Những đứa trẻ “ngoài kế hoạch” bị bán-mua

ANTĐ - Với số tiền lương công nhân “còm” lại phải sống ở một khu vực có nguồn nước bị ô nhiễm kim loại nặng như Cám Châu, tỉnh Quảng Tây, vợ chồng anh chị Lỗ Lý Bình phải gửi 2 đứa con (một 2 tuổi rưỡi, một mới 10 tháng tuổi) cho ông bà nội trông nom. Khi ngày sinh đứa con thứ 3 đang tới gần, vì không có tiền nộp phạt, anh Lỗ lựa chọn cách cho con đi. 

Cho, nhận con nuôi qua mạng dễ rơi vào bẫy lừa đảo

Tìm “mái ấm” mới cho con

Trên diễn đàn cho nhận con nuôi lớn nhất Trung Quốc “A Home Where Dreams Come True” (“Ngôi nhà nơi giấc mơ trở thành hiện thực”), anh Lỗ cho biết hiện vợ anh đang mang thai được 5 tháng, nhận thấy không thể nuôi đứa con này và đang “tìm kiếm một gia đình thực sự muốn nhận nuôi”. Ngay sau đó, mẩu tin rao cho con của anh đã nhận được 40 phản hồi. 

Ông bố 2 con này thực sự sợ khi phải nộp tiền phạt kế hoạch hóa gia đình từ 50.000 - 80.000 NDT (8.000-12.800USD) nếu giữ đứa con thứ 3. Số tiền này lớn hơn 10 lần thu nhập hàng tháng của anh. Vợ chồng anh không hy vọng có thể đảm bảo một “hộ khẩu”, hoặc đăng ký hộ khẩu cho đứa con này. Việc này sẽ khiến đứa trẻ không được hưởng quyền học hành, chăm sóc sức khỏe. 

Tình cảnh “bất đắc dĩ” của vợ chồng anh Lỗ Lý Bình cũng giống với hàng trăm, hàng nghìn cặp vợ chồng khác ở Trung Quốc khi tìm đến diễn đàn “A Home Where Dreams Come True”.

“Một ngôi nhà nơi giấc mơ trở thành hiện thực” là một phần của ngành dịch vụ, cũng giống như những diễn đàn cho - nhận con khác đã và đang bị luật pháp nghiêm cấm. Tuy nhiên, hoạt động cho - nhận này ngày càng tràn lan, hoạt động lén lút. Không có số liệu thống kê rõ ràng về việc có bao nhiêu người đã sử dụng các trang web như thế. Tuy nhiên, diễn đàn này cho biết có 37.841 đứa trẻ đã được họ giúp tìm cha mẹ nuôi từ năm 2007 tới tháng 8-2012.

Phí tri ân?

Trong chiến dịch tấn công các nhóm hoạt động buôn bán trẻ sơ sinh năm ngoái, hơn 380 đứa trẻ đã được cứu và 1.094 người đã bị bắt. Các trang web cho nhận con nuôi như “Ngôi nhà nơi giấc mơ trở thành hiện thực”, hiện đã bị đóng cửa do chính quyền coi hoạt động của nó không hợp pháp vì liên quan đến tình trạng buôn bán trẻ em.

Người Trung Quốc đã rất phẫn nộ sau khi biết tin trang web này bị đóng cửa và sáng lập viên Chu Đại Phú, 27 tuổi, bị bắt. Chu Đại Phú bác bỏ việc có liên quan trực tiếp tới hoạt động buôn bán trẻ, nhưng thừa nhận những kẻ buôn người đã dùng trang web của anh này. Chu Đại Phú cũng cho biết khoảng 70% các bậc phụ huynh cho con thường đòi thù lao từ 30.000 - 50.000 NDT.

Luật sư Trương Chí Vỹ, chuyên bảo vệ quyền trẻ em ở Bắc Kinh cho biết hình thức trao đổi, cho nhận con nuôi trên các diễn đàn chính là biến tướng của nạn buôn bán trẻ em. “Việc cho nhận con nuôi có liên quan đến tiền bạc cũng giống như mua bán trẻ em, dễ dẫn đến nạn bắt cóc và buôn bán trẻ em tràn lan, thậm chí là xuyên quốc gia. Theo đó, bước đầu những kẻ tội phạm buôn bán trẻ em đăng ký làm thành viên trên các diễn đàn trên mạng. Sau đó, chúng giả vờ là cặp vợ chồng hiếm muộn muốn nhận con nuôi. Trong vòng khoảng thời gian ngắn, chúng tìm mối bán lại cho người có nhu cầu với giá cao, lợi nhuận kiếm được gấp nhiều lần”, luật sư Trương Chí Vỹ nói. 

Trong khi đó, nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn tỏ ra rất bức xúc khi các trại trẻ mồ côi buộc họ phải đóng phí hàng chục nghìn nhân dân tệ, được gọi là “tiền đóng góp gây quỹ”. Nhiều bậc cha mẹ tương lai lo lắng về việc bị lừa. Một người phụ nữ hiếm muộn ở Quảng Châu, nói rằng chị đã bị lừa 20.000 NDT, nhưng không thể trình báo sự việc với cảnh sát vì hành vi của mình là bất hợp pháp.

Khó cấm

Một báo cáo đầu tháng 6-2013 của Bộ Nội vụ Trung Quốc cho biết, có 570.000 trẻ mồ côi ở khắp đất nước này vào cuối năm 2012. Còn theo lời ông Vương Chấn Diệu, Chủ tịch Viện nghiên cứu Phúc lợi trẻ em Trung Quốc ở Đại học Sư phạm Bắc Kinh, mỗi năm ở Trung Quốc có khoảng 10.000 đứa trẻ bị bỏ rơi, chủ yếu là những bé gái và trẻ bị khuyết tật. Trong khi đó, theo một báo cáo của Hiệp hội Dân số Trung Quốc công bố vào năm 2012 thì có đến 40 triệu người dân nước này bị vô sinh. 

Gần đây, chính phủ Trung Quốc ra một văn bản đề nghị chính quyền các địa phương siết chặt vấn đề nhận con nuôi, nghiêm cấm cá nhân hoặc tổ chức tự thỏa thuận nhận con nuôi. Động thái này nhằm đảm bảo quyền cho trẻ em và ngăn chặn trẻ bị mua bán thông qua hình thức cho nhận con nuôi trá hình. Tuy nhiên, theo Dịch Dịch, một luật sư về cho nhận con nuôi ở Bắc Kinh, các trang web như thế không nên bị cấm mà cần được điều phối tốt hơn, bởi chúng đáp ứng nhu cầu cho con đi làm con nuôi của một bộ phận dân chúng.

Anh Lỗ cho biết đã có 3 người sẵn sàng nhận nuôi đứa con chưa sinh của mình, nhưng anh có ý định sẽ “ưu tiên” cho một bà nội trợ 30 tuổi. Người phụ nữ này đề xuất cho đứa trẻ gặp gỡ cha mẹ đẻ và các anh em ruột của mình trước khi tròn 18 tuổi, nhưng anh Lỗ chẳng biết đó có phải ý tốt hay không? “Đứa trẻ sẽ căm ghét chúng tôi. Chỉ nghĩ rằng, một ai đó bước vào tuổi trưởng thành, đột ngột phát hiện rằng, cha mẹ đang sống cùng mình không phải là cha mẹ đẻ, đó sẽ là một cú sốc vô cùng lớn” - ông bố này lo ngại.