Những ga xép quanh Hà Nội

ANTD.VN - Thật ra thì cũng chẳng nhiều nhặn gì. Bởi đường tàu hỏa chạy qua Hà Nội vẫn chủ yếu theo hướng Bắc-Nam. Và hệ thống nhà ga vẫn cũ kỹ lạc hậu như ở thời Pháp thuộc. Từ ga Long Biên đi ra phía biển sẽ là ga xép Gia Lâm, Yên Viên. Từ ga chính Hàng Cỏ sẽ là Văn Điển rồi Thường Tín. Những tên ga còn rất ít người nhớ, cho dù đã một thời lừng danh ở cái hồi còn tàu chợ. Theo học giả An Chi thì chữ “xép” bắt nguồn từ chữ Việt gốc Hán là chữ “tiếp”. “Ngoài nghĩa quen thuộc trong liên tiếp, tiếp tục, tiếp đãi, giao tiếp… còn có nghĩa là liền kề, kế bên. Chính nghĩa này đã đưa đến nghĩa phái sinh là nhỏ, không phải cái chính được nói đến, cái phụ”. Chao ôi, cái gì là nhỏ là phụ cũng thường buồn bã. Ngay cả khi giờ đây, mùa xuân đã rực rỡ đến.

Những ga xép quanh Hà Nội ảnh 1Minh họa: Lê Thiết Cương

Không phải ngẫu nhiên mà trong văn học Việt thủa hoàng kim 30-45, có hẳn một dòng thơ văn về nỗi buồn ga xép. Dư lực của dòng này có ảnh hưởng sâu đậm đến ca từ nhạc Bolero trước ngày miền Nam giải phóng. Nào đâu có phải ngẫu nhiên một sớm một chiều, bởi nhà thơ khét tiếng Hà thành Vũ Hoàng Chương đã từng nhiều năm là “ký ga xép”. Bài thơ nức nở “Những bóng người trên sân ga”, chắc chắn được Nguyễn Bính viết trên “ke” một ga nhỏ. “Có lần tôi thấy một người yêu. Tiễn một người yêu một buổi chiều. Ở một ga nào xa vắng lắm. Họ cầm tay họ bóng liêu xiêu”.

Ngày thường đã quạnh hiu vậy, nên khi Tết tới, những ga xép luôn có một phong khí trầm mặc tiêu tao đến rưng rưng. Ngày xưa, cũng chưa xưa lắm, có một cảnh thường dễ thấy. Cạnh sân ga xép hay có những đường cắt ngang dân sinh. Một “bốt” gác nho nhỏ, barie là dây thừng, là một thanh tre. Người ngồi trực Tết thường là một trung niên mặt mũi khắc khổ, mặc đồng phục của ngành hình như màu ghi sẫm. Trên mặt bàn gỗ nứt nẻ vênh váo, cạnh cuốn sổ nhật ký tàu chạy cong queo là cành đào be bé.

Nghe tiếng còi tàu hú xa xa, ông ta vội vã bỏ chảo bánh chưng đang rán dở, nhanh nhảu chạy ra giúp mấy bà mấy chị đi xe máy gầm thấp đã vượt qua thanh chắn nhưng vẫn còn kẹt giữa đường ray. Những hôm cận Tết mưa phùn đất nhão người qua lại đông, trung niên vừa cáu vừa nhăn nhó ghé vai đẩy giúp một chiếc xe tải “công nông” chết máy nằm chềnh ềnh trên lổn nhổn đám tà vẹt. Phía không xa lắm, tàu sắp đến rồi. 

Nhân đây cũng nhớ về tàu hỏa ở một thời còn ngập tràn những ga xép. Tàu hỏa đã chạy xuyên Việt nhưng thực chất vẫn là những chiếc tàu chợ chạy ì ạch, có điều phong khí đẫm đầy lạc quan phấn khởi. “Con tàu Việt Nam đi suốt bốn mùa xuân. Qua đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi”. Ca từ của bài hát lừng danh ngành đường sắt này hầu như ám ảnh tất cả những người vừa trưởng thành ngay sau cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại chống Mỹ cứu nước. Đó là những thập niên của thời bao cấp, một thời cao cả ngập tràn những tần tảo vất vả, những khó khăn từ loay hoay ấu trĩ nhưng cả xã hội luôn bừng sáng vô vàn điều cao đẹp. Đường sắt lúc ấy đúng là một huyền thoại hoang đường, nhất là những giai thoại nửa thực nửa hư loanh quanh đoàn tàu Thống Nhất.

Những năm tuyệt nhiên chưa có hàng không dân dụng, đường bộ ô tô gian nan khủng khiếp thì tàu Thống Nhất thông thương Bắc-Nam là một phương tiện đặc biệt kỳ lạ với một sứ mệnh cũng lạ kỳ không kém. Nước Việt dài, nên những năm bao cấp ngăn sông cấm chợ, đất nước cố gồng mình lạc quan nối liền bằng một hệ thống đường sắt lạc hậu vào loại hàng đầu thế giới. Thăm người thân rồi tranh thủ nhặt nhạnh buôn bán, chuyển quân rồi chuyển hàng, không biết bao nhiêu sứ mệnh kinh tế quân sự, dân sự hầu như đều nhờ những toa tàu cũ kỹ kẽo kẹt gánh hết.

Nhân viên của tàu Thống Nhất được coi là thủy thủ “Vốt Cô” trên cạn, một mẫu hotboy thời thượng cho không biết bao nhiêu thiếu nữ tới tuổi cập kê. Vosco là tên một công ty tàu biển của Nhà nước được độc quyền viễn dương, chuyên đánh hàng tiêu dùng đủ loại cả chính, cả tà từ Nhật hoặc vài nước Trung Đông về. Xe máy nghĩa địa, tủ lạnh bãi rác, tivi tiếng được tiếng mất, hình méo đến nỗi khi xem bóng đá thấy quần cầu thủ lệch khỏi chân tới cả đốt tay. Nhưng lời lãi khủng khiếp.

Buôn bán trên tàu Thống Nhất cũng hao hao như thế thôi. Nếu chạy chiều từ Bắc vào thì mọi ngóc ngách nhét đầy thuốc lá sợi Lạng Sơn, thuốc kháng sinh, đầu bút bi và nguy hiểm kinh hoàng là xăng. Cứ vài ba tháng, báo chí lại thản nhiên buồn bã đưa tin có một vài toa tàu bùng bùng cháy. Nếu chạy từ Nam ra thì mang vải vóc, máy khâu “xanh gie”, phụ tùng xe Honda, xe đạp Chợ Lớn… mênh mông thượng vàng hạ cám. Thời gian tàu chạy từ Hà Nội đến Sài Gòn, nhanh nhất hết chừng năm đêm sáu ngày, còn chậm thì không thể tính.

Bộ Giao thông gọi người đi tàu là “hành khách” thật quá đúng. Có những chuyến gặp bão lụt, những người này bị “hành” trên đường tới gần hai tuần. Nhờ thế mà không biết bao nhiêu mối tình hoặc phi thường hoặc bình thường đã thăng hoa trên những sân ga xép. Và có điều lạ là, tất cả những mối tình đấy sau khi đã vào hôn nhân thì đều thủy chung bền vững.

Những ga xép quanh Hà Nội ảnh 2Nhà văn Nguyễn Việt Hà

Ở cái thời đi lại còn đầy rẫy khó khăn đấy, với những người lần đầu tiên rời khỏi phố, rời khỏi làng, được ngồi cạnh cửa sổ để gió thổi tung tóc rồi ngắm cảnh là một đại khoái thú. Tổ quốc miên man hùng vĩ trôi ngang, đẹp như mơ. Những cánh đồng mướt xanh khu bốn cũ. Những làng chài thấp thoáng nét sơn thủy miền Trung. Những phố xá trầm vắng chạy quanh ga xép long lanh ánh đèn muộn, dọc theo quốc lộ miền Nam vẳng nhẹ giai điệu Bolero. Ngay cả ăn uống cũng đa dạng phong phú, người ta gọi từng tên ga theo ẩm thực từng vùng.

Ga “phở trâu”, ga “gà”, ga “chôm chôm”. Qua những ga Quảng Bình là nồng nàn cơm thịt lợn rán cho những cặp đang yêu. Qua những ga Huế là bún bò giò heo cay tê lưỡi trẻ con. Diêu Trì là gà xé phay rượu mía, đô pinh cho những người ngồi cùng khoang bốc đồng kết bạn. Mỗi một vùng đất cảnh trí đều khác nhau, đều riêng tư hồn cốt. Nó khác hẳn bây giờ, hành khách chỉ cúi mặt vào điện thoại thông minh, hiếm hoi mới có một vài người trẻ bơ vơ nghiêng ngó ra ngoài. Không hẳn là do cửa sổ giờ đây đã bịt kín bằng kính cường lực để chống ném đá, nên bên trong chỉ lạnh tanh một mùi máy điều hòa. Mà bên ngoài nhìn cũng chán mắt thật. Bình Định thì cũng giống Nam Định. Quy Nhơn chẳng khác gì Vinh. Vẫn một kiểu nhà cửa a dua xây cất đơn điệu ba tầng để lửng tầng tư, nửa quê nửa tỉnh nhạt nhẽo giống hệt nhau. Có phải thế chăng mà du lịch bằng đường sắt trầm trọng thất thu, cho dù các dịch vụ ăn uống gần đây được cải tiến bắt chước đường không. Có điều, qua cửa sổ máy bay người ta chỉ thấy mây. Còn ở tàu hỏa, rất nhiều khi thấy những khuôn hình rưng rưng nao nao nghèn nghẹn.

Và hình tượng ám ảnh nhất vẫn là lúc tàu chạy ngang qua những sân ga xép ở thời gian cận Tết. Chỉ cần rời ga Hàng Cỏ một đoạn thôi, đã thấy mình lạc vào thế giới khác. Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội giờ đây xôn xao khắc khoải về chuyện những quán cà phê đường tàu. Rồi phố cũng hết. Hình như đã tới Thường Tín hay là Yên Viên đây. Nhang nhác như nhau thôi. Sân ga nhỏ vắng người. Chỉ thấy một băng rôn trĩu đỏ trong màn mịn mưa xuân, “chúc mừng năm mới”. Xa xa là cánh đồng mênh mông đã thành khu chế xuất, đôi lúc thành cả “rì dọt”.

Những ngôi làng có lũy tre biến mất, chỉ thấy san sát nhà bê tông lao nhao giống như cái gọi là phố. Barie được thay bằng thanh gỗ, tối tân hơn là thanh sắt, sơn vằn vện xanh đỏ. Lơ thơ vài đứa trẻ rất khó phân biệt trai gái, tóc khét vàng chăn bò, màu tóc là do nắng hay do thuốc nhuộm Hàn Quốc. Bọn trẻ giơ tay vẫy những người ngồi trên tàu, mắt tím sẫm hoàng hôn của chiều ba mươi mang cái nhìn níu kéo. Hình như chúng đang lẩm nhẩm hát theo lời bài ca lừng danh của đường sắt một thời, “con tàu Việt Nam đi suốt bốn mùa vui”.