Những đứa trẻ lớn lên trong “phòng trọ” xà lim nhà tù

ANTĐ - Theo một báo cáo chính thức, tại Bolivia hiện có khoảng 1.500 trẻ em sống cùng bố hoặc mẹ hoặc cả hai trong tù. Luật pháp Bolivia quy định trẻ con không được sống ở nhà tù khi lên 6, nhưng rất nhiều em vẫn tiếp tục “nương náu” tại đây dù đã quá tuổi. Mặc dù, phần lớn các ông bố, bà mẹ biết “nhà tù” không phải là nơi thích hợp cho bọn trẻ, nhưng họ nghĩ chúng có thể được chăm sóc và an toàn hơn là ở bên ngoài.

Một người đàn bà đưa 5 đứa con, nhỏ nhất được 2 tuần tuổi vào nhà tù San Pedro 
sống cùng với người cha đang thụ án

Mua xà lim để… ở tù

Riêng nhà tù San Pedro có khoảng hơn 200 trẻ em sống ở đây. Rosy là một trong những bà mẹ quyết định đưa các con theo người cha tù tội cùng sống trong nhà tù San Pedro. Cách đây 4 năm, người chồng Juan bị kết án vì tội hành hung người khác. Bản thân chỉ quanh quẩn ở nhà làm nội trợ, Rosy không thể tìm được một công việc có mức lương 150 Euro (205 USD) - số tiền cần để chi trả cho các khoản phí hàng ngày như: thuê nhà, mua thực phẩm và đồ dùng học tập cho 2 cô con gái. Không còn cách nào khác, cả ba mẹ con cùng dọn vào nhà tù. “Lúc đầu, tôi rất sợ vì nghĩ cuộc sống trong nhà tù rất khủng khiếp đối với đám trẻ, nhưng càng ngày tôi càng yên tâm hơn. Mọi thứ tùy thuộc vào cách cha mẹ chăm lo các con mình thế nào. Ngoài đời cũng thế thôi”, Rosy nói.

Trên thực tế, bên trong nhà tù San Pedro như một ngôi làng/thị trấn độc lập, nhà chức trách bên ngoài không can thiệp vào bên trong nhà tù, trừ khi có những cuộc bạo động lớn. Ở đây hầu như không có lính gác, không có trang phục tù nhân hay các thanh kim loại hoặc dây thép gai gắn trên các cửa sổ phòng giam. Các xà lim không bao giờ bị khóa và giám thị thì chỉ xuất hiện một lần trong ngày để điểm danh. Nhưng để có được sự tự do này, các tù nhân phải mua (hoặc thuê) “phòng xà lim” với một mức giá nào đó.

Trường hợp gia đình Juan không phải là ngoại lệ. Sau khi nghe quyết định của vợ, Juan đã mua một xà lim nhỏ cho vợ con ở. Bản thân Juan không phải trả tiền điện, nước và tiêu chuẩn nhận được một bữa ăn mỗi ngày. Trẻ em dưới 6 tuổi được ăn ngày ba bữa miễn phí. Như vậy, số tiền khoảng 60 bảng mà Rosy kiếm được mỗi tháng từ việc bán đồ ăn cho các tù nhân và cho thân nhân thăm tù cũng giúp ba mẹ con chị sống qua ngày.

Bây giờ, sáng sáng, Rosy đưa hai con gái nhỏ đến trường rồi tất tả đi chợ, mua những thứ cần thiết về nấu nướng để bán. Chiều, Rosy lại đến trường đón con, cả ba cùng trở về San Pedro. Cô con gái nhỏ Nancy 5 tuổi cho biết, nhà tù là ngôi nhà duy nhất mà cô bé từng biết. Nancy hồn nhiên bảo rất thích sống trong nhà tù San Pedro bởi ở đây cô bé có nhiều thời gian bên người cha, được chơi vui vẻ với  nhiều bạn…

Là một lựa chọn vô cùng khắc nghiệt

Qua thị trấn San Pedro là nhà tù nữ Obrajes. Phạm nhân Andrea, 31 tuổi, đang thụ án vì tội mua bán ma túy, hiện sống cùng với hai con nhỏ mới 5 tuổi và 9 tuổi. Được biết, 3 con lớn của Andrea đã được họ hàng và nhà mở nhận nuôi. Theo cô, vào tù còn an toàn hơn vì “nhiều đứa trẻ đã bị hãm hiếp khi ở nhà một mình”. Trên thực tế, trong những năm gần đây, báo chí Bolivia đã phanh phui hàng chục vụ trẻ em bị chính người thân lạm dụng tình dục.

Không hoàn toàn nhất trí với những lời biện hộ của các phạm nhân đang có con cái sống cùng trong các nhà tù ở Bolivia, các tổ chức quốc tế, kể cả Liên hiệp quốc hiện chỉ trích mạnh mẽ việc này. Bởi theo họ, dù cuộc sống và cách sinh hoạt trong các nhà tù ở Bolivia không quá khắt khe, bạo lực so với nhiều nước Trung Mỹ khác, nhưng nhà tù vẫn là nơi ẩn chứa nhiều hiểm họa khủng khiếp có thể xảy ra bất cứ khi nào. Bằng chứng là năm ngoái đã xảy ra trường hợp một bé gái bị hãm hiếp ở nhà tù San Pedro; một đứa trẻ bị chết trong nhà giam Palmasola; các phạm nhân ở nhà tù Santa Cruz gây ra đám cháy lớn khiến hàng chục trẻ em bị chết và thương nặng. Những sự cố đáng tiếc này khiến cơ quan có trách nhiệm quyết định hạn chế tối đa số trẻ em sống trong tù, đặc biệt là những em từ 11 tuổi trở lên.

Bà Lidia Rodriguez, Văn phòng Đặc trách vấn đề nhân quyền ở Bolivia, khẳng định: “Bất kể tình cảm gia đình tốt đẹp, không nhà tù nào muốn có nhiều trẻ em sống cùng cha mẹ là tù nhân”. Tuy nhiên, bà thừa nhận, không phải dễ dàng tìm được người thân sẵn lòng cưu mang những đứa con của người phạm pháp. Nhưng làm thế nào có thể đảm bảo rằng, những đứa trẻ này sẽ có một cuộc sống an toàn hơn và tìm được những cơ hội tốt hơn khi “ở bên ngoài” vẫn là một vấn đề vô cùng nan giải.

Trong khi đó, nhà hoạt động xã hội Rene Estenssoro cho rằng, việc thiếu nhà ở thay thế thích hợp cho những đứa con nhỏ của người cha, người mẹ đang thụ án trong tù là một lựa chọn vô cùng khắc nghiệt. Chính vì thế, theo Esrenssoro phân tích, mỗi trường hợp cần được xem xét riêng. “Một đứa trẻ lên 6 khi ở thế giới bên ngoài sẽ biết đi đâu? Mối quan hệ giữa chúng và người cha, mẹ đang thụ án trong tù sẽ như thế nào? Là rất tốt hay thực sự khủng khiếp? Là lạm dụng hay hoàn toàn là yêu thương?...