Những điều chưa biết về bệnh dị ứng

ANTĐ - Theo thống kê, có tới 1/5 số người trên Trái Đất bị bệnh dị ứng, trong đó tỷ lệ người bị dị ứng cao nhất là ở các nước phát triển cao. Bệnh dị ứng là một trong những căn bệnh phổ biến nhất trong thế kỷ 21.

Do hàng loạt trạng thái bệnh lý của cơ thể gây ra

Hen phế quản, dị ứng rinit, các bệnh mẫn cảm ngoài da như mẩn ngứa mãn tính và cấp tính v.v.. đều thuộc bệnh dị ứng. Cơ sở của các bệnh này đều là một, đó chính là phản ứng tự vệ của cơ thể. Cơ chế phát sinh loại phản ứng này đã được các nhà khoa học giải mã. Bản chất của dị ứng là hệ thống miễn dịch của cơ thể bắt đầu phản ứng thái quá đối với những chất thực ra là không độc hại lắm cho cơ thể. Vì thế, dị ứng là phản ứng miễn dịch không có khả năng thích nghi. 

Minh chứng cho nhận định này là dị ứng rinit, khi một người vô tình bị phấn hoa rơi vào cơ thể, để phản ứng lại, trong máu ngay lập tức xuất hiện và tăng cao hàm lượng một loại protein đặc biệt gọi là Immunoglobulin dạng E có tác dụng kết hợp với tác nhân gây dị ứng trên bề mặt một loại tế bào gọi là tế bào béo. Tế bào béo này có trong các cơ quan nội tạng khác nhau, ở các cơ khác nhau trong cơ thể và có nhiều trong thành phần các tuyến tiết dịch ở cơ quan hô hấp, mũi và mắt. Nơi lưu trữ chất  hystamin - chất rất cần cho cơ thể để thực hiện nhiều chức năng quan trọng.Tuy nhiên, khi phản ứng dị ứng, chất hystamin lại chịu trách nhiệm về tiến trình các triệu chứng tiêu cực, khó chịu. Khi tế bào béo bị khởi động, hystamin được tiết ra và đi vào máu, kích thích quá trình tiết dịch ở mắt và mũi, đồng thời tác động lên các cơ cấu khác làm cho con người bắt đầu có những phản ứng như sổ mũi và ho.

Căn bệnh phổ biến trong thế kỷ 21

Sự suy giảm chất lượng môi trường sinh thái và do con người quá lạm dụng chất kháng sinh là những nguyên nhân dẫn đến bệnh dị ứng. Các tác nhân quan trọng khác như: stress, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, ô nhiễm các vật liệu tổng hợp trong môi trường cũng là nguyên nhân gây nên dị ứng. Dị ứng không truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác nhưng có định hướng di truyền, tính chất di truyền vẫn đóng vai trò chủ yếu gây nên phản ứng dị ứng. Khả năng dị ứng còn phụ thuộc vào cách sống ngay từ thời thơ ấu. Khoa học đã chứng minh rằng trẻ em bú sữa mẹ 6 tháng đầu sau khi sinh ít bị tác động của các phản ứng dị ứng. Hiện môi trường sinh thái bị ô nhiễm mạnh nên rất nhiều trẻ mắc bệnh dị ứng.

Không còn là một căn bệnh “vớ vẩn”!

Nhiều người tự đi mua thuốc để uống hoặc sử dụng các loại thuốc y học dân tộc để chữa bệnh dị ứng mà không biết rằng bệnh dị ứng có thể chuyển sang các hình thức nguy hiểm hơn. Ví dụ, bệnh dị ứng rinit nếu không chữa trị kịp thời có thể dẫn đến bệnh hen phế quản. Vì vậy, một khi bị dị ứng, nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để xử lý càng sớm càng tốt. 

Một liệu pháp được sử dụng khá phổ biến hiện nay là tiêm chủng chống dị ứng. Bản chất của liệu pháp này là đưa một hàm lượng thấp các tác nhân gây dị ứng vào cơ thể theo một sơ đồ nhất định, với hàm lượng ngày càng cao để giảm khả năng nhạy cảm của cơ thể đối với tác nhân gây dị ứng. Từ đó, trong cơ thể sẽ hình thành các chất kháng thể có tác dụng bảo vệ chống lại các tác nhân gây dị ứng. Liệu pháp này mất từ 3 năm đến 5 năm.

Một thành công về áp dụng công nghệ gene để chế tạo các tác nhân dị ứng chữa bệnh do các nhà khoa học Australia đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công, hoàn toàn loại bỏ được tác dụng phụ và có tác dụng chữa bệnh dị ứng nhanh.