Những doanh nghiệp nào đang chiếm ưu thế trên thị trường phân phối sản phẩm dệt may?

ANTD.VN - Theo nhóm nghiên cứu của trường Đại học Thương mại, các cửa hàng quần áo một thương hiệu, nhiều thương hiệu và các thương hiệu lớn của nước ngoài đang cạnh tranh gay gắt để chiếm thị phần trong nước. 

Xây dựng thương hiệu mạnh cho chuỗi cửa hàng thời trang Việt Nam để cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài

Thị trường thời trang Việt Nam ngày càng sôi động bởi nhu cầu rất cao của người tiêu dùng và kéo theo đó là sự góp mặt của những "tên tuổi" mới. Bước vào mùa đông và dịp mua sắm cuối năm, nhu cầu mua sắm các sản phẩm quần áo thời trang của người dân càng tăng cao.

Tuy nhiên, theo TS Lục Thị Thu Hường- Bộ môn Logistic Kinh doanh, Trường Đại học Thương mại, theo kết quả nghiên cứu về xây dựng thương hiệu bán lẻ thời trang may mặc tại Hà Nội vừa được khảo sát thì trong lĩnh vực dệt may, không một doanh nghiệp nào có thể thống lĩnh được thị trường, dù quy mô doanh nghiệp lớn. 

Cụ thể, 57% người tiêu dùng yêu thích các cửa hàng bán quần áo một thương hiệu bởi họ có chiến lược xây dựng mạng lưới bán lẻ riêng biệt, có chuỗi cung ứng khép kín, từ khâu thiết kế, cắt may đến bán hàng với số lượng sản phẩm không nhiều. Các tên tuổi "mới nổi" có thể kể đến là: Chic Land, Elise, Ivy Moda, Nem, Seven AM, Pantio... Khách hàng của các cửa hàng này chủ yếu là nữ giới làm công sở. 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp may truyền thống như: May 10, An Phước, Việt Tiến, Nhà Bè, Đức Giang... cũng bao phủ thị trường thông qua nhiều điểm bán lẻ, phục vụ chủ yếu khách hàng là nam giới.

Được đánh giá cao về sự tiện lợi, đa dạng, giá cả hợp lý và mẫu mã thay đổi nhanh, các hàng hàng kinh doanh thời trang tiện lợi 1 thương hiệu như: Canifa, Ninomaxx, Blue Exchange, GenViet... lại rất hấp dẫn với nhóm khách hàng là thanh thiếu niên hay những người ưa phong cách trẻ trung, năng động.

Bên cạnh đó, các cửa hàng thời trang nhiều thương hiệu tại Hà Nội cũng thu hút khoảng 26% khách hàng mua sắm. Góp phần quan trọng trong phân đoạn bán lẻ thời trang đa thương hiệu còn có rất nhiều cửa hàng thời trang nhỏ và độc lập, có mặt ở khắp các phố phường Hà Nội như: phố Kim Mã, Bà Triệu, Chân Cầm, Phạm  Ngọc Thạch... hay các khu chợ bán quần áo may sẵn. 

Kết quả khảo sát này cũng cho thấy, các siêu thị thời trang đáp ứng được khoảng 17% nhu cầu mua sắm thời trang của người dân Thủ đô. Cơ cấu sản phẩm tại các cửa hàng bán lẻ này rất đa dạng, dành cho nhiều lứa tuổi, cho cả nam và nữ. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, tỷ trọng của nhóm này trên thị trường còn khá thấp do phong cách phục vụ thiếu chuyên nghiệp, trong khi hàng hóa đơn giản, chưa hấp dẫn.

Song hành với các cửa hàng thời trang của doanh nghiệp trong nước là làn sóng thâm nhập mạnh mẽ của nhiều hãng bán lẻ thời trang quốc tế và được khách hàng trẻ tuổi của Việt Nam háo hức đón nhận. 

Theo TS Lục Thị Thu Hường, mặc dù chiếm thị phần khác nhau nhưng các doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng thương hiệu. Cụ thể, đa số doanh nghiệp chỉ tập trung vào mở rộng điểm bán bán hàng, thiết kế nội ngoại thất, tủ kính trưng bày và đội ngũ bán hàng.

Trong khi đó, "phong cách thiết kế chưa độc đáo, trưng bày quần áo quá nhiều, thiếu chọn lọc và thiếm điểm nhấn. Việc thông tin về các bộ sưu tập mới hay các chương trình giảm giá, chuyển mùa thường mới chỉ dừng lại ở những công cụ đơn giản như: gửi email, tin nhắn tới khách hàng mà chưa tiếp cận được nhiều với khách hàng mới" - TS Lục Thị Thu Hường cho hay.

Trước sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt của các thương hiệu nước ngoài, nhóm nghiên cứu cho rằng doanh nghiệp cần hoàn thiện việc xây dựng thương hiệu để thu hút khách hàng mới và duy trì lòng trung thành của khách hàng cũ.