Những đứa trẻ bị chính cha mẹ đánh cắp tuổi thơ

ANTĐ - Trẻ em như tờ giấy trắng, nhưng những đứa trẻ ấy sớm bị các bậc sình thành làm hoen ố... Thay vì được dạy dỗ, chăm sóc, chúng sớm phải tiếp xúc với mặt trái của xã hội, với những đồng tiền dơ bẩn có được từ việc mua bán cái chết trắng!

Ánh mắt rợn buồn, sự từng trải trên gương mặt sớm già hơn tuổi tác, của những đứa trẻ không có một tuổi thơ lành lặn, bị bố mẹ biến thành cỗ máy kiềm tiền, ám ảnh chúng tôi trong suốt quá trình tìm hiểu và viết bài báo này. Trẻ em như tờ giấy trắng, nhưng những đứa trẻ ấy sớm bị các bậc sình thành làm hoen ố... Thay vì được dạy dỗ, chăm sóc chúng sớm phải tiếp xúc với mặt trái của xã hội với những đồng tiền dơ bẩn có được từ việc mua bán cái chết trắng! Với vết sẹo cuộc đời và những tấm gương tày liếp của các bậc sinh thành như thế, liệu các em có đủ vững tin đề làm lại cuộc đời.

Bớt trọng lượng ma túy lấy tiến mua truyện tranh và chơi điện tử

"Cháu chẳng dại gì để mất ma túy, mạ cháu dặn phải kiểm tra đủ tiền mới được giao hàng...". Câu trả lời ráo hoảnh của Nguyễn Văn Hoàng, cậu bé 9 tuổi bị mẹ đẻ là Nguyễn Thúy Liễu (trú tại tỉnh Phú Thọ) lôi kéo vào đường mua bán trái phép chất ma túy, khiến chúng tôi thấy ớn lạnh. Rồi Hoàng thao thao bất tuyệt, về những câu chuyện trong truyện tranh mà nó yêu thích, về những lần bỏ học cùng mẹ đi giao hàng...

Đang nói chuyện vui vẻ là thế bỗng Hoàng ngồi buồn xo, mắt ngân ngấn lệ: "Mẹ đi tù, cháu chẳng biểt ở với ai? Bố cháu cũng đi thụ án, các dì và cậu nhiều người trong gia đình cũng đang phải trả án". Hoàng suy nghĩ lớn trước tuổi quá nhiều hỏi cậu bé sớm phải va chạm với những đối tượng lưu manh, côn đồ những kẻ mua bán, sử dụng và gieo rắc "cái chết trắng".

Khi chúng tôi viết bài báo này thì Hoàng vừa được cha đẻ đưa về Nam Định nuôi dưỡng. Trong khả năng của mình, cha Hoàng cố gắng chăm sóc đứa con thơ dại, những mong bù đắp phần nào thiệt thòi và những tổn thương trong tâm hồn trong trẻo của đứa con trai vô tội... Những chuỗi ký ức kinh hoàng về những ngày đau buồn đó vẫn ám ảnh trong tâm trí non nớt của cậu bé.

Mỗi khi thấy người lạ, đôi mắt Hoàng nhớn nhác, Hoàng cũng sợ các chú Công an nếu tình cờ gặp trên đường. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì Hoàng là con trai lớn của Nguyễn Thúy Liễu, dưới Hoàng còn có hai em một trai, một gái (cùng mẹ khác cha với Hoàng) nhưng cả hai đều không may thiệt mang trong một vụ chết đuối ở ao làng. Lần lượt chứng kiến những người thân trong gia đình vào tù, gồm bà ngoại là Đỗ Thị Thơi; cậu ruột là Nguyễn Văn Phấn; Nguyễn Văn Hòa, cũng đều là những đối tượng tham gia mua bán chất ma túy, Hoàng và những đứa em của nó đã ý thức được hoàn cảnh đặc biệt của gia đình.

Ngay cả mẹ Hoàng, là Nguyễn Thúy Liễu cũng đang nợ tổng hợp của hai bản án là 54 tháng tù giam.. .Cũng vì thế mà Hoàng chẳng có bạn bè, nó xấu hổ, sống bó mình trong căn nhà được bao quanh bởi một hàng rào dây thép gai dày đặc, một trong những chiêu thức mẹ Hoàng sử dụng để đối phó với cơ quan Công an. Hoàng chỉ có một thú vui là đọc truyện và chơi điện tử. Hoàng rất thích đọc sách, nó có thể ngồi cả ngày để nghiến ngấu hàng tập truyện tranh. Và Hoàng có một trí nhớ rất tốt... Nếu như cậu bé ấy được sinh ra trong một gia đình nền nếp, có một môi trường sống lành mạnh thì chắc chắn sẽ có một tương lai tươi sáng, nhưng...

Năm lên bốn tuổi, Hoàng đã bị mẹ đẻ lợi dụng bán ma túy. Hằng ngày, Hoàng và những đứa em của nó quen với những ngôn ngữ xã hội đen, những từ ngữ như "phân", "chỉ" rồi "tép" và "lạng"... Nó chẳng bao giờ được nghe những câu chuyện cổ tích của bà ngoại, những lời hát ru đằm thắm và được tận hưởng sự chăm sóc của mẹ. Ngày còn thơ, những lần được mẹ cho lên xe SH đưa đi loanh quanh dạo phố, Hoàng thích lắm vì được mẹ cho đi chơi. Sau đó, có lúc mẹ buộc một bóc hàng trắng vào bụng của nó, rồi bảo nó đưa cho một ai đó... thì Hoàng hiểu đó là ma túy. Và mỗi lần như thế có nghĩa là đi giao hàng, khi ấy trong đầu nó chỉ có duy nhất những lời mẹ dạy, nếu gặp Công an thì phải ném ma túy ngay ra đường. Cứ thế, Hoàng quen dần với những lần giao ma túy, nó thuộc mặt từng khách hàng của mẹ và các địa chỉ giao và nhận hàng.

Đối tượng Nguyễn Thúy Liễu


"Gần mục thì đen", cậu bé Hoàng khi đó mới 9 tuổi cũng đã biết đến các mánh khóe láu cá để kiếm tiền qua mắt mẹ đẻ của nó. Hoàng tâm sự: "Trên đường mang ma túy từ nhà ra đến địa bàn giao cho khách mua, cháu thường xé túi hàng, bớt lại một chút heroin. Có nhiều khách mua thấy gói hàng nhỏ cũng hỏi nhưng cháu không nói. Mỗi ngày cháu tích trữ một chút sau đó thì đóng gói lại bán cho các con nghiện lấy tiền mua truyện tranh và chơi điện tử".

Chỉ đến khi vụ việc bị vỡ lỡ, Liễu bị bắt cùng con trai khi đang vận chuyển 6 bánh heroin, Liễu mới biết Hoàng đã qua mặt mình. Khi biết sự thật này, Liễu rùng mình lo sợ. Bàn tay Liễu đã nhúng chàm, Liễu không muốn con trai đi vào vết xe đổ của mình, song Liễu chỉ nghĩ đơn giản rằng Hoàng còn quá nhỏ để có thể nhận được điều đó. Liễu không biết rằng, bố mẹ là tấm gương gần gũi nhất để con của mình học tập...

Ở lứa tuổi của Hoàng, những đứa trẻ cùng trang lứa còn mải vui chơi, được cha mẹ chăm sóc đến tận chân răng thì Hoàng chẳng mấy khi sờ vào sách vở. Số lần Hoàng đến trường có lẽ chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Chẳng phải vì Hoàng không ham học mà bởi cậu bé thường phải nghỉ học để cùng mẹ và những người thân trong gia đình đi các tỉnh Điện Biên, Sơn La lấy hàng... có lẽ ông trời cũng thương nên cho Hoàng sức khỏe vì thế nên sau những chuyến đi dài, nó chẳng hề hấn gì. Bất kể giờ giấc nào, mẹ bảo là Hoàng lên đường. Khi tiếp xúc với Hoàng, chúng tôi thấy cậu bé 9 tuổi lúc đó rất sành sỏi về việc mua bán ma túy, từ chiêu thức giấu hàng đến trường hợp bị Công an bắt giữ... Rồi trong trường hợp có người lạ hỏi đến mẹ thì phải trả lời như thế nào.

Nhận con nuôi để ép bán ma túy

"Công sinh không bằng công dưỡng" dù không mang nặng đẻ đau nhưng Nguyễn Thị Tiến (trú tại khu hành chính số 8, phường Đống Đa, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) lại có công nuôi dưỡng và chăm sóc Trang từ lúc cô bé vừa cất tiếng khóc chào đời. Những tưởng khi nhận chăm sóc cô bé đáng thương, bị mẹ đẻ ruồng bỏ từ lúc vừa lọt lòng mẹ, Tiến sẽ gắng bù đắp những thiếu thốn về tình cảm mà Trang sớm phải gánh chịu, chẳng ngờ... Khi nhận nuôi Trang, người đàn bà ấy đã sắp sẵn một dã tâm vô cùng độc ác, sử dụng Trang làm công cụ mua bán trái phép chất ma túy.

Từ nhỏ, cô bé Trang đã thiệt thòi hơn những đứa trẻ cùng trang lứa. Trang không được Tiến dạy dỗ và chăm sọc như một bé gái bình thường. Những sinh hoạt dù là nhỏ nhất như một câu chào hỏi với người lớn; cách ăn nói và giao tiếp với những người xung quanh... So với cậu bé Hoàng mà chúng tôi gặp trước đó thì Trang không có sự linh hoạt và ranh ma bằng, nhưng cô bé vì thế mà cũng có tính cách rất lập dị. Nếu một đứa trẻ bình thường, khi được sự động viên hay nhắc nhở còn lo sợ, đằng này Trang lý lợm, hỏi gì cũng không nói. Khi Tiến giao nhiệm vụ, Trang tung tăng bế đứa cháu nhỏ đi giao hàng mà không hề biết đó là heroin. Và trong tâm trí của nó cũng chẳng hiểu ma túy là gì và tác hại của nó như thế nào?

Khi lôi kéo, sử dụng những đứa trẻ ngây thơ, vô tội như Hoàng và Trang vào đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, Liễu, Tiến.... và những đối tượng khác chỉ nghĩ đến những đồng tiền trước mắt. Họ không biết đến những tổn thất về tinh thần, mà những đứa trẻ non nớt như những con chim non mới ra ràng sẽ phải gánh chịu.

Ở tuổi này, dù có khôn ngoan và ranh ma đến đâu, các em vẫn là những đứa trẻ. Với chúng, bố, mẹ là những người thầy đầu tiên, định hướng cho cuộc sống sau này. Nhưng ngay từ những bài học đầu tiên trong cuộc đời, chúng đã được học những điều xấu. Cậu bé Hoàng có thể biết đó là ma túy và mua bán ma túy là vi phạm pháp luật, còn cô bé Trang thì lại không hay biết đó là ma túy... dù vô tình hay cố ý thì các cháu cũng tham gia vào việc gieo rắc "cái chết trắng".

Song chúng cũng không thể biết được tác hại của loại ma túy đó như thế nào. Và một điều đau xót là khi bị lôi kéo vào đường dây này, các em cũng hầu hết đều không được học hành, tương lai của các em sẽ đi đến đâu? Và trong tình cảnh đó, rất nhiều em đã không thoát ra khỏi được vòng xoáy nghiệt ngã của số phận... tiếp tục đi theo vết xe đổ của cha, mẹ, trở thành những kẻ gieo rắc "cái chết trắng".

Đối tượng Nguyễn Thị Tiến


Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Phú Thọ cho biết: Khi sử dụng trẻ em vào đường dây mua bán trái phép chất ma túy, các đối tượng đã tìm cách lách luật. Bởi theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, trẻ em chưa đủ tuổi sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự... Trong các trường hợp này, các đối tượng sẽ ngang nhiên phạm tội như trường họp của Tiến, đối tượng này để ma túy trong két sắt, trong buồng ngủ và công khai ở trên mặt bàn. Khi đó, cơ quan Công an chỉ tịch thu được hàng hóa và buộc phải trả cháu ra về.

"Con cái là của để dành"... môi trường gia đình là cái nôi đầu tiên giúp cho những đứa trẻ hình thành nhân cách và lối sống. Hãy dành cho trẻ em những điều tốt đẹp nhất, đó là những điều chúng tôi muốn nói sau vụ án này.