Những đồn đoán về bức "Thác bờ" của Phạm Hậu trước giờ "lên sàn"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN -Tại phiên đấu giá nhà Aguttes (Pháp)- "Họa sĩ châu Á-Những tác phẩm quan trọng", mọi sự chú ý sẽ đổ dồn vào bức bình phong sơn mài 4 tấm “Phong cảnh với thuyền, buồm”, hay cách gọi khác là “Thác bờ” của Phạm Hậu. Tên của ông, tác phẩm của ông luôn gây sự chú ý mỗi khi tranh xuất hiện trên sàn đấu giá.

Bức tranh có giá khởi điểm là 150.000-250.000 EUR (tương đương 183.000-300.000 USD) và sẽ lên sàn trực tuyến vào ngày 7/6/2021.

Theo nhà đấu giá Aguttes, bức sơn mài Phong cảnh với thuyền buồm của Phạm Hậu là một minh chứng hoàn hảo cho một thế hệ nghệ sĩ Việt Nam mới được đào tạo tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Việc giảng dạy tại trường đã mang đến cho Phạm Hậu sự phong phú về bảng màu của mình, màu đỏ và đen truyền thống được pha thêm vàng và bạc ở đây được tăng cường bằng một màu xanh lam cực kỳ hiếm gặp, mang đến những sắc thái hoàn toàn mới và tương phản hơn.

Bức tranh sơn mài này tạo thành một bức bình phong với bốn tấm thể hiện sự vẻ đẹp của các danh lam thắng cảnh Việt Nam. Những thảm thực vật tươi tốt như lá chuối, hoa táo hoặc tre, nứa, nhấn mạnh bản chất nhiệt đới của Việt Nam.

PHẠM HẬU (1903-1995)Phong cảnh với thuyền buồm, khoảng 1943Sơn mài với vàng và bạc. Kích thước: 104 x 197,6cm. Giá ước đấu: 150k - 250k euros

PHẠM HẬU (1903-1995)Phong cảnh với thuyền buồm, khoảng 1943Sơn mài với vàng và bạc. Kích thước: 104 x 197,6cm. Giá ước đấu: 150k - 250k euros

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi đánh giá, vì chuyên vẽ phong cảnh, đặc biệt Bắc bộ, lại có xưởng làm việc khoa học và các phụ tá lành nghề, nên Phạm Hậu (1903-1995) thường khá thành công khi chuyển thể sơn mài. Với chủ đề này, ông có nhiều bức bình phong về Thác Bờ (Hòa Bình), chùa Thầy (Hà Tây), phong cảnh trung du… được người Pháp ưu chuộng, sưu tập từ trước 1954, như bức “Paysage aux jonques” (tạm dịch: Phong cảnh Thác Bờ) tại phiên đấu này.

Trước đây sơn mài của Phạm Hậu còn ít được đánh giá cao, vì nó hơi nặng tính mỹ nghệ và công xưởng. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, khi quan niệm về giao thoa mỹ thuật và mỹ nghệ có nhiều thay đổi, khi các nhà sưu tập Việt Nam và Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Hong Kong… cùng lùng kiếm, các bức bình phong sơn mài của Phạm Hậu đã tăng giá chóng mặt. Bức tứ bình Nine Carps in the water (tạm dịch: Cửu ngư quần hội) của Phạm Hậu từng được Sotheby’s Hong Kong bán hơn 1,1 triệu USD vào năm 2019.

Cho nên, với kích thước 104cm x 197,6cm và độ hoàn chỉnh về chất liệu, cũng như giá ước định đang ở mức 150.000-250.000 EUR, việc bức này đấu vượt ngưỡng 500.000 USD là rất bình thường. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý bối cảnh đại dịch tại Paris cũng có thể làm ảnh hưởng đến độ hào hứng của phiên đấu, vì kiểu gì đấu trực tiếp vẫn sôi động hơn đấu gián tiếp hoặc đấu ngẫm ngợi.

Họa sĩ Tô Chiêm, Nhà xuất bản Kim Đồng thì cho rằng, bức tranh được thể hiện bằng kỹ thuật sơn mài truyền thống, bố cục theo lối tẩu mã , chất liệu vàng , then, son... vẽ cẩn thận nhiều lớp. chuẩn mực của sơn mài Việt Nam. Họa sĩ Tô Chiêm dự đoán, bức tranh có thể chạm ngưỡng triệu đô, vì các tác phẩm của họa sĩ Đông Dương giờ còn lại quá hiếm hoi.

Còn bà Hoàng Anh, Tổng biên tập tạp chí Mỹ thuật có những phân tích cụ thể hơn trước khi đưa ra dự đoán. Theo bà Hoàng Anh, với mức giá khởi điểm 150k – 250k Euros có cảm giác vừa vặn trong thời điểm hiện tại. Ở trong nước, chắc chắn sẽ có khoảng 5, 7 người sẽ đấu bức này. Nhưng có một điều gần như chắc chắn, tác phẩm này khó “dành cho người buôn” khi các sưu tập có số má đều đấu (trực tiếp hay gián tiếp thông qua các tay đấu chuyên nghiệp). Nếu nhà buôn đấu ở mức giá quá cao, mang về sẽ bán cho ai đây trong khi vấn đề “thật, giả” đã rõ mồn một – đây là tác phẩm chân bản của Phạm Hậu, chỉ cần đấu bằng giá mà không phải băn khoăn.

Họa sĩ Phạm Hậu giảng dạy nghệ thuật sơn mài cho các học trò.

Họa sĩ Phạm Hậu giảng dạy nghệ thuật sơn mài cho các học trò.

Dựa trên cơ sở thăm hỏi tin tức, tham vấn tình hình, thăm dò lẫn nhau, bà Hoàng Anh dự đoán, bức “Thác bờ” của Phạm Hậu sẽ đạt mức giá xấp xỉ từ 600 - 800.000 USD và mức mơ ước là 1 triệu USD (sau thuế phí và quy đổi từ euro).

Những đồn đoán về bức "Thác bờ" trước khi lên sàn chỉ cho thấy, tranh của các họa sĩ Việt Nam thời kỳ mỹ thuật Đông Dương đang ngày càng có giá trị. Độ khan hiếm cùng tên tuổi của các danh họa khiến cho các phiên đấu giá có sự xuất hiện tác phẩm của họ luôn "nóng" trước giờ gõ búa. Những bức tranh triệu đô đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong bộ sưu tập của các nhà sưu tầm nghệ thuật, đã khẳng định vị thế của mỹ thuật Việt Nam trên trường quốc tế.

Phạm Hậu (1903 - 1994) theo học tại trường Mỹ thuật Đông Dương từ năm 1929 đến 1934, cùng thế hệ các họa sĩ Trần Bình Lộc, Nguyễn Đỗ Cung, Trần Quyền, Nguyễn Văn Thuần, Trần Văn Cẩn... Năm 1932, người Pháp đưa vào chương trình học môn Sơn ta, ông hăng hái tiếp nhận và phát triển thành kỹ thuật vẽ tranh sơn mài.

Giữa thập niên 1930, ông lập xưởng tranh chuyên sơn mài đầu tiên. Phạm Hậu giành huy chương vàng Salon (năm 1935) của Hội khuyến khích phát triển Mỹ thuật và Kỹ nghệ. Ông soạn thảo văn bản giáo khoa đặt nền móng lý thuyết cho việc dạy học về nghệ thuật sơn mài và trực tiếp giảng dạy tại trường Quốc gia Mỹ nghệ.

Ông nổi danh với các bức sơn mài Gió mùa hạ, Cơn giông, Ngàn thu nhớ Bác, Phong cảnh Bắc bộ, Cá vàng…