Những dấu hiệu của bệnh máu trắng

ANTĐ - Nhiều người vô tình qua kết quả xét nghiệm máu mới biết bị bệnh bạch cầu (tên khoa học là Leukemia) - một bệnh ung thư ngấm ngầm của tế bào máu và tủy xương. Vì chẩn đoán phát hiện bệnh sớm rất quan trọng nên cần nắm rõ những dấu hiệu thường hay bị bỏ qua sau đây:

Đau sâu trong xương, khớp. Là một trong những dấu hiệu bệnh máu trắng nhưng dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Người bệnh có cảm giác đau nhói hoặc đau âm ỉ khi tủy xương mở rộng do sự tích tụ của các tế bào bạch cầu bất thường trong tủy. Vị trí hay bị đau nhất là xương chân và cánh tay.

Đau đầu. Bệnh bạch cầu đặc biệt nghiêm trọng thường gây ra những cơn đau đầu  khủng khiếp và lâu dài. Một số bệnh nhân bệnh bạch cầu thường bị đau đầu kèm với đổ mồ hôi hoặc đau đầu đến “xanh cả người”. Lý do: Lưu lượng máu đến não và tủy sống bị hạn chế khi mạch máu teo lại, nên gây ra chứng đau nửa đầu.

Khối u bất thường hoặc sưng hạch bạch huyết. Số lượng bạch cầu khỏe mạnh thấp làm giảm khả năng ứng phó của cơ thể đối với nhiễm trùng, dẫn đến sưng các tuyến và hạch bạch huyết, trong khi tế bào bệnh bạch cầu có thể tăng lên. Từ đó, người bệnh xuất hiện khối u màu xanh hoặc tím nhưng không đau ở một số khu vực cổ, bụng, trong nách hoặc vùng háng. Cách phân biệt những cục u với các nốt sưng do nhiễm trùng là các khối u thường kéo dài hơn 1 tuần.

Yếu và mệt mỏi. Khi số lượng tế bào hồng cầu giảm, chúng không thể đảm nhiệm việc mang ôxy đi khắp cơ thể. Kết quả là người bệnh sẽ thiếu máu, mệt mỏi, triệu chứng thường gặp là yếu cơ, thiếu năng lượng, hay buồn ngủ, phải thường xuyên nghỉ hoặc ngồi xuống, khó thực hiện các sinh hoạt bình thường. 

Dễ chảy máu và bầm tím. Một số bệnh nhân bị bệnh bạch cầu thường xuất hiện các cụm đốm đỏ hoặc tím nhỏ, dễ nhầm lẫn như phát ban nhưng thực chất đó là các mạch máu bị vỡ do số lượng tiểu cầu thấp. Cũng vì nguyên nhân này, những người khác lại bị bầm tím hoặc chảy máu không rõ nguyên nhân. Hiện tượng chảy máu cần chú ý là vết đứt không lành, chảy máu cam thường xuyên không rõ nguyên nhân, chảy máu lợi ngay cả khi không có bệnh nướu răng và phụ nữ có kinh nguyệt kéo dài bất thường.

Thường xuyên sốt và nhiễm trùng. Bệnh bạch cầu mãn tính hay cấp tính đều giảm khả năng miễn dịch của cơ thể, thường gây ra sốt hay nhiễm trùng nhiều hơn bình thường. Bởi vì các tế bào ung thư máu phát triển rất nhanh, lấn át các tế bào bạch cầu bình thường nên khi thiếu tế bào bạch cầu khỏe mạnh, cơ thể mất đi những “chiến binh” chống lại tác nhân bên ngoài.

Thở bất thường. Khi không có đủ ôxy lưu thông trong máu, người bệnh cảm thấy khó thở. Một số người luôn phải thở gấp, trong khi số khác cảm thấy dù thở sâu thế nào vẫn bị thiếu ôxy. Người ta cũng có thể nhận thấy hơi thở nhanh hơn bởi cơ quan hô hấp đang làm việc tích cực hơn giúp cơ thể có đủ không khí để thở.

Đau hoặc sưng bụng. Khi bệnh bạch cầu cấp tính tiến triển, nó có thể gây sưng gan hoặc lá lách, triệu chứng thường gặp là đau bụng hoặc cảm giác đầy bụng dưới xương sườn. Tuy nhiên, cũng có một số người bị đau vùng thắt lưng. Buồn nôn, nôn và mất cảm giác ngon miệng cũng liên quan đến sưng gan hoặc lá lách.