Những đề xuất về Nga và Trung Quốc tại G7 sẽ ra sao?

ANTĐ - Theo Forbes, với tư cách là Chủ tịch luân phiên của Hội nghị Thượng đỉnh các nước công nghiệp phát triển G7 năm nay, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe được dự đoán sẽ đưa ra 2 đề xuất đáng chú ý nhất. Một là tuyên bố chung lên án sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông; hai là kết nạp lại Nga vào nhóm G7.

Forbes đánh giá, đề xuất thứ nhất của ông Abe sẽ dễ dàng nhận được sự đồng thuận của G7 bởi hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông đang gây lo ngại không chỉ cho khu vực mà còn cho cả cộng đồng thế giới.

Trong cuộc họp báo chung, ông Abe nói rằng các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông “phải theo đúng luật pháp quốc tế”, và rằng không thể khẳng định chủ quyền bằng việc “đe dọa” các nước khác, hay “đơn phương thay đổi nguyên trạng” ở vùng biển tranh chấp. Còn Tổng thống Obama cho rằng Mỹ và Nhật “mong muốn đạt được giải pháp hòa bình đối với các tranh chấp” và việc xử lý “hoàn toàn nằm trong tầm tay của Trung Quốc”.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã dẫn dắt cuộc thảo luận về tình hình hiện nay ở Biển Đông và biển Hoa Đông. “Các lãnh đạo G7 khác nói rằng G7 cần phải phát đi một tín hiệu rõ ràng”, Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hiroshige Seko, hôm 26-5 nói với các phóng viên sau một phiên họp về chính sách đối ngoại, theo Reuters.

Ông Abe cho biết Nhật Bản hoan nghênh sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc, trong khi lặp lại sự phản đối của Tokyo với các hành vi cố gắng thay đổi hiện trạng bằng vũ lực và kêu gọi tôn trọng các nguyên tắc của pháp luật, những nguyên tắc này dự kiến được đề cập trong một tuyên bố sau hội nghị.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk hôm 26-5 nói rằng nhóm G7 cần phải có “quan điểm cứng rắn và rõ ràng” về các tuyên bố chủ quyền gây tranh cãi của Trung Quốc. Trước đó, Thủ tướng Anh David Cameron khuyến cáo Bắc Kinh nên tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc về vụ kiện của Philippines.

Trước những lời chỉ trích của cộng đồng quốc tế, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cảnh báo những tuyên bố của G7 có thể khiến tình hình Biển Đông trở nên xấu đi. Ông Vương nói rằng các thành viên của nhóm các quốc gia phát triển cần phải duy trì quan điểm “công bằng và bất thiên vị, thay vì nước đôi hay có tư tưởng liên minh” trong vấn đề tranh chấp. Ông Vương Nghị vẫn khăng khăng không muốn giải quyết vấn đề Biển Đông bằng con đường đối thoại đa phương mà thay vào đó là các cuộc đàm phán song phương giữa Trung Quốc và nước có liên quan.

Đối với đề nghị thứ hai của ông Abe về việc kết nạp lại Nga vào G7 có lẽ sẽ khó khăn hơn. Nga bị loại khỏi nhóm trước đây từng được biết đến với cái tên G8 sau khi sáp nhập Crimea. Phương Tây cáo buộc Nga gửi lực lượng quân sự tới đông Ukraine để hỗ trợ phe ly khai. Moscow bác lại cáo buộc này và cho rằng bất cứ lính Nga nào ở đây đều là những người tình nguyện.

Hiện nhiều người lo ngại Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tăng cường gây áp lực quân sự ở Ukraine, và Nga đã đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ và các nước châu Âu. Đức, Anh và Mỹ muốn có một thỏa thuận nhằm hỗ trợ cho bất cứ nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nào đang bị “dụ dỗ” ngừng ủng hộ các lệnh trừng phạt Moscow. Trong một buổi trả lời báo Corriere della Sera của Italy, ông Putin nói Nga không phải là một mối đe dọa và “có việc khác đáng bận tâm hơn”. “Chỉ có một kẻ điên và chỉ trong mơ mới có thể hình dung Nga sẽ đột nhiên tấn công Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)”.

Trên thực tế, ông Abe đã bắt đầu đề cập đến vấn đề này ngay sau khi Nhật Bản đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên của G7. Mỹ không đồng tình với đề xuất này. Trong cuộc hội đàm hôm 9-2 vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã yêu cầu ông Abe không tiếp tục theo đuổi mục tiêu trên.

Tuy nhiên, bất chấp yêu cầu từ phía Mỹ, ông Abe vẫn quyết tâm thúc đẩy việc kết nạp Nga. Ông Abe giải thích lý do ông kiên trì thúc đẩy 2 đề xuất trên bởi lẽ mục tiêu của Chính phủ Nhật Bản là cải thiện các mối quan hệ với Nga nhằm cân bằng và tạo hàng rào chống lại sự trỗi dậy hung hăng của Trung Quốc trong khu vực.

Ngoài ra, Forbes nhận định, ông Abe cũng đang hướng tới một quyền tự chủ hơn về chiến lược và chính sách đối ngoại độc lập chứ không chỉ phụ thuộc vào liên minh Mỹ - Nhật. Trong khi đó, Washington cũng như G7 chưa muốn bỏ lệnh trừng phạt Nga về vấn đề Ukraine. Các biện pháp trừng phạt đối với Moscow sẽ hết hạn vào cuối tháng 6 tới, nhưng chắc chắn sẽ được tiếp tục. Đức, đất nước có quan hệ kinh tế mạnh mẽ nhất với Nga trong số các thành viên G7 đã thẳng thừng tuyên bố không có ý định kết nạp lại Nga vào G7.