Những đứa trẻ bỗng dưng…"mất tích": Lỏng lẻo từ nhà đến trường

ANTĐ - Thời gian gần đây, hiện tượng học sinh được gia đình báo “mất tích” diễn ra ngày càng nhiều. Song, bản chất của hầu hết các sự việc này là do trẻ tự ý bỏ học trốn đi chơi. Điều này cho thấy sự quản lý học sinh lỏng lẻo từ gia đình đến nhà trường.

Những đứa trẻ bỗng dưng…"mất tích": Lỏng lẻo từ nhà đến trường ảnh 1Hình ảnh 4 nữ sinh lớp 5 tại Hà Nội tự ý rời khỏi trường khiến gia đình tưởng mất tích (Ảnh trích xuất từ camera an ninh)

Hết hơi tìm trẻ

Ngày 9-3 vừa qua, dư luận được phen xôn xao khi thông tin 4 nữ sinh lớp 5 một trường tiểu học tại Hà Nội đột nhiên “mất tích”. Rất may, vào cuối ngày, 4 học sinh này đã được tìm thấy và trở về nhà an toàn. Theo cơ quan công an, đây không phải vụ bắt cóc mà do các cháu tự bỏ học, bỏ nhà, với ý định đi làm thuê để kiếm tiền.

Đáng buồn là sự việc trên không phải chuyện hiếm. Trước đó, vào ngày 24-2, Công an tỉnh Vĩnh Phúc có nhận được trình báo của bà H.T.C ở huyện Sông Lô về việc cháu gái bà là C.T.Tr (15 tuổi) đã mất tích 4 ngày. Lực lượng chức năng đã nhanh chóng vào cuộc và phát hiện cháu Tr đang ở cùng với bạn trai là H.V.D (22 tuổi) ở huyện Lập Thạch. Hai bên có quan hệ tình cảm và đã nhiều lần đi “quá giới hạn”.  

Cũng trong tháng 2, anh N.V.T (35 tuổi) ở TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh đã đến CATP Bắc Ninh trình báo của về việc cô con gái 15 tuổi bị… mất tích. Ngay sau đó, CATP Bắc Ninh đã phối hợp với gia đình anh T tổ chức tìm kiếm và xác định con gái anh T đang ở cùng bạn trai là N.V. H (18 tuổi). 

Còn tại TP.HCM, cách đây không lâu, chỉ trong vài ngày, CAQ Tân Bình đã tiếp nhận và xử lý thông tin về 3 vụ mất tích. Sau khi nhận được tin, lực lượng công an sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để tìm kiếm nạn nhân. Kết quả là cả 3 trường hợp đều… chủ động mất tích.

Trong vụ việc thứ nhất, do sợ bố mẹ la mắng vì điểm kém, em H.T.D. (SN 2002) đã rủ em gái là H.N.P.M. (SN 2008) bỏ đi thuê khách sạn ở. Vụ thứ hai là em  L.N.M.Đ. (SN 2001) đi học nhưng không về mà đến nhà bạn chơi điện tử. Còn vụ thứ ba là một nữ sinh tự ý bỏ nhà đến ở với bạn trai.

Qua những vụ việc trên, chị Hoàng Mai Chi ở ngõ 10 phố Kim Mã Thượng, quận Ba Đình, Hà Nội - một phụ huynh có con đang học lớp 6 bày tỏ quan điểm, qua những lần đi đón con, chị thấy sau khi hết giờ học, nhiều trẻ thường lang thang ra ngoài cổng trường mua quà vặt, vào hàng game hay đến nhà bạn chơi. Vì vậy, khi bố mẹ đến đón, tìm mỏi mắt trong sân trường, lớp học cũng không thấy. Đến khi phụ huynh hoảng sợ thực sự thì mới thấy con ở đâu đó lững thững đi về.

“Lý do dẫn đến hiện tượng này là do phụ huynh đưa đón con không đúng giờ hoặc cho con tiền mà không kiểm soát chặt chẽ. Vì vậy, trẻ phải lang thang, vạ vật chờ bố mẹ nên tự ý ra ngoài trường và dần thành thói quen. Nếu bị đối tượng xấu dụ dỗ, trẻ rất dễ sa vào các tệ nạn xã hội, từ đó có những quyết định liều lĩnh, vượt quá tầm kiểm soát của người lớn. Đến lúc đó, bố mẹ hối hận thì đã muộn” - chị Chi lo lắng.

Khi con trẻ mạo danh và nói dối...

Hiện nay, tình trạng học sinh trốn học, trốn tiết đi chơi xảy ra tại khá nhiều trường. Để trốn học “hợp pháp”, một số em đã nhờ bạn bè, người quen viết hộ giấy xin phép nghỉ học. Sau đó, mạo danh bố mẹ ký vào, hết giờ học lại về nhà như bình thường nên dễ dàng qua mặt được cả thầy cô và phụ huynh.

Nhiều em còn nói dối để xin tiền đi học thêm nhưng lại mang đi tiêu xài phung phí. Sự quản lý lỏng lẻo của gia đình và nhà trường, sự bao che của các bạn cùng lớp đã tạo điều kiện cho số học sinh này bỏ học nhiều lần mà không bị phát hiện. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng học tập của chính các em mà còn là nguyên nhân làm phát sinh nhiều tệ nạn xã hội.

Cô Vũ Thu Hà - một giáo viên THCS có 15 năm kinh nghiệm đứng lớp ở quận Tây Hồ chia sẻ, nhằm ngăn chặn tình trạng học sinh trốn học, một số trường đã đề ra các hình thức kiểm điểm nghiêm khắc đối với học sinh vi phạm, quan tâm đào tạo đội ngũ Sao Đỏ, cán bộ lớp trong việc nâng cao trách nhiệm quản lý các thành viên trong lớp…

Tuy nhiên, để việc quản lý học sinh đạt hiệu quả hơn nữa cần có sự phối hợp chặt chẽ từ phía gia đình như thường xuyên gặp gỡ với giáo viên để trao đổi, thông báo về kết quả học tập, rèn luyện đạo đức của các em. Từ đó, nhận biết được những dấu hiệu bất thường ở trẻ nhằm định hướng, điều chỉnh kịp thời, giúp trẻ phát hiện những nguy cơ có thể xảy ra trong mối quan hệ bạn bè, xã hội, tránh xa các đối tượng xấu… 

Còn theo Tiến sỹ Tâm lý Trần Tuấn, học sinh càng lớn thì mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình càng lỏng lẻo do học sinh được tự chủ trong việc đi học nên càng có cơ hội bỏ học đi chơi.

Ngoài ra, nhiều bậc cha mẹ vì quá bận rộn nên thường xuyên đưa con đi học rất sớm nhưng lại đón muộn, cho con khá nhiều tiền, tạo điều kiện cho trẻ có nhiều thời gian rỗi, nên trẻ dễ sinh hư.

Đến khi xảy ra sự cố phụ huynh lại mất bình tĩnh, lo lắng quá mức, trình báo vội vàng khiến việc đánh giá thông tin ban đầu không đúng so với  bản chất vụ việc, tạo áp lực cho cơ quan công an.

Nhằm khắc phục tình trạng trên, ngay từ bây giờ, các trường cần siết chặt việc quản lý học sinh như: Bố trí bảo vệ giám sát học sinh ngay khi đã tan học, không cho các em ra ngoài cổng trường khi chưa có người thân đến đón, tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh...

Về phía phụ huynh, cần gần gũi, chia sẻ với trẻ, đưa đón con đúng giờ, không cho trẻ mang tiền đến trường và thường xuyên trao đổi với giáo viên chủ nhiệm để nắm bắt các thông tin liên quan đến con em mình.