Những cuốn sách lan tỏa tình yêu Tổ quốc

ANTĐ - Chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975/30-4-2015); hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, hôm qua, 22-4, Nhà xuất bản Công an nhân dân giới thiệu tới đông đảo bạn đọc 2 cuốn sách: “Những ngày ở chiến trường - tập 3” và Tuyển tập “Những lá thư thời chiến Việt Nam”. Hai cuốn sách là những tư liệu quý hấp dẫn người đọc.

Những cuốn sách lan tỏa tình yêu Tổ quốc ảnh 1Hai cuốn sách vừa được NXB Công an Nhân dân giới thiệu tới độc giả

Chân dung những anh hùng

“Những ngày ở chiến trường” là cuốn sách tập hợp những bài viết của nhiều tác giả, đã đăng tải báo chí trong thời gian gần đây. Hầu hết các bài viết tập trung khai thác nhân vật - chân dung những cán bộ Công an chi viện cho chiến trường miền Nam cùng  những đóng góp của lực lượng Công an nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Đại tướng Trần Đại Quang - Bộ trưởng Bộ Công an đã viết lời giới thiệu cho cuốn sách và chia sẻ cùng bạn đọc: “Tôi thật sự xúc động trước những tình cảm ấm áp nghĩa tình của các bác, các cô chú, anh, chị dành cho đồng đội đã từng sẻ chia gian khổ hy sinh, sống chết có nhau trên chiến trường năm xưa; những nghĩa cử đó làm đẹp thêm hình ảnh nhân văn người cán bộ, chiến sĩ Công an, củng cố lòng  tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và lực lượng Công an nhân dân, xứng đáng để các thế hệ trẻ trong Công an ngưỡng mộ học tập”.

Từ năm 1959 đến tháng 4-1975, Bộ Công an đã chi viện hơn 11.000 cán bộ cho An ninh miền Nam, lực lượng này đã luôn tỏ rõ lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc, hết sức phục vụ nhân dân, lăn lộn bám sát phong trào quần chúng, nhanh chóng hòa nhập với cán bộ tại chỗ, nêu những tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, anh dũng kiên cường, không tiếc máu xương, hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc, lập nhiều chiến công xuất sắc. Đồng chí Cao Đăng Chiếm, Phó trưởng  Ban Bảo vệ An ninh Trung ương Cục đã khẳng định: “Một trong những nguyên nhân thắng lợi của lực lượng An ninh miền Nam là sự chi viện toàn diện của lực lượng Công an nhân dân, của Đảng và lãnh đạo Bộ Công an”.                    

                                                                          

Cuốn sách tái hiện rõ nét chân dung những Anh hùng, những cán bộ Công an từng chiến đấu trong chiến trường miền Nam năm xưa: Anh hùng Nguyễn Tài, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an,  nguyên Ủy viên Thường vụ, Trưởng  Ban An ninh thành phố Sài Gòn những ngày đầu giải phóng, một cán bộ Công an lão thành được bộ đội ta giải thoát đúng trưa ngày 30-4-1975; Anh hùng Nguyễn Đình Bảy (tức Nguyễn Thành Khiêm - Bảy Khiêm), nguyên Trưởng ty Công an tỉnh Bình Trị Thiên; Anh hùng, liệt sỹ Nguyễn Văn Y (tức Năm Trà), nguyên Quyền Trưởng ban An ninh Khu VIII (Trung Nam bộ); Thiếu tướng Phan Văn Lai, nguyên Chánh văn phòng Ban An ninh khu Trị Thiên - Huế, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL CAND; Trung tướng Lê Ngọc Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL CAND… Bên cạnh đó, sách còn có những dòng hồi ký, nhật ký chân thật về trận đấu khốc liệt, những nỗi vất vả gian lao nơi chiến trường của các cán bộ Công an trong những ngày mưa bom bão đạn.

Những “báu vật” mang màu thời gian

Để có được cuốn sách dày gần 1.000 trang, nhà thơ Đặng Vương Hưng đã mất trọn 10 năm tìm kiếm, sưu tầm tư liệu và không phụ lòng tác giả, tuyển tập “Những lá thư thời chiến Việt Nam” luôn là tác phẩm được nhiều người tìm đọc. 

Với Đặng Vương Hưng, nghề làm báo đã giúp anh đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, để tìm hiểu nhiều sự kiện và nhân chứng... Công việc viết văn đã giúp anh “ngộ” ra một điều: Đôi khi, chính những trang thư, nhật ký, ghi chép... tưởng chừng rất đỗi riêng tư, lại mang đến cho chúng ta những thông tin và tư liệu cực kỳ quý báu; chúng có thể gợi mở biết bao điều về đời sống tinh thần, vật chất và cả văn hoá của xã hội trong quá khứ; góp phần lý giải những bí mật của lịch sử, làm cho cuộc sống hiện tại và tương lai của chúng ta tốt đẹp hơn.

Thực ra, viết thư không phải là làm văn, mà trước hết đó chính là cuộc đời. Không có một người nào khi đặt bút viết những dòng chữ ấy lại nghĩ rằng, sau mấy chục năm nữa chúng sẽ được in thành sách và họ trở thành  tác giả... Bởi thế, tất cả đều chân thực và sinh động đến lạ kỳ... Ngày nay, công nghệ số hóa cho phép người ta chỉ cần vài thao tác đơn giản trên máy tính, hoặc điện thoại thông minh là có thể gửi thư cho nhau cách xa hàng vạn cây số. Và trong thư không chỉ có nội dung những con chữ, mà còn cả hình ảnh, âm thanh sống động của người thân… Có lẽ thế mà những lá thư viết tay, đặc biệt nhất là “Những lá thư thời chiến Việt Nam” trở nên đặc biệt giá trị, dù bao năm qua đi từng trang giấy đều đã ngả màu thời gian. 

Nhà văn Lê Thị Bích Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng chia sẻ, cuốn sách luôn mang thông điệp về cái đẹp, có giá trị rất cao về nội dung tư tưởng và mang tính nhân văn sâu sắc; đây cũng là cơ hội để bạn đọc trẻ tuổi tiếp cận, tìm hiểu và tự hào về thế hệ cha ông mình.