Những điều kiêng kỵ trong văn hóa ngày Tết của các nước

ANTD.VN - Với nhiều quốc gia châu Á, Tết là dịp mà mọi người sẽ dành thời gian cho việc nghỉ ngơi, đoàn tụ gia đình, đi thăm hỏi bạn bè và người thân… Bên cạnh đó, mỗi đất nước cũng có những điều kiêng kỵ riêng nhằm hy vọng vào điều may mắn, suôn sẻ cho năm mới.         

Việt Nam

Trong thời khắc chuyển giao thiêng liêng của đất trời, người Việt thường nhắc nhau tránh làm một số việc để hi vọng những điều may mắn sẽ đến vào năm mới.

Ngày Tết, người Việt chúng ta thường không sử dụng những ngôn ngữ, hành động có thể ảnh hưởng đến vận mệnh của cả một năm. Việc cáu giận, gắt gỏng, to tiếng cũng cần hết sức tránh để mọi việc đầu năm trở nên thuận lợi và giữ gìn được hòa khí với mọi người xung quanh.

Từ xa xưa, ông bà ta còn rất kiêng cho lửa và nước ngày đầu năm. Vì lửa mang ý nghĩa là dương khí, tượng trưng cho sự may mắn. Cho lửa cũng đồng nghĩa với việc cho đi sự hạnh phúc, tài lộc của gia chủ trong cả một năm. Còn nước là thể hiện cho sự sinh sôi. Đem nước đi cho nước thì coi như sẽ làm “mất lộc” trong năm mới.

Những điều kiêng kỵ trong văn hóa ngày Tết của các nước ảnh 1

Theo quan niệm, màu đỏ của lửa chính là tượng trưng cho sự may mắn

Bên cạnh đó, ở mỗi vùng miền, người Việt còn lưu truyền rất nhiều hoạt động kiêng kỵ khác nhau cần tuân thủ trong ngày Tết như: nhà có tang kiêng đi chúc Tết; giữ nhà cửa sạch sẽ nhưng không quét nhà; kiêng mặc áo trắng; không xuất hành ngày mùng 1; kiêng vay nợ ngày đầu năm;…

Trung Quốc

Tết Nguyên đán là ngày lễ được mong chờ nhất trong năm với người Trung Quốc. Đi cùng với đó là rất nhiều những điếu cấm kỵ liên quan, phản ánh niềm tin và tín ngưỡng trong văn hóa người Trung Quốc từ xa xưa.

Những điều kiêng kỵ trong văn hóa ngày Tết của các nước ảnh 2

Người Trung Quốc kiêng không quét nhà ngày đầu năm vì điều này sẽ đồng nghĩa với việc xua tan phú quý ra khỏi nhà

Trong ngày Tết, người Trung Quốc đặc biệt kiêng việc gội đầu hay cắt tóc. Bởi trong tiếng bản địa, từ “tóc” trùng với âm đầu tiên của từ “thịnh vượng”. Theo đó, nếu như ai gội đầu hay cắt tóc vào ngày đầu tiên của năm mới thì coi như đã “gột rửa” hết sự may mắn và phát tài của bản thân.

Ngoài ra, họ cũng sẽ tránh việc làm vỡ đồ đạc, quét nhà, giặt giũ, đổ rác,… ngày đầu năm vì họ tin rằng điều này có thể mang tới sự mất mát về tiền, của trong gia đình.

Campuchia

Chol Chnam Thmay là lễ hội mừng năm mới của người dân Campuchia theo Phật lịch. Vì là một quốc gia Phật giáo (hơn 90% dân số theo đạo Phật) nên người Campuchia có những điều kiêng kỵ riêng để tỏ lòng thành kính với các vị thần và cầu mong sự may mắn trong năm mới.

Theo đó, khi vào chùa, không ai được phép đội mũ, phải cởi bỏ giày, dép bên ngoài và tuyệt đối không được đứng gần và đụng chạm vào các nhà sư. Người dân Campuchia rất kiêng việc gây ồn ào hay ăn mặc thiếu trang trọng tại đền, chùa vì hành động này được coi là bất kính với các vị thần Phật. Ngoài ra, nếu muốn chụp ảnh một nhà sư tại đây, bất kỳ ai cũng đều phải xin phép trước để tránh gặp những rắc rối không đáng có.

Mông Cổ  

Tết cổ truyền ở Mông Cổ có tên gọi là Tsagaan Sar có nghĩa là “bạch nguyệt”, hay còn gọi là lễ hội Trăng màu trắng.

Cũng giống như ngày Tết Nguyên đán tại Việt Nam, trong những ngày Tsagaan Sar, người Mông Cổ cũng kiêng không được mắng mỏ người khác; các gia đình có tang sẽ không đến gia đình khác chúc Tết; tránh việc vay tiền;… Những món nợ, mâu thuẫn sẽ được giải quyết vào ngày cuối cùng của năm cũ để mọi người hoàn toàn có thể thoải mái chào đón năm mới.

Điều khác biệt lớn nhất nằm ở màu sắc trong trang phục ngày Tết của người dân ở mảnh đất thảo nguyên này. Người Mông Cổ thường kiêng chọn trang phục có màu sắc sặc sỡ trong dịp Tsagaan Sar. Thay vào đó, họ sẽ chỉ chọn quần, áo có gam màu trắng là chủ đạo vì đây là biểu tượng cho sự thuần khiết, cát tường, thịnh vượng ngày đầu năm.

Hàn Quốc

Tết âm lịch cổ truyền theo tiếng Hàn gọi là Seollal - là đại lễ quan trọng nhất năm với người dân xứ kim chi.

Vào ngày này, người Hàn thường tránh tặng giày cho nhau. Họ tương truyền rằng, nếu tặng giày ngày đầu năm sẽ thường dẫn đến những sự chia xa, ly biệt. Vậy nên, khi nhận được món quà là đôi giày trong ngày Tết, người Hàn sẽ đưa lại một khoản tiền nhỏ coi như một sự trao đổi để tránh những điều không may mắn xảy tới.

Những điều kiêng kỵ trong văn hóa ngày Tết của các nước ảnh 3

Tất cả người Hàn đều mặc Hanbok để thực hiện những nghi thức trong ngày Tết cổ truyền

Ngoài ra, người dân xứ kim chi cũng tránh việc ngủ trong đêm giao thừa. Theo truyền thuyết, nếu ngủ trong thời khắc này sẽ bị bạc trắng cả lông mi và đầu óc trở nên kém minh mẫn khi thức dậy vào sáng hôm sau.