Những dấu hiệu của bệnh tim không dễ nhận ra

ANTĐ - Đôi khi cơ thể cung cấp manh mối không dễ phát hiện để bạn có thể nhận ra có gì đó không ổn với trái tim mình. Dưới đây là một số dấu hiệu rất đáng tham khảo trước khi gặp bác sỹ tim mạch nhằm tìm ra nguyên nhân xác đáng.

Những dấu hiệu của bệnh tim không dễ nhận ra ảnh 1

Mệt mỏi cùng cực

Tình trạng được đề cập không phải là vẻ thiếu ngủ mệt mỏi mà là sự kiệt sức, giống như bị cảm cúm lâu mà không chút thuyên giảm. Đây có thể là dấu hiệu của bệnh tim vì sức khỏe đi xuống do thiếu oxy. Khi đó, trái tim căng thẳng và khó có thể cung cấp đủ oxy cho cơ thể. Tuy nhiên, cảm giác mệt mỏi vì nhiều lý do nên nếu đây là triệu chứng duy nhất, hãy tìm gặp bác sĩ để có thể kết luận bạn có vấn đề về tim không.

Chân sưng 

Chân đột nhiên sưng lên có thể do một loạt lý do: Phụ nữ thời kỳ mang thai, người bị giãn tĩnh mạch hoặc bị hạn chế di chuyển. Một số thuốc chống huyết áp và bệnh tiểu đường cũng khiến chân bị sưng. Tuy nhiên, đó cũng có thể là một dấu hiệu của suy tim, nhưng thường đi kèm với các triệu chứng khác như khó thở, mệt mỏi.

Đau đớn khi đi bộ

Nếu phần cơ hông và chân bị chuột rút khi bạn leo trèo, đi bộ hoặc vận động, sau đó cảm thấy tốt hơn khi nghỉ ngơi, đừng cho đó là do tuổi già hoặc do thiếu vận động mà hãy nghĩ đến dấu hiệu của bệnh động mạch ngoại biên, còn được gọi là PAD. PAD là sự tích tụ chất béo tạo thành mảng bám trong động mạch. Với người bị PAD, 50% khả năng bị tắc nghẽn trong động mạch tim và rất khó chữa khỏi.

Chóng mặt hoặc choáng váng

Ai đó đang vận động mạnh, họ có thể thấy choáng váng hay chóng mặt, rất có thể do tình trạng mất nước hoặc do “đứng dậy quá nhanh”. Nhưng nếu hiện tượng đó xảy ra một cách thường xuyên, hãy gặp bác sĩ để xem liệu có phải do tác dụng phụ của thuốc, các vấn đề tai trong, thiếu máu, hoặc không loại trừ vấn đề về tim, bởi cảm giác đầu óc quay cuồng đó xảy ra khi động mạch tắc nghẽn gây giảm huyết áp hoặc lỗi van tim khiến huyết áp không ổn định.

Thở nông mặc dù tập thể dục đều

Mặc dù có người tập luyện tích cực nhưng vẫn cảm thấy đứt hơi khi đi bộ lên cầu thang. Tại sao vậy? Đó có thể là do bạn bị hen suyễn, thiếu máu, nhiễm trùng, hoặc trường hợp hiếm hoi là có vấn đề với van tim hoặc khả năng bơm máu. Một khi các van hoạt động ổn định, chất lỏng không bị tích tụ trong phổi thì ai cũng thở dễ dàng hơn.

Đau nửa đầu

Nghe có vẻ không mấy liên quan nhưng trong một số trường hợp, chứng đau nửa đầu thường xuyên là tín hiệu cho biết có gì đó không đối với trái tim. Đau nửa đầu xảy ra ở 12% dân số nói chung, nhưng con số đó tăng lên khoảng 40% ở những bệnh nhân tim mạch. Mặc dù chưa làm rõ cơ chế nhưng nhiều nghiên cứu phát hiện ra rằng sự xuất hiện của chứng đau nửa đầu có liên quan đến một số bất thường về tim.

Tim đập mạnh khi ngủ

Một số bệnh nhân bị lỗi van tim có thể nghe thấy nhịp tim đập mạnh khi họ cố đi vào giấc ngủ. Dù chỉ cần thay đổi tư thế để điều chỉnh âm thanh này nhưng cũng không nên bỏ qua. Nhịp tim đập mạnh cũng có thể là dấu hiệu của huyết áp thấp, hạ đường huyết, thiếu máu, tác dụng phụ của thuốc hay mất nước...

Cùng lúc lo lắng, toát mồ hôi và buồn nôn

Đây là những triệu chứng điển hình của sự hoảng loạn nhưng cũng là triệu chứng đau tim. Nếu các triệu chứng này xuất hiện sớm, sau đó đi kèm với đột ngột khó thở, mệt lả hoặc kèm theo đau, tức ngực rồi lan tới lưng, vai, cánh tay, hãy đi cấp cứu ngay lập tức. Người bị đau tim chỉ cần 5 phút là có thể thay đổi cơ hội sống sót. Trong thực tế, những người đến bệnh viện trong vòng một giờ sau khi xuất hiện triệu chứng đau tim có tỷ lệ sống cao hơn so với những người chần chừ.