Những điều ít biết về “Tổng hành dinh” tại Hoàng thành Thăng Long

ANTĐ -Kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, sáng 14-4, UBND thành phố Hà Nội, Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo “Vai trò của cơ quan Tổng hành dinh trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975” tại Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội.
Những điều ít biết  về “Tổng hành dinh” tại Hoàng thành Thăng Long ảnh 1

Phòng họp chính trị Nhà D67 - nơi diễn ra nhiều cuộc họp quyết định dẫn tới thắng lợi chiến dịch 

Đẩy nhanh quá trình phát triển thắng lợi 

Cuộc hội thảo ý nghĩa được tổ chức với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như các nhân chứng lịch sử, các tướng lĩnh, cựu chiến binh đã tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Tổng hành dinh – nằm trong Thành cổ Hà Nội là nơi làm việc của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh và các cơ quan của Bộ Quốc phòng… là trung tâm đầu não, nơi đề ra những chủ trương, quyết định, kế hoạch chiến lược, chỉ thị quan trọng để quân và dân cả nước tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành thắng lợi.

Trong đó, Di tích lịch sử hầm ngầm D67 nằm trong Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là nơi đặt sở chỉ huy cao nhất của Bộ Chính trị, Đảng ủy Quân ủy Trung ương để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ miền Bắc và giải phóng miền Nam. 

Những điều ít biết  về “Tổng hành dinh” tại Hoàng thành Thăng Long ảnh 2Hầm Chỉ huy tác chiến - Bộ Tổng tham mưu 

Giới thiệu về công trình có ý nghĩa lịch sử quan trọng này, Tiến sĩ Thiếu tướng Nguyễn Xuân Năng - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết, di tích lịch sử D67 gắn liền với thời điểm năm 1967 bao gồm nhà D67 và hầm D67. Trong đó, nhà D67 là ngôi nhà mái bằng một tầng được kết cấu đặc biệt với hầm ngầm D67, do Viện Thiết kế Kiến trúc của Bộ Kiến trúc, nay là Bộ Xây dựng thiết kế. Nhà có 4 gian, gian lớn ở giữa là phòng họp của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Năng cho biết thêm, trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng đã làm việc suốt ngày đêm, theo dõi và chỉ đạo quân và dân ta đập tan cuộc tập kích  đường không bằng máy bay B52 của Mỹ. Từ ngày 18-12-1974 đến 8-1-1975, Bộ Chính trị đã họp, mở rộng và hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 và 1976, liên tục chỉ đạo và điều hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh. 

Những điều ít biết  về “Tổng hành dinh” tại Hoàng thành Thăng Long ảnh 3

Những hiện vật ở nhà D67 Tổng hành dinh 

Trung tướng Trần Quang Khánh, Nguyên Chánh văn phòng Bộ Quốc phòng - một trong những nhân chứng lịch sử trong giai đoạn này khẳng định, khu di tích lịch sử D67 có mối quan hệ khăng khít với quá trình phát triển thắng lợi năm 1975. 

Giá trị nổi bật toàn cầu

Nhận thức những giá trị lịch sử - văn hóa của di sản mà cha ông để lại, Thạc sĩ Trần Việt Anh - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết, trong nhiều năm qua, Trung tâm đã phối hợp với các nhân chứng lịch sử, từng bước nghiên cứu, lập hồ sơ tu bổ phục hồi các di tích trong khu trung tâm.

Trong đó có Hầm Chỉ huy tác chiến - Bộ Tổng tham mưu là một công trình đáng chú ý. Được xây dựng cuối năm 1964, đầu năm 1965, công trình có diện tích 64,5m2, được đúc bằng bê tông cốt thép nguyên khối, được chia làm 3 phòng: Phòng Giao ban tác chiến, Trực ban tác chiến và Phòng đặt trang thiết bị.

Sau gần 40 năm không sử dụng, nhiều lần nước mưa chảy vào hầm, toàn hệ thống trần gỗ và vách gỗ bị hư hại nặng, mục ruỗng, mối mọt nhiều. Tuy vậy, với sự khẩn trương và làm việc theo đúng nguyên tắc của Trung tâm, Hầm Chỉ huy tác chiến - Bộ Tổng tham mưu đã được phục hồi nguyên trạng và mở cửa đón du khách tham quan từ 

năm 2012.

 

Nhắc đến Tổng hành dinh, những công trình nằm trong Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long không thể không nhắc đến những giá trị của di sản thế giới được UNESCO công nhận - niềm tự hào của mỗi người dân Thủ đô.

 Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Khả Phiêu nhấn mạnh, không chỉ có vị trí là trung tâm quyền lực chính trị suốt hàng nghìn năm, từ thời Lý, Trần, Lê, Mạc, Lê Trung Hưng cho đến thời đại Hồ Chí Minh, Trung tâm Hoàng thành Thăng Long còn là một di sản văn hóa thế giới mang giá trị nổi bật trên toàn cầu. Đồng chí Lê Khả Phiêu khẳng định, Hoàng thành Thăng Long là một địa danh “có một không hai” không chỉ của Việt Nam mà trên thế giới.