Những điểm mới đáng chú ý trong quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt vừa ban hành

ANTD.VN - Bắt đầu từ 15-6-2019 tới đây, các tỉnh, thành phố bắt buộc phải có bộ phận tiến hành kiểm tra chất lượng nước của các đơn vị cấp nước sạch sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn theo từng quý, đồng thời các Viện của Bộ Y tế cũng sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất.

Phải tăng tính chủ động của các địa phương và trách nhiệm của các đơn vị cấp nước sạch

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 41/2018/TT-BYT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Quy chuẩn này có hiệu lực từ 15-6-2019, thay thế QCVN 01: 2009/BYT và QCVN 02:2009/BYT.

Nội dung quan trọng tại Quy chuẩn mới này là từ ngày 15-6-2019, các Viện chuyên ngành thuộc Bộ Y tế có trách nhiệm báo cáo tình hình chất lượng nước sạch của các tỉnh trong địa bàn phụ trách theo định kỳ 6 tháng/lần;

Đồng thời, Sở Y tế các tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm tra, giám sát chất lượng nước. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh/ thành phố đột xuất kiểm tra chất lượng nước sạch của các đơn vị cấp nước sạch cho các hộ gia đình định kỳ theo quý.

Bên cạnh kiểm tra định kỳ, các cơ quan thực hiện ngoại kiểm chất lượng nước sạch sinh hoạt trên địa bàn phải thực hiện ngoại kiểm đột xuất khi thấy có nghi ngờ về chất lượng nước thành phẩm qua theo dõi báo cáo tình hình chất lượng nước định kỳ, đột xuất từ đơn vị cấp nước; hoặc ngoại kiểm đột xuất khi có các phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân về chất lượng nước, khi xảy ra sự cố môi trường có thể ảnh hưởng đến chất lượng nước, hay khi điều tra dịch tễ cho thấy nguồn nước có nguy cơ bị ô nhiễm…

Đặc biệt, trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày có kết quả ngoại kiểm chất lượng nước sạch, cơ quan thực hiện kiểm tra chất lượng nước phải thông báo cho các đơn vị cấp nước được ngoại kiểm, công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan thực hiện ngoại kiểm để người dân cùng biết và theo dõi.

Theo đại diện Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế, điểm thay đổi lớn nhất của Quy chuẩn mới so với 2 bộ quy chuẩn đang áp dụng hiện nay (QCVN 01: 2009/BYT và QCVN 02:2009/BYT) là nó bao gồm nhóm chỉ tiêu bắt buộc do Bộ Y tế ban hành và nhóm chỉ tiêu bắt buộc do UBND tỉnh/thành phố ban hành tùy từng địa phương.

Một điểm mới nữa là quy định này căn cứ áp dụng phương pháp thử theo tiêu chuẩn quốc gia mới ban hành, tránh tình trạng phải liên tục sửa đổi quy chuẩn khi phương pháp thử được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

Trên cơ sở đó, Quy chuẩn mới vừa được Bộ Y tế ban hành sẽ xóa bỏ sự bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn nước, tăng tính chủ động của các địa phương và vai trò, trách nhiệm của các cơ sở cung cấp nước trong đảm bảo an toàn cấp nước.

Được biết, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đặt mục tiêu đến năm 2020 tỷ lệ các hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định trên cả nước là trên 95%, trong đó nước sạch theo quy định là trên 60%. Mục tiêu Phát triển bền vững của Việt Nam đưa ra đến năm 2030 chấm dứt đi vệ sinh ngoài trời, 100% số hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh.