Những đứa trẻ bị “bỏ rơi” làm gia tăng tội phạm ở Trung Quốc

ANTĐ - Một báo cáo mới được công bố cho thấy, tỷ lệ phạm tội ở trẻ em di cư từ nông thôn tới những thành phố lớn ở Trung Quốc có chiều hướng gia tăng mạnh. Nhiều chuyên gia dự đoán, con số này có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới khi làn sóng nhập cư vào các thành phố lớn chưa có dấu hiệu giảm. 

Những gia đình “có vấn đề” đằng sau những đứa trẻ có vấn đề

Báo cáo thường niên năm 2013 của Tòa án tối cao Bắc Kinh công bố số liệu các vụ án liên quan đến trẻ vị thành niên ở nước này cho thấy, số người phạm tội là trẻ vị thành niên từ các vùng nông thôn ra thành phố lớn chiếm đến 63,5% tổng số trẻ vị thành niên phạm tội ở nước này. Đây thực sự là con số đáng lo ngại. Đồng thời, báo cáo cũng cho biết thêm, nhóm trẻ này cũng là đối tượng bị lạm dụng sức lao động và tình dục cao nhất. 

Phân tích nguyên nhân của tình trạng trên, các chuyên gia nhận định, một gia đình “có vấn đề” đằng sau mỗi “đứa trẻ có vấn đề“. Lao động nhập cư phải cố gắng để tồn tại trong thành phố lớn đầy cạnh tranh và ít có thời gian để chăm lo con cái. Những bậc làm cha, làm mẹ đã không thể bảo vệ và giáo dục con cái vào thời điểm đứa trẻ đang rất cần vòng tay yêu thương của gia đình. Thực tế cho thấy, nhiều trẻ em trong các gia đình nhập cư bỏ học và luôn gây gổ với bạn bè. 

Những đứa trẻ “bị bỏ rơi” có thể trở thành mục tiêu của tội phạm. Sau khi bị “thu hút” bởi băng nhóm tội phạm, những đứa trẻ đã trở thành tội phạm thực sự. “Chúng tôi hiểu rằng, thiếu sự giáo dục và bảo vệ từ gia đình là lý do chính khiến những đứa trẻ bị bỏ rơi tại Bắc Kinh dễ bị tổn thương và trở thành tội phạm. Môi trường giáo dục gia đình tốt và bầu không khí lành mạnh là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển lành mạnh của trẻ em”, một đoạn trong báo cáo viết. 

Thiếu giáo dục có chất lượng và sự bảo trợ của Chính phủ 

Lao động di cư chủ yếu thuộc nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội và quyết định đưa con cái đến những thành phố lớn cũng là lựa chọn cuối cùng của họ. Mặc dù hầu hết các gia đình không đủ khả năng để trang trải cuộc sống thì nhóm đối tượng này cũng không nhận được sự quan tâm về giáo dục và bảo trợ xã hội từ Chính phủ. Trên thực tế, nhiều lao động nhập cư cũng buộc phải rời xa con cái ở các vùng nông thôn để đến thành phố kiếm sống. Ước tính, khoảng 60 triệu đứa trẻ bị “bỏ lại phía sau” và không được giáo dục đầy đủ vì hệ thống giáo dục phân biệt đối xử của Trung Quốc, hệ thống an sinh xã hội đã lỗi thời. Cũng giống như những đứa trẻ theo bố mẹ ra thành phố, các em “bị bỏ lại phía sau” không có tình yêu và sự chăm sóc của cha mẹ. Số liệu thống kê cho thấy, 57,14% trẻ em “bị bỏ rơi” có vấn đề về tâm lý.

Chính quyền Bắc Kinh đã thất bại trong việc cải thiện điều kiện nhập học cho con công nhân nhập cư. Ngay cả khi thành lập cái gọi là “trường dành cho trẻ em lao động nhập cư” - một hệ thống phi Chính phủ thì họ vẫn là nhóm bị thiệt thòi, bị gạt ra ngoài khuôn khổ xã hội. Dù có tồn tại một số chương trình nhân đạo cho các nhóm dễ bị tổn thương ở Trung Quốc nhưng đó không phải là những chương trình dài hơi. Mặt khác, Chính phủ Trung Quốc không đưa ra được chương trình lớn về giáo dục trẻ em cũng như chưa ưu tiên đầu tư kinh phí vào vấn đề này trong quá trình xây dựng chính sách quốc gia.