ĐBQH, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội:

Những giá trị Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại sẽ tiếp tục sống mãi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một mất mát lớn, nhưng những giá trị và phẩm chất mà ông để lại sẽ tiếp tục sống mãi và là nguồn cảm hứng cho các thế hệ tiếp theo.
PGS.TS, đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn (đoàn ĐBQH TP. Hà Nội)

PGS.TS, đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn (đoàn ĐBQH TP. Hà Nội)

Chiều nay, 19-7, đất nước đón nhận tin buồn khi Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng từ trần.

Là một Đảng viên, một đại biểu Quốc hội từng có những lần gặp gỡ, trò chuyện cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã có những chia sẻ về cảm xúc của mình với báo chí trước thông tin Tổng Bí thư qua đời. An ninh Thủ đô xin lược ghi ý kiến của ĐBQH Bùi Hoài Sơn:

"Tôi, và tôi tin cả trăm triệu người dân Việt Nam, đều vô cùng đau buồn khi đón nhận thông tin này. Đây là mất mát lớn đối với đất nước và nhân dân Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhân cách lớn, đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, cũng như trong việc đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng. Sự ra đi của Tổng Bí thư là một tổn thất lớn lao cho đất nước. Hy vọng rằng đất nước chúng ta sẽ vượt qua đau thương, mất mát, tiếp tục phát huy những giá trị và thành quả mà Tổng Bí thư đã để lại và đoàn kết vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Dù không có nhiều cơ hội được tiếp xúc lâu với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhưng tôi thực sự cảm phục ông ở nhiều phẩm chất, đạo đức đặc biệt, tiêu biểu cho những phẩm chất, đạo đức tốt đẹp nhất của con người Việt Nam.

Đầu tiên là phẩm chất tận tâm và trách nhiệm tiêu biểu cho người cách mạng. Ông luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, tận tâm với công việc và nhiệm vụ được giao. Ông đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp phát triển đất nước và Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn được biết đến với tinh thần kiên định, quyết đoán trong việc thực hiện các chính sách và trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, trở thành một thương hiệu của Tổng Bí thư. Chính sự kiên định này đã giúp ông dẫn dắt đất nước qua nhiều thử thách, nhận được sự tin yêu của toàn Đảng, toàn dân.

Tổng Bí thư còn được biết đến với phẩm chất liêm khiết và chính trực. Ông luôn sống giản dị, không màng đến quyền lợi cá nhân và luôn đề cao giá trị liêm khiết, trong sạch. Tôi thực sự cảm động khi thấy hình ảnh ông bình dị như bao người dân bình thường khác, ngồi gói bánh chưng dịp Tết cùng gia đình. Đây là phẩm chất quan trọng đối với một lãnh đạo, đặc biệt trong bối cảnh đất nước hiện nay.

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn là biểu hiện của trí tuệ và hiểu biết sâu rộng. Với một nền tảng học thuật vững chắc và kiến thức sâu rộng về lý luận chính trị, văn hóa và lịch sử đất nước, ông đã đóng góp nhiều công trình nghiên cứu có giá trị và đã áp dụng những hiểu biết đó vào công tác lãnh đạo.

Tổng Bí thư luôn gần gũi và lắng nghe Nhân dân, là tấm gương trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với Nhân dân. Ông luôn thể hiện sự gần gũi, lắng nghe ý kiến của người dân và cơ sở, nhất là trong những đợt tiếp xúc cử tri và dịp Tết, giúp ông hiểu được nguyện vọng của người dân và đưa ra những quyết sách phù hợp, kịp thời.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn tiêu biểu cho tinh thần đổi mới. Bên cạnh kiên định lý tưởng, ông luôn cổ vũ cho những cải cách và đổi mới cần thiết để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giúp đất nước hội nhập quốc tế.

Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một mất mát lớn, nhưng những giá trị và phẩm chất mà ông để lại sẽ tiếp tục sống mãi và là nguồn cảm hứng cho các thế hệ tiếp theo.

Kỷ niệm mà tôi nhớ và ấn tượng nhất là khi nói chuyện với Tổng Bí thư về văn hóa đất nước trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV.

Tổng Bí thư nói rất nhiều đến việc phải chấn hưng văn hóa nước nhà để những giá trị văn hóa của đất nước được bảo tồn, phát huy hơn nữa trong bối cảnh mới. Tổng Bí thư rất trăn trở về việc thiếu vắng những tác phẩm văn học, nghệ thuật thể hiện được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới đất nước. Đó là những trăn trở rất đáng suy nghĩ đối với những người làm công tác văn hóa.

Đúng là so với những thành tựu đất nước đã đạt được trong chính trị, kinh tế, xã hội, lĩnh vực văn hóa còn cần phải nỗ lực rất nhiều không chỉ để xứng đáng với công sức các thế hệ đi trước đã dày công vun đắp, tạo dựng nền móng cho xã hội hôm nay, mà còn xứng đáng với những thành tựu như Tổng Bí thư đã từng nói: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay”.

Trong khi đó, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là hệ điều tiết cho sự phát triển của đất nước.

Thế hệ chúng ta ngày hôm nay cần quyết tâm, hành động nhiều hơn để thực hiện thành công những căn dặn của Tổng Bí thư đối với công cuộc chấn hưng văn hóa nước nhà".