, trách nhiệm với phần của mình và sau đó, họ chỉ có đôi ngày ghép với nhóm hòa tấu khi tới sự kiện mà thôi.