Những gia phong trong nếp nhà Hà Nội xưa

ANTD.VN - Từ xưa, Thăng Long là  kinh đô, nơi sản xuất hàng thủ công và buôn bán chi phối đời sống xã hội của cả nước. Vì thế sinh hoạt, thói quen hàng ngày cũng có những nét khác và điều đó dẫn đến nề nếp mỗi nhà dù có cái chung song cũng có những đặc thù riêng. Nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28-6, Báo An ninh Thủ đô Cuối tuần mời bạn đọc cùng ôn cố tri tân với câu chuyện những gia phong trong nếp nhà ở Thăng Long - Hà Nội xưa.

Những gia phong trong nếp nhà Hà Nội xưa ảnh 1Một điển hình gia đình trung lưu Hà Nội có 3 thế hệ vào thế kỷ 19 (cảnh phục dựng)

Trụ cột gia đình là đàn bà

Nho giáo không chỉ là đạo trị nước mà còn là những qui định về đạo đức, tôn ti trật tự trong xã hội. Nước có vua tôi, nhà có cha mẹ, có hàng xóm láng giềng. Nho giáo xem nhẹ, thậm chí coi thường chức phận của người phụ nữ trong xã hội và bắt họ phải theo những qui định ngặt nghèo như “tam tòng, tứ đức”. Ngoài ra, đàn bà con gái thành thị còn phải biết nữ công gia chánh. 

Kể từ khi Đại Việt ra đời kéo dài cho đến nửa đầu thế kỷ 20, Thăng Long - Hà Nội là nơi giao thương, sản xuất sầm uất nên mới sinh ra cái tên Kẻ Chợ. Và  điều rất kỳ lạ là đàn bà, con gái ở Thăng Long lại giữ vai trò trụ cột  kinh tế gia đình. Họ tần tảo buôn bán để chồng chú tâm vào học hành, thi cử, nói theo ngôn  ngữ xưa là “tay hòm chìa khóa”. Ca dao cổ Hà Nội có câu:

Em là con gái Phụng Thiên

Bán rau mua bút mua nghiên cho chồng

Vai trò đó khác hẳn với phụ nữ ở các miền quê khi đàn ông là trụ cột là nóc của ngôi nhà. Họ phải gánh vác các công to việc lớn như cầy bừa, dựng nhà, tham gia các việc họ, việc làng, việc nước. Khi trong dòng họ có ma chay, cưới hỏi, khi làng có việc, thì đàn ông là người cầm trịch, đàn bà con gái chỉ chạy việc vòng ngoài. Trong cuốn “Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688”, tác giả William Dampier (người Anh) đã sống ở Đàng Ngoài một thời gian khá dài.

Ông ta thăm thú nhiều nơi ở kinh đô và với góc nhìn của một người Phương Tây, ông viết: “Đổi tiền là một nghề quan trọng ở đây. Làm nghề này là phụ nữ - những người khéo léo và khôn ngoan đặc biệt về nghề này. Họ thực hiện công việc về đêm và biết cách sinh lời giỏi chẳng kém các nhà buôn cổ phần tinh khôn nhất ở Luân Đôn”. Về những cô gái buôn bán tơ lụa  ông viết: “Trong các cửa hàng tơ lụa ở phố Hàng Đào lộng lẫy rực rỡ như chốn hang động của Alibaba”. 

Cuối thế kỷ 19, thực dân Pháp xâm lược Hà Nội, trong đội quân này có viên bác sỹ Hocquard thích viết lách, ghi chép, ông ta đã viết cuốn “Une campagne au Tonkin” (Một chiến dịch ở Bắc Kỳ, xuất bản ở Paris 1892). Trong cuốn sách, ông kể phụ nữ Hà Nội ngoài buôn bán các mặt hàng truyền thống còn buôn các mặt hàng nhập từ Hồng Kông sang như nước hoa, gương, vải kaki… điều đó chứng tỏ phụ nữ Thăng Long khi đó rất nhạy bén trong làm kinh tế. Một điều khác cũng rất kỳ lạ là dù không được học hành song họ tính toán hiếm khi sai sót. 

Phúc đức tại mẫu

Đàn bà con gái Việt Nam xưa cũng như nay và dù ở đâu cũng luôn vì chồng, vì con, chăm lo cho gia đình. Nhưng buôn bán là chủ động, khác với sản xuất nông nghiệp thụ động vốn chỉ trông chờ vào thiên nhiên, không tính toán là thua lỗ nên đầu óc họ mệt hơn việc cấy hái. Tuy nhiên dù buôn thuyền bán bè, quản lý các cơ sở sản xuất của gia đình, song phụ nữ Thăng Long lại luôn làm tròn bổn phận hiếu thảo với cha mẹ hai bên, ủng hộ chồng làm việc lớn và hết mình chăm lo con cái. 

Trong cuốn “Chuyện cũ bên dòng sông Tô” của Viên Mai Nguyễn Công Chí (thực chất là gia phả và những ghi chép chuyện Thăng Long - Hà Nội qua từng giai đoạn của dòng họ Nguyễn Đình ở xã Duyên Thái, huyện Thường Tín lên Thăng Long lập nghiệp ở phố Hàng Ngang cuối  thế kỷ 17) cho thấy nhiều điều về gia phong của các gia đình trung lưu ở Thăng Long - Hà Nội. Những ghi chép vẽ lên rõ nét hình ảnh của một gia đình điển hình chốn kinh đô. Gian ngoài của ngôi nhà ống là cửa hàng bán chè, thuốc lào. Bên trên gác “chồng diêm” là kho chứa hàng.

Một khoảng sân trống có cây cảnh và vại nước. Căn gác gian trong là phòng đọc sách của gia chủ, dưới là phòng khách. Trong nữa là phòng ngủ, bếp ăn và chỗ vệ sinh. Những ghi chép cũng cho thấy đây là dòng họ theo tiêu chí Nho giáo “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín”.  Cuốn sách cũng mô tả bữa giỗ khi gia đình chạy loạn về quê, với trách nhiệm của từng thành viên và lòng tôn kính tổ tiên ngay cả thời điểm kinh tế gia đình không còn sung túc thì nếp nhà vẫn không thay đổi. Thậm chí đầu thế kỷ 20, buôn bán khó khăn, nhưng các bà vợ dòng họ này vẫn không tiếc tiền mua sách cho chồng con đọc.

Chính gia đình này đã mời thầy Phạm Đình Hổ về dạy chữ cho con cái, dạy đạo làm người. Và ở đây Phạm Đình Hổ đã viết cuốn “Vũ trung tùy bút”. Sống ở kinh thành ông đã phát hiện ra nhiều điều về giáo dục con cái trong các gia đình ở Thăng Long: “Phong tục chuộng thói trung hậu, mọi người hàng ngày giao tiếp với nhau có ý khoan dung, bình dị, giữ thói khiêm nhường. Nếu ai có điều gì sằng bậy thì chỉ sợ người ta biết mà chê cười. Đến như những kẻ thân quan, quốc thích và những kẻ con em vô lại rong chơi cũng không dám công nhiên làm càn. Nếu có kẻ nào không theo lễ phép mà làm xằng, thì những bậc phụ lão nhà lương gia lại ngầm đem chuyện ấy để răn bảo con cháu”.

Không chỉ buôn bán đảm đang, phụ nữ Thăng Long còn biết nữ công gia chánh. Trong cuốn “Histoire naturelle.civile et politique du Tonkin” (Lịch sử tự nhiên, dân số và chính trị xứ Đàng Ngoài, xuất bản ở  Paris 1778). Tác giả là Richard, một thầy tu sống ở Thăng Long khá lâu nên ông ta am hiểu phong tục, tập quán mảnh đất này. Ông mô tả chuyện  ăn cơm khách tại một gia đình trung lưu ở Thăng Long: “Nấu ăn là vợ gia chủ và nấu rất ngon. Còn ông chủ chỉ cần đưa mắt là vợ con biết ý  và làm theo, kết thúc bữa ăn chủ nhà lấy khăn trắng cho khách lau tay”.  

Những gia phong trong nếp nhà Hà Nội xưa ảnh 2Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

Cả đời vì chồng con

Thời vua Tự Đức, Hà Nội có câu “Nhất Cống Sùng, nhì Cống Vẽ”, bà Cống Sùng và bà Cống Vẽ là 2 người phụ nữ giàu có ở Hà Nội khi đó, song vẫn giữ trọn đạo làm con với cha mẹ, tôn trọng chồng, dạy bảo con cái điều hay lẽ phải và luôn là tấm gương cho các con noi theo. Đầu thế kỷ XX, có tấm gương bà Lê Thị Lễ, vợ của nhà cách mạng Lương Văn Can. Bà đã lấy tiền nhà, thậm chí bán cửa hiệu Quảng Bình An (hồi môn của bà) ở phố Hàng Ngang để giúp phong trào Đông Kinh nghĩa thục hoạt động, theo chồng “chọn con đường phụng sự Tổ quốc”.

Khi con trai là nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến bị Pháp bắt và xử án, trước tòa bà Lễ nói: “Từ thuở còn trong bào thai, chúng tôi đã dạy con về tình thương yêu nòi giống. Bởi vậy, các con tôi theo đuổi mục đích cứu nước là hợp đạo lý gia đình và đạo lý đất nước chúng tôi, sao lại gọi là phản loạn”. Khi chồng mãn hạn lưu đày trở về Hà Nội, bà lại dốc tài sản xây dựng trường học để chồng tiếp tục sự nghiệp. 

Bà mất, Lương Văn Can đã viết: “(Bà) là nhà buôn có đức nghiệp nên đã có đủ kinh tài, trên thì phụng dưỡng cha mẹ, dưới thì biết nuôi dạy con cháu nên người. Còn về đức hạnh thì (bà) biết giữ cho gia tộc trong khuôn khổ Nho giáo, trên kính dưới nhường, giữ đạo vợ chồng thủy chung trong muôn vàn gian lao hiểm họa...”. Rồi sau này là bà Hoàng Thị Minh Hồ, vợ của nhà tư sản dân tộc yêu nước Trịnh Văn Bô, dù tay hòm chìa khóa nhưng khi muốn cạo răng đen thành trắng bà cũng xin phép cha mẹ chồng. Không chỉ trong các gia đình trung lưu, các gia đình thị dân cũng luôn trên kính dưới nhường, giữ hòa khí trong nhà, nuôi dạy các con thành người.  

Theo thời gian, xã hội Việt Nam thay đổi, ranh giới giữa thành thị và nông thôn rất mờ nhạt, nhưng dù  thế nào thì ai ai cũng mong duy trì gia phong để gia đình luôn ấm áp và hạnh phúc.