Những động thái mới của Mỹ ở Trung Đông: Thể hiện bản chất Mỹ

ANTĐ - Tiếng súng ở Ukraina tạm yên, nói tạm bởi gần như chắc chắn nó sẽ lại bùng lên. Chỉ là bao giờ mà thôi. Dư luận thế giới cũng chẳng được nghỉ ngơi, tất cả các phương tiện truyền thông lại hối hả quay về một điểm nóng khác, cũng đang mịt mù khói lửa và đầy những mâu thuẫn. Đó là chiến trường, cả chính trị cả quân sự ở Trung Đông. 

Có những xu hướng, dường như là khó đánh giá, qua những động thái của Mỹ với những vấn đề cốt tử ở Trung Đông. Đầu tiên là thái độ nhân nhượng đối với Iran trong các cuộc hội đàm về một thỏa thuận hạt nhân, kéo theo nó là mâu thuẫn gay gắt chưa từng có giữa Chính phủ Mỹ và Chính phủ Israel về chính sách với Iran. Thứ hai là cuộc tấn công Tikrit của 30.000 quân Chính phủ Iraq, nhằm chiếm lại thành phố chiến lược này từ tay IS, mặc dù rất quyết liệt, quân Chính phủ tiến chậm, gặp nhiều thương vong nhưng không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ về quân sự nào của Mỹ, mặc dù lực lượng quân sự của Mỹ tại Iraq và quanh đó là khổng lồ. Mỹ đang tính rút chân ra khỏi Trung Đông chăng? Câu trả lời là không.

Những động thái mới của Mỹ ở Trung Đông: Thể hiện bản chất Mỹ ảnh 1

Chuyện tình tay ba Iran-Mỹ-Israel

 Tối 2-3, các nhà ngoại giao Mỹ và Iran đã tiến hành các cuộc đàm phán nước rút trong bối cảnh thời hạn chót đạt thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran đang đến gần. Hai bên tiếp tục gặp nhau trong ngày 3-3. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, người trực tiếp tham gia đàm phán, nhấn mạnh nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cộng với Đức) không có ý định tìm kiếm thỏa thuận toàn diện bằng mọi giá, mà chỉ muốn đảm bảo Iran không chế tạo bom hạt nhân. Về phần mình, Ngoại trưởng Iran Zarif cho biết, thỏa thuận về chương trình hạt nhân Iran có thể được hoàn tất trong tuần này nếu Mỹ và các nước phương Tây khác có đủ ý chí chính trị và thống nhất dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Tehran. Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters tại Nhà Trắng ngày 2-3 Tổng thống Obama cho biết trong thỏa thuận, Iran cần phải cam kết “đóng băng có kiểm chứng” các hoạt động liên quan tới chương trình hạt nhân gây tranh cãi của mình ít nhất 10 năm. Trước đây, Washington dứt khoát yêu cầu Tehran phải ngừng hẳn hoặc ngừng 20 năm các hoạt động hạt nhân.

Trong khi đó, sáng 3-3, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã có bài phát biểu kéo dài 50 phút trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ tập trung chỉ trích Iran và kêu gọi Quốc hội Mỹ có hành động nhằm ngăn cản thỏa thuận hạt nhân mà Chính quyền Tổng thống Barack Obama cùng Nhóm P5+1 đang đàm phán với Tehran. Cá nhân Tổng thống Obama phản ứng lại bằng việc tuyên bố sẽ không gặp ông Netanyahu trong thời gian Thủ tướng Israel có mặt tại Washington và tuyên bố phủ quyết bất kỳ dự luật nào của Quốc hội liên quan đến hồ sơ hạt nhân Iran nhằm ngăn chặn mọi động thái cố tình ngăn cản thỏa thuận sẽ được ký kết giữa Iran và nhóm P5+1. 

Có vẻ Mỹ muốn bằng mọi giá đạt được thỏa thuận với Iran về vấn đề hạt nhân?

Thái độ khó hiểu trước IS

Ngày 3-3, những căng thẳng, mâu thuẫn giữa quân đội Iraq và Mỹ về cách thức tiến hành cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã bùng phát khi các quan chức Iraq tuyên bố rằng họ sẽ tự lên kế hoạch đánh IS kể cả khi Mỹ không trợ giúp. Trước đó, ngày 2-3, quân đội Iraq đã mở một chiến dịch tấn công quy mô lớn nhằm chiếm lại thành phố Tikrit từ tay phiến quân IS mà không có sự nhất trí của các cố vấn Mỹ.

Trong khi các binh sĩ Iraq tìm cách bao vây thành phố Tikrit, điều dễ nhận thấy là các chiến đấu cơ Mỹ đều nằm yên ở căn cứ mà không hề có bất cứ một động thái yểm trợ nào. Chiến dịch tấn công Tikrit bất ngờ được tổ chức sau khi các quan chức quân đội Iraq nổi giận với sự “không nhất quán” của Mỹ trong chiến lược chống lại IS. Trước đó, các cố vấn Mỹ cho rằng quân đội Iraq sẽ sẵn sàng tổng phản công chiếm lại thành phố chiến lược Mosul vào tháng tư tới đây, thế nhưng sau đó lại “xuống nước” và tuyên bố quân đội Iraq chưa sẵn sàng cho một chiến dịch lớn như vậy, ít nhất là đến mùa thu. Trên thực địa, quân đội Iraq lại gặp khá nhiều khó khăn trong chiến dịch tấn công vào Tikrit và họ vẫn chưa đạt được bước đột phá nào để tiến được vào thành phố. Cho đến nay, lực lượng hùng hậu 30.000 quân mới chỉ tiến đến khu vực ngoại ô của thành phố.

Đã có nhiều chuyên gia quốc tế nhận định rằng IS là sản phẩm và là con bài của Mỹ ở Trung Đông, một nhận định có mùi vị của thuyết âm mưu, nhưng có một sự chắc chắn, đó là đã có một sự thiếu nhất quán trong chính sách của Mỹ đối với lực lượng khủng bố tàn bạo và có sức mạnh đáng kể này. Mặc dù nắm trong tay những lực lượng quân sự khổng lồ, mặc dù có những lợi thế chính trị để tấn công IS, mặc dù đã tung ra bao nhiêu lời thề quyết tâm đánh bại IS, nhưng Mỹ chỉ đánh từ xa bằng lực lượng không quân và tên lửa với mật độ thấp hơn nhiều so với những đợt tấn công tương tự của Mỹ ở Trung Đông như Iraq, Libi... Mặt khác Mỹ luôn từ chối sự hợp tác, chắc chắn sẽ đóng vai trò khai tử IS, với Chính phủ Siria, Iran... và bây giờ, trước hình ảnh Mỹ ôm súng đứng nhìn quân Chính phủ Iraq nhảy vào chảo lửa, dư luận có quyền nghi ngờ thái độ của Mỹ trước IS. 

Tất cả vì lợi ích Mỹ

Không thể bất chấp thực tiễn, Mỹ buộc phải thừa nhận IS là lực lượng khủng bố tàn bạo nhất, dã man nhất và có thực lực nhất hiện nay. Mỹ đã phải nhiều lần thề thốt đánh bại IS bằng mọi giá. Tuy nhiên, trong thời gian qua, IS chưa trực tiếp tấn công vào quyền lợi Mỹ. IS cũng chưa hề tấn công vào quyền lợi của Israel. Đối tượng khủng bố của IS là các nước Hồi giáo ở Trung Đông, nơi mà hầu hết không phải là đồng minh của Mỹ. Ngoài các nước cùng tôn giáo, mục tiêu gần của IS là châu Âu, nơi Mỹ cũng đang muốn dạy cho các nước lục địa già bài học phải tuân thủ đầy đủ các chỉ đạo của Mỹ trong cuộc đối đầu với Nga. 

Với Israel, quốc gia mà Mỹ đóng vai trò cha đẻ và là người nuôi dưỡng, Mỹ không thể bỏ rơi. Kể từ khi thành lập, Mỹ đã viện trợ dưới nhiều hình thức cho quốc gia nhỏ bé này hàng trăm tỷ USD. Chỉ riêng viện trợ quân sự, chưa kịp hết hợp đồng viện trợ 30 tỷ USD trong 10 năm 2008-2017, tháng 5-2013 Mỹ đã ký tiếp hợp đồng viện trợ quân sự 10 năm 2018-2027 trị giá lên đến 40 tỷ USD. Vậy tại sao Chính phủ Israel lại giãy nảy lên. Có hai lý do, một là Israel cũng đề phòng Mỹ rút chân khỏi Trung Đông, hai là không sức ép nào tốt hơn đối với Iran bằng sự phản ứng có vẻ quyết liệt của Israel, trong khi, Iran cũng đang muốn chấm dứt tình trạng cô lập do cấm vận của Mỹ và phương Tây để giải quyết những khó khăn cả về kinh tế cả về chính trị của mình. Sự vội vã của Mỹ trong thỏa thuận với Iran cũng như khôi phục quan hệ bình thường với Cuba chỉ là hành động dọn dẹp những rắc rối nhỏ mà Mỹ đang can dự để tập trung cho một cuộc đối đầu lớn hơn, cuộc đối đầu với Nga, người dám thách thức vai trò thống trị thế giới của Mỹ. Ngày 4-4, Mỹ đã tuyên bố kéo dài các biện pháp trừng phạt đối với Nga thêm 1 năm nữa. 

Mọi động thái chứng minh, quyền lợi Mỹ là mục đích duy nhất của mọi hoạt động của Mỹ. Vậy mà lãnh đạo một số nước vẫn hy vọng vào một nước Mỹ như là người bảo vệ dân chủ.