Những điểm sáng le lói

ANTĐ - Sự ảm đạm của kinh tế toàn cầu tiếp tục được cảnh báo trên mạng tin “Project syndicate”, thể hiện trong một bài phân tích khẳng định thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức lớn cho dù đã có những dấu hiệu tích cực tại một số quốc gia.

Sự phục hồi của kinh tế Mỹ tạo triển vọng cho kinh tế toàn cầu

Trước hết là khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Bất chấp nỗ lực của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), các khó khăn cơ bản của liên minh tiền tệ này như tăng trưởng thấp, suy thoái tiếp diễn, mất sức cạnh tranh, gánh nặng nợ công và nợ tư nhân khổng lồ vẫn còn hiện hữu. Sự mệt mỏi với chính sách “thắt lưng buộc bụng” thể hiện rõ nét qua các cuộc bầu cử tại Italia vừa qua, các cuộc biểu tình lớn tại Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Giờ đây là bất ổn tại Cyrus liên quan đến việc giải cứu các ngân hàng bằng cách áp thuế tiền gửi tại quốc gia Địa Trung Hải này. 

Nhìn sang nền kinh tế thứ hai thế giới - Trung Quốc, sự lạc quan có phần giảm đi. Mấy năm nay, Trung Quốc luôn là “điểm sáng”, giúp bức tranh kinh tế toàn cầu bớt u ám. Tuy nhiên, mô hình phát triển kinh tế của Trung Quốc đang bộc lộ những điểm yếu, đó là tính không ổn định, mất cân bằng, thiếu sự phối hợp và không bền vững. Đất nước này vẫn đối mặt với nhiều khó khăn như sự mất cân bằng giữa các khu vực ven biển và trong nội địa, giữa nông thôn và thành thị, tình trạng bất bình đẳng thu nhập và khoảng cách giàu - nghèo ngày càng tăng, môi trường xuống cấp, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm...

Trong môi trường kinh tế toàn cầu ảm đạm đó, giới nghiên cứu nhận định Mỹ là một điểm sáng khi đang chứng kiến những xu hướng kinh tế tích cực: khu vực nhà đất đang phục hồi, dầu và khí đốt đá phiến sẽ giảm chi phí năng lượng và tăng sức cạnh tranh, việc làm đang nhiều lên do chi phí lao động tăng tại châu Á, và việc nới lỏng định lượng đang hỗ trợ cả nền kinh tế thực lẫn các thị trường tài chính. Các chuyên gia nhận định kinh tế Mỹ có thể đạt mức tăng trưởng 2,3% trong năm nay. 

Nhật Bản dưới sự chèo lái của Thủ tướng S. Abe cũng đang tạo ra hy vọng. Kể từ khi lên nắm quyền hồi cuối tháng 12-2012, ông S. Abe đã nhiều lần nhấn mạnh đến chính sách kinh tế “3 mục tiêu” được các chuyên gia gọi là “Abenomics” gồm: Nới lỏng tiền tệ tích cực, chi tiêu ngân sách linh hoạt và tập trung đầu tư cho khu vực tư nhân. Mục tiêu là từng bước đưa xứ sở “mặt trời mọc” quay lại quỹ đạo tăng trưởng vốn có. Theo dự báo mới nhất, Nhật Bản sẽ tăng trưởng 2,5% trong năm tài chính 2013-2014. Nếu điều đó trở thành hiện thực, đây sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 1997, Nhật Bản thoát khỏi tình trạng giảm phát GDP.

Những điểm sáng khác đang được chú ý là các nền kinh tế đang nổi lên như Malaysia, Philippines và 

Indonesia ở châu Á; Chile, Colombia và Pêru tại Mỹ Latinh; Kazakhstan, Azerbaijan và Ba Lan tại Đông Âu và Trung Á. Nếu không có trở ngại bất ngờ, các nền kinh tế trên có thể đạt những bước tiến bất ngờ, giúp cải thiện bức tranh chung của nền kinh tế thế giới. 

Tuy nhiên, kinh tế thế giới có thể tăng trưởng 3,5% trong năm nay (cao hơn so với mức tăng 3,2% năm 2012) như hy vọng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay không thì vẫn là điều chưa chắc chắn.