Những "dũng sỹ tái chế" với văn phòng là bãi rác hạnh phúc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hơn 20 sinh viên các trường đại học ở Hà Nội thuộc nhóm “Dũng sỹ tái chế” hàng ngày thu gom rác để biến thành những vật dụng thẩm mỹ. Họ tự gọi văn phòng của mình là bãi rác hạnh phúc...

Những "Dũng sỹ tái chế" đang cùng biến vỏ gói mỳ tôm thành sản phẩm mỹ nghệ

Biến vỏ gói mỳ tôm thành vật dụng đời thường

Tìm đến nơi làm việc của nhóm Dũng sĩ tái chế tại căn nhả nhỏ ở Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy những sản phẩm đặc biệt của họ. Từ những vỏ gói mì tôm đầy màu sắc, các thành viên của nhóm sẽ “hô biến” chúng thành những vật dụng quen thuộc thường ngày như túi xách, bình hoa, đĩa, gối…

Nhóm Dũng sỹ tái chế được chị Cao Thị Sao Mai thành lập từ năm 2018. Đến nay, nhóm có khoảng trên 30 người, phần lớn là các sinh viên đến từ các trường đại học.

Họ đi nhặt từng vỏ gói mỳ ăn liền, bìa các tông, vỏ chai bia, quần áo cũ… để tái chế lấy nguồn vốn làm thư viện cộng đồng. Bắt đầu từ chỗ không hề có kinh nghiệm, nhóm đã tìm tòi và cho ra nhiều sản phẩm sáng tạo.

Từ những thứ vứt đi, bàn tay khéo léo của những người trẻ đã biến thành những vật dụng hàng ngày tinh tế, có giá trị thẩm mỹ với giá thành chỉ từ 50 đến 200.000 đồng… Những sản phẩm ấy được ký gửi ở Văn Miếu và các điểm đọc miễn phí do chị Mai xây dựng trên khắp nước Việt Nam.

“Đầu tiên tôi có sáng kiến và tham gia hành trình xây dựng các điểm đọc sách trên toàn đất nước. Mọi người thường nghĩ những người yêu sách thường có xu hướng nghiêng về lý thuyết. Vì vậy tôi muốn làm một chương trình gì đó để những người đọc sách có thể sử dụng những kiến thức của mình để đóng góp nhiều hơp cho xã hội. Thế là dự án “Dũng sỹ tái chế đã ra đời”, chị Mai chia sẻ.

Nhìn những người trẻ khéo léo biến những vỏ gói mỳ tôm thành những sản phẩm mỹ nghệ mới hiểu được sự đam mê và tình yêu của họ thế nào với môi trường sống.

Trước hết, vỏ gói mì tôm phải được xử lý phẳng phiu bằng bàn là rồi cuộn chặt lại, sau đó mới tạo hình. Thực tế, iệc tái chế, tạo hình không hề dễ dàng. Chỉ sau khi được xử lý nhiệt bằng bàn là, vỏ gói mì tôm sẽ có tính chất gần giống như giấy, cái gì làm được từ giấy thì cũng làm được từ vỏ gói mì tôm…

Vừa qua, do dịch Covid-19, nhóm dự đoán lượng vỏ mì tôm tăng cao nên đã nghiên cứu và nghĩ tới việc thu gom, tái chế vỏ mì tôm… “Sau mỗi đợt thu gom, văn phòng của nhóm giống như một …bãi rác. Những phế liệu đó đã trở thành mặt hàng hữu ích trong cuộc sống, giảm bớt gánh nặng cho môi trường nên chúng tôi tự hào gọi văn phòng là bãi rác hạnh phúc”, chị Mai chia sẻ thêm.

Những sản phẩm của nhóm "Dũng sỹ tái chế" có nhiều giá trị sử dụng trong cuộc sống hàng ngày

Bảo vệ môi trường phải là lối sống...

Những sản phẩm tái chế của dự án được mọi người đón nhận rất tích cực. Rất nhiều người đặt mua để ủng hộ cũng như sử dụng các sản phẩm đó trong cuộc sống. Đặc biệt, để giải quyết vấn đề chai nhựa, thủy tinh xả ra quá nhiều ở các quán nước hoặc cửa hàng rượu vang, thành viên trong dự án đã kết hợp với những đơn vị này để tái chế. 

“Khi đến Văn Miếu, tôi rất tò mò khi thấy những sản phẩm như túi xách được làm từ quần áo cũ và vỏ gói mỳ tôm. Chiếc túi xách xinh xắn và cũng đẹp, giá cả lại rẻ. Khi biết đây là sản phẩm tái chế của các bạn sinh viên tôi rất ủng hộ và sẵn sàng mua ngay những sản phẩm này nhwung một cách để lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường vì cuộc sống quanh ta”, chị Hoàng Thi Thu (phố Nguyễn Khuyến, Hà Nội) cho biết.

Theo chị Mai, nhóm “Dũng sĩ tái chế” được thành lập với mong muốn cùng cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động thiết thực như: Tái chế rác thải, đào tạo "Đại sứ môi trường", dọn rác, hình thành thói quen sống xanh…

“Bảo vệ môi trường cũng phải nên là lối sống chứ không phải trào lưu. Cứ thế, “Dũng sĩ tái chế" được nhen nhóm hình thành”, chị Mai chia sẻ.

“Chúng tôi muốn tìm ra hướng đi bền vững, giải quyết được tận gốc về vấn đề môi trường. Đặc biệt là tìm ra được những con người muốn lan tỏa nhận thức bảo vệ môi trường và biết cách để làm thật hiệu quả. Do vậy, "Dũng sĩ tái chế" tập trung vào hành trình đào tạo, đi tìm “đại sứ” môi trường, có thêm bạn đồng hành cùng nhau phát triển các sản phẩm một cách tối ưu nhất và cùng nhau sống xanh đúng như thông điệp Vì chính cuộc sống của chúng ta”, chị Mai chia sẻ.