Những đứa trẻ được nuôi dưỡng bằng... thuốc phiện

ANTĐ - Khi Najiba mới được 2 tháng tuổi, nó khóc liên tục. Không còn cách nào khác, mẹ nó bắt đầu ấn thuốc phiện vào miệng để nó im lặng. Cứ như vậy, chỉ mới 13 tuổi, nhưng cô bé đã bị nghiện thuốc phiện suốt 12 năm qua. Với Najiba bất cứ lúc nào, hoàn cảnh nào cũng không thể từ chối ma túy, chỉ vì: “Thuốc phiện là đồ ăn, là biệt dược!?”. Trường hợp của Najiba cũng là trường hợp của hàng nghìn trẻ em tại Afghanistan.

Bữa sáng bằng thuốc phiện nguyên chất

Trong căn lều rách nát, tối om chỉ có 2 mẹ con Aziza đang ngồi thất thần, nhễ nhại mồ hôi. Mẹ một góc, con một góc. Mẹ thì ngồi dệt thảm. Đứa con trai 4 tuổi ngồi bới tung bới lộn mấy cái quần áo rách - trò chơi hàng ngày của đứa trẻ. Nóng thế mà cả nhà không có lấy một cái quạt. Bỗng, đứa nhỏ chạy vồ về phía người mẹ. Nó đang cố nhay bầu vú mẹ nhưng chẳng có gì cả. Nó khóc thét vì quá đói. Từ sáng tới giờ, nó mới được uống một cốc nước sôi để nguội. Ánh mắt buồn thảm, Aziza không dỗ đứa trẻ đến nửa lời. Đặt khung cửi xuống, Aziza rệu rã đứng dậy. Dường như chị cũng đang rất đói, bước chân chỉ chực ngã. Aziza bước vào buồng. Chị lôi ra một cục nhỏ màu đen. Chị lấy ra một ít, vo tròn và cho đứa con trai 4 tuổi ăn ngon lành. Đầu tiên cứ tưởng đó là một cục mật chưng cất mà người ta vẫn hay làm, nhưng không, đó là thuốc phiện nguyên chất. Bữa ăn sáng của đứa bé là một thứ gây nghiện chết người. 

Nhấm nháp xong, đứa trẻ không khóc la đòi ăn hay quấn chân bắt mẹ bế ẵm nữa, nó trở nên ngoan ngoãn. Gật gù, gật gù, nó… buồn ngủ rồi. Nó muốn đi ngủ, trong khi vừa ngủ dậy sau một đêm dài. Tiếng khung cửi của mẹ vẫn kêu kẽo kẹt đều đều, tiếng con thở phì phò ngủ gục trên đống quần áo cũ rách là hình ảnh quen thuộc của gia đình chị Aziza. Không bị con quấy rầy, chị Aziza tập trung làm việc, không ngừng nghỉ.

Aziza giải thích vì sao chị cho cậu con trai 4 tuổi Omaidullah ăn thuốc phiện: “Nếu tôi không đưa cho thằng bé thuốc phiện thì nó sẽ không ngủ và không để yên cho tôi làm việc. Bố nó đi làm xa, không biết ngày nào về. Giờ tôi là trụ cột kinh tế trong gia đình này. Tôi không làm thì cả nhà chết đói. Để có nhiều thời gian làm việc hơn, tôi phải cho nó ăn thuốc phiện. Với tôi, đây là cách duy nhất có hiệu quả”.

Aziza xuất thân từ một gia đình dệt thảm nghèo ở tỉnh Balkh, miền Bắc Afghanistan. Cô không được đi học và không biết mối nguy hại cho sức khỏe nếu nghiện thuốc phiện. Mỗi sáng, cứ khi con khóc, người mẹ trẻ này lại cho đứa con nhỏ một viên thuốc phiện, để dỗ con ngủ và người mẹ lại miệt mài ngồi dệt, mà không sợ bị quấy rầy. Và cũng vì do không sẵn có dịch vụ y tế và tiền thuốc đắt đỏ nên tất cả các gia đình ở đây đều giải quyết vấn đề với con cái họ bằng thuốc phiện. Vì vậy, đây là một vòng xoáy nghiện ngập truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác như một điều tất yếu.

Chữa bệnh cũng bằng thuốc phiện

Không chỉ có Aziza, tại Afghanistan, nhiều bà mẹ nuôi con bằng thuốc phiện, chỉ cần đứa bé khóc, đói, đòi đồ chơi hay đau bụng, ho... chúng đều được dỗ ngọt bằng thuốc phiện.

Tại làng Jokhan, Sadaf, một bà mẹ của 4 đứa trẻ sử dụng thuốc phiện như một loại thuốc biệt dược, trong khi theo chẩn đoán y tế rất có thể những đứa trẻ này đã mắc suyễn. Chuyện là 3 trong 4 đứa trẻ nhà này bị thở khò khè nhiều đợt trong vòng một năm nay. Đứa thì khi hơi thở có tiếng rít hay âm thanh như huýt sáo. Đứa thì bị ho, đặc biệt là ban đêm, gần sáng. Đêm ngủ bị thức giấc vì ho hay sau khi nô đùa... Thay vì đưa đến bệnh viện để khám và theo dõi bệnh của các con, bà mẹ này tự chữa bệnh cho con bằng cách chị ta hút khói thuốc phiện từ một chiếc tẩu và sau đó thổi khói này vào miệng những đứa con của mình. Nhưng người phụ nữ này không hề biết khói thuốc phiện sẽ chỉ làm trầm trọng thêm bệnh của chúng và tệ hại hơn, chúng sẽ trở thành những con nghiện thuốc phiện giống như mẹ của mình. Nếu may mắn “thắng” bệnh hen suyễn thì tương lai của chúng cũng chỉ là những kẻ nằm vật vờ như ma xó, ngày ngày sòng sọc bên chiếc bàn đèn!? Gương mặt những đứa trẻ này hốc hác, bàn tay mốc thếch, thân thể rệu rã giống như những con nghiện ma túy. Chúng thường xuyên lên cơn hen suyễn và ho khan đến thắt gan, thắt ruột đến nghẹt thở, nhiều khi chúng nghĩ mình đã chết. 

Một người mẹ khác có con gái tên Najiba (13 tuổi) cho biết: “Khi con bé mới sinh khoảng 2 tháng, nó khóc liên tục, vì thế, tôi bắt đầu ấn thuốc phiện vào miệng để nó im lặng. Chẳng còn cách nào khác”. Cứ như vậy, chỉ mới 13 tuổi, nhưng cô bé đã bị nghiện thuốc phiện suốt 12 năm qua. 

Najiba cay đắng cho biết, "Sau khi hít heroin, em cảm thấy rất tuyệt. Nó không mang đi mọi sự đau đớn, nhưng giảm rất nhiều. Nó như thuốc vậy, còn em là bệnh nhân". Đối với Najiba, thuốc chảy trong từng thớ thịt, mạch máu của con người em. Mặc dù, mỗi khi lên cơn nghiện, người em vã mồ hôi, toàn thân bủn rủn, cảm giác mà dân nghiện gọi là “giòi bò trong xương”. Em không thở được, miệng thì há hốc, có khi thì nôn oẹ, có lúc đến mức hộc cả máu mồm ra... nhưng bất cứ lúc nào, hoàn cảnh nào Najiba cũng không thể từ chối với ma túy được, chỉ vì: “Thuốc phiện là đồ ăn, là biệt dược!?” - một câu nói đầy chua xót của một đứa trẻ mới 13 tuổi. 

9 tháng tuổi trẻ em Afghanistan bắt đầu sử dụng thuốc phiện 

Balkh là một tỉnh nghèo thuộc miền Bắc Afghanistan, vốn nổi tiếng với nghề dệt thảm. Tỉnh này nằm cách xa đường cái và bị ngăn cách với các tỉnh khác bởi những đoạn đường thường xuyên bị lở đất. Trung tâm y tế gần nhất cách đó 4 tiếng đồng hồ đi xe, nhưng ở đây cũng chỉ có 20 giường với một số lượng nhân viên, dịch vụ y tế rất ít và hiếm hoi.

Trong tình trạng kém vệ sinh, việc lạm dụng thuốc phiện sẽ làm suy yếu hệ thống miễn dịch và hậu quả rất nghiêm trọng đối với sức khỏe. Khi các em dần trưởng thành đã nghiễm nhiên trở thành một con nghiện. Và những con nghiện này lại không có cơ hội đến các trung tâm cai nghiện do sợ hãi, do những điều kiêng kỵ của xã hội và do quỹ hỗ trợ của chính phủ là hạn chế. Trong khi đó, người làm chúng nghiện và “dung dưỡng” duy trì tình trạng nghiện ngập ở chúng không phải ai khác mà Chính người thân trong gia đình, là bố mẹ đẻ ra chúng. Bản thân những ông bố bà mẹ này cũng nghiện nặng, không lối thoát. Vì thế, số lượng những con nghiện là trẻ em ở đất nước này đang tăng theo cấp số nhân, trở thành một hiện tượng đau lòng trong xã hội. Bác sĩ Mohamed Daoud Rated, điều phối viên của trung tâm cho biết: “Thuốc phiện không phải là điều gì mới lạ ở đây. Đó là một truyền thống. Người dân dùng thuốc phiện như một loại thuốc thông thường. Nếu bọn trẻ khóc, họ sẽ đưa cho chúng thuốc phiện, nếu bọn trẻ không ngủ, chúng sẽ được ăn thuốc phiện, nếu một đứa bé sơ sinh bị ho cũng được cho uống thuốc phiện”. Họ coi đó là phương thuốc hữu hiệu nhất vì các cửa hàng tại những vùng ven ở Afghanistan không có những viên thuốc đơn giản nhất như aspirin, các bệnh viện chỉ có ở những thành phố lớn và cũng không có những trạm y tế tại địa phương.

Bộ Y tế Afghanistan đã tiến hành một cuộc thử nghiệm đưa 120 người nghiện của một ngôi làng tới một cơ sở cai nghiện. 3 tháng sau cai, 115 người tái nghiện (chỉ có 5 người không tái nghiện, chiếm 0,96%) vì vẫn có những người trong gia đình nghiện thuốc.

Ở nhiều quốc gia khác, ma tuý bắt nguồn từ giới trẻ trong độ tuổi trưởng thành, còn ở Afghanistan, nghiện ma tuý đã trở thành một truyền thống gia đình. Thậm chí có những em bé được nếm mùi thuốc phiện từ trong bụng mẹ. Một thợ dệt thảm tên là Rozigul, 30 tuổi, có con trai 3 tuổi Babgildi, tâm sự: “Khi đang mang thai con trai, tôi đã sử dụng thuốc phiện. Vì vậy thằng bé đã bị nghiện ngay từ trong bụng mẹ và lúc nào cũng khóc. Tôi muốn thằng bé im lặng và ngủ ngoan nên đành phải tiếp tục cho nó ăn thuốc phiện”.

Nghiên cứu của LHQ cho biết, quá nửa những người nghiện thuốc đã biến con, cháu mình trở thành những con nghiện mới. Một nghiên cứu của Quỹ Dân số LHQ cũng cho biết, cứ mỗi 100.000 bà mẹ mang thai thì có đến 6.500 sản phụ qua đời trong thời kỳ mang thai (chiếm 6,5%), tại thời điểm sinh con hay trong thời gian sơ sinh của đứa bé.

Hiện nay, Afghanistan cung cấp cho thế giới 90% heroin. Khi các khu vực trồng cây hoa anh túc, sản xuất thuốc phiện vẫn chưa được triệt phá hoàn toàn thì hiện tượng nghiện thuốc ở trẻ em vẫn lan tràn trong cộng đồng là điều dễ hiểu. LHQ cho biết khoảng 8% dân số Afghanistan nghiện ma túy, cao gấp đôi tỉ lệ trung bình của thế giới.

Khảo sát của Cục Ma túy quốc tế và Thi hành luật của Mỹ được tiến hành trong 2 năm tại 2.000 gia đình ở 22 tỉnh cũng cho thấy, độ tuổi trung bình của trẻ em Afghanistan khi bắt đầu sử dụng thuốc phiện là 9 tháng đến 1 năm tuổi. Trong rất nhiều trường hợp, nồng độ độc hại do sử dụng heroin ở trẻ em cao hơn gấp nhiều lần so với người trưởng thành.

Vấn đề càng trở nên trầm trọng khi các trung tâm cai nghiện mới của Afghanistan, với con số rất ít ỏi, chỉ nằm ở những thành phố lớn. Bên cạnh đó, những tập tục của Afghanistan cũng đã ngăn cản phần lớn những con nghiện là phụ nữ và trẻ em đến những trung tâm cai nghiện để điều trị. Theo LHQ, 1 triệu người nghiện thuốc phiện, trong đó có nhiều trẻ em tại Afghanistan là một con số rất đáng báo động, có thể khiến thế hệ tương lai Afghanistan chỉ biết sống phụ thuộc vào ma túy. 

Đầu tháng 2-2012, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi người Afghanistan coi việc chống buôn lậu ma túy là ưu tiên hàng đầu, trong bối cảnh hoạt động thu hoạch thuốc phiện đã tăng lên 61% trong năm ngoái và các bộ của Afghanistan đang đau đầu tìm cách ngăn chặn cuộc khủng hoảng.