Những cuộc chạy đua trên cung đường huyết mạch 12 cây số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Cầu Thanh Trì và đường vành đai trên cao, cung đường dài 3 km bắc qua sông Hồng này đáp ứng nhu cầu lưu thông lớn của các loại phương tiện từ container đến…xe đạp. Càng huyết mạch, thì áp lực dội lên vai lực lượng thực thi nhiệm vụ đảm bảo TTATGT càng nhiều.

Cầu Thanh Trì với điểm đầu từ địa bàn huyện Gia Lâm, xuôi vào nội thành đến đoạn giao cắt đường vành đai trên cao với Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) - chiều dài 12 km - là cung đường huyết mạch, do đội CSGT số 14 – Phòng CSGT CATP Hà Nội đảm trách nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, phân luồng và xử lý tai nạn. Đây cũng là tuyến cầu – đường với lưu lượng phương tiện lớn nhất trong các tuyến cầu – đường cửa ngõ của thành phố.

Sự cố TNGT tự gây xảy ra lúc 1h20 ngày 9-11, ngay lối dẫn vào cầu Thanh Trì

Sự cố TNGT tự gây xảy ra lúc 1h20 ngày 9-11, ngay lối dẫn vào cầu Thanh Trì

Tháng 1-2007, cầu Thanh Trì được đưa vào khai thác, và cùng với đường vành đai trên cao, cung đường dài 3 km bắc qua sông Hồng này đáp ứng nhu cầu lưu thông lớn của các loại phương tiện từ container đến…xe đạp. Càng huyết mạch, thì áp lực dội lên vai lực lượng thực thi nhiệm vụ đảm bảo TTATGT càng nhiều. Nói như cán bộ, chiến sỹ đội CSGT số 14, thì đó thực sự là những cuộc đua: đua giải quyết nhanh nhất các sự cố; đua để đường thông thoáng nhanh nhất; và đua, để người dân giảm tối đa hệ lụy do ùn tắc.

Một cuộc đua điển hình

1h20 ngày 9-11, chuông điện thoại trực ban đội CSGT số 14 đổ dồn. Đầu dây bên kia, tiếng nam giới hốt hoảng: “Các anh ra cầu Thanh Trì, có xe container bị lật”.

Không bất ngờ với những cuộc điện thoại báo tin vào giờ này, xác minh đúng sự cố tai nạn, bộ phận khám nghiệm của đội CSGT số 14, gồm Thiếu tá Nguyễn Cao Cường, Đại úy Nguyễn Văn Kết và Thượng úy Nguyễn Đình Tin, nhanh chóng sắp xếp phương tiện, đến hiện trường cùng chỉ huy đội phụ trách ca trực.

Sự cố ảnh hưởng một chiều đường cầu Thanh Trì

Sự cố ảnh hưởng một chiều đường cầu Thanh Trì

Vừa nhìn thấy hình ảnh đầu tiên của vụ tai nạn, các chiến sỹ CSGT hiểu phần nào trạng thái tâm lý của người báo tin trước đó ít phút. Trong ánh sáng nhờ nhờ của đèn cầu, 1 chiếc xe đầu kéo nằm vắt trên cầu và “thòng” xuống đường gom. Sát đó, cả hệ thống thép giá long môn đầu cầu Thanh Trì bị kéo sập. Những khối thép to hơn đùi người lớn, cùng chiếc xe siêu trường như trực đổ, đè các phương tiện qua lại.

“Đây là sự cố nghiêm trọng, và có thể nói hiếm gặp trong nhiều năm qua tại khu vực cầu Thanh Trì”, Thiếu tá Phùng Quang Hưng – Đội phó đối CSGT số 14 nhớ lại.

“Cuộc đua” hôm ấy kéo dài hơn 12 tiếng đồng hồ, suốt từ 1h20 đến 15h30 cùng ngày, chiếc xe siêu trường cùng hệ thống giá long môn mới được “gỡ” khỏi cầu Thanh Trì, di chuyển về kho để phục vụ công tác điều tra, xử lý. Trong từng ấy thời gian, đồng bộ các biện pháp, phương án được triển khai: khoanh vùng, bảo vệ hiện trường phục vụ khám nghiệm; phân luồng giao thông tại chỗ và từ xa, đặc biệt hướng dẫn người, phương tiện tránh xa vùng nguy hiểm; rồi gọi đội cứu hộ chuyên xử lý cẩu kéo “khủng long” thép để trả lại tuyến đường thông thoáng.

Hai xe cẩu kéo chuyên dụng được huy động đến hiện trường

Hai xe cẩu kéo chuyên dụng được huy động đến hiện trường

“Không công đoạn nào nhàn, áp lực chia đều lên các tổ, chốt làm nhiệm vụ. Suốt 12 tiếng đồng hồ, anh em tranh thủ tối đa thực hiện nhiệm vụ, người này mệt lập tức bố trí cán bộ, chiến sỹ thay thế, tuyệt đối không để đứt đoạn quy trình nào”, chỉ huy đội CSGT số 14 kể. Song, để “bật” lên là “cuộc đua” mang tính điển hình, chính là quá trình khoan cắt, tách cẩu hệ thống giá long môn rời khỏi xe container kéo rơ-moóc, rồi nhấc thân xe từ đường gom lên xe cẩu để di chuyển khỏi hiện trường. Sự cố tai nạn tự gây may mắn chỉ khiến 1 phụ lái bị gãy xương quai xanh, nhưng nó gây hệ lụy cực lớn: ùn ứ gần 10 tiếng đồng hồ của tuyến huyết mạch; và thiệt hại cả trăm triệu đồng do hỏng hệ thống giá long môn bằng thép của cầu Thanh Trì!

Mỗi phút, mỗi giờ trôi qua là càng thêm áp lực đối với các lực lượng xử lý sự cố, ở mọi bộ phận. Ùn ứ chỉ là một phần áp lực. Hơn cả, là mối nguy từ khối thép hàng tấn không biết có thể đổ sập, rơi lăn bất cứ lúc nào. Chỉ khi lần lượt những đeo bám kim loại khổng lổ được tách, kéo, chuyển, áp lực mới dần vơi.

Hệ thống giá long môn bị kéo sập

Hệ thống giá long môn bị kéo sập

15h30 ngày 9-11, “cuộc đua” kết thúc. Tuyến huyết mạch cầu Thanh Trì – đường vành đai 3 thông thoáng. Bước sang ngày mới 10-11; hồi 4h30, một xe container trong khi di chuyển trên cầu Thanh Trì hướng vào nội thành, đột nhiên bốc cháy. Và, lại không thể thiếu những bóng áo vàng của đội CSGT số 14…

“Chiếc áo chật” và mong ước ý thức, sự cẩn trọng của người tham gia giao thông

Cho đến thời điểm này, Thanh Trì là một trong những cây cầu có nhiều cái “nhất” trong các cây cầu ở Hà Nội. Ngoài chiều dài, Thanh Trì có 2 chiều lưu thông, mỗi chiều có tới 3 làn gồm 2 làn dành cho xe ô tô, 1 làn dành cho hỗn hợp ô tô, mô tô và cả xe đạp. Cây cầu này hàng ngày “đón” – không hạn chế khung giờ - cả xe khách lẫn phương tiện siêu trường, siêu trọng. Và cũng cho đến thời điểm này, có lẽ chưa cơ quan chức năng nào đưa ra thống kê đầy đủ về lưu lượng phương tiện qua lại mỗi ngày. Chỉ huy đội CSGT số 14 nhắc lại đúc kết của nhiều chuyên gia giao thông, đó là: “Cầu Thanh Trì đang như chiếc áo quá chật”.

Lực lượng CSGT phân luồng giao thông sự cố tai nạn ở đường vành đai trên cao

Lực lượng CSGT phân luồng giao thông sự cố tai nạn ở đường vành đai trên cao

Cung đường 12 cây số tính cả đường vành đai trên cao này, mỗi ngày “hút” của đội CSGT số 14 nhiều ca, kíp, với bình quân ít nhất 4 cán bộ chiến sỹ và 3 phương tiện mô tô, xe cẩu kéo. Nhiệm vụ các tổ là tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm, hướng dẫn – phân luồng, và giải quyết các sự cố tai nạn.

Đường đẹp, cầu to là vậy, nhưng chỉ khẽ đụng sự cố giữa các phương tiện, là ùn, là tắc. Cán bộ chiến sỹ Đội CSGT số 14 chia sẻ, áp lực môi trường tác động sức khỏe, các anh quen và chịu được! Vi phạm của phương tiện khi bị phát hiện, thì đã có chế tài đủ sức răn đe. Nhưng “ám ảnh” nhất vẫn là các tình huống tai nạn - “tháng nào cũng có”, - như Thiếu tá Đội phó Phùng Quang Hưng thống kê.

Khác với các lực lượng trong CAND, mọi phần việc giải quyết sự cố TNGT, từ khám nhiệm hiện trường, phân luồng, di chuyển cẩu kéo…đều diễn ra ngoài trời trong bối cảnh áp lực giao thông tại chỗ, xung quanh và từ xa cực lớn. Đó là chưa kể những hôm nắng gắt hay mưa giông tầm tã. Thời tiết… không khoan thư trước yêu cầu, đòi hỏi về tính chính xác, khẩn trương của công tác khám nghiệm, xử lý tai nạn. Thêm vào đó là áp lực chờ đợi, mong ngóng của người và phương tiện ở 2 đầu điểm xảy tai nạn. Mà ở đây, sự cố 12 tiếng đồng hồ hôm 9-11 là minh chứng!

“Chiếc áo chật” Thanh Trì, để rộng hơn, thoáng hơn, là thẩm quyền, trách nhiệm, phương án của các cơ quan quản lý Nhà nước. Song trước mắt là nhiệm vụ đã, đang và sẽ phải làm và làm thật tốt, với riêng đội CSGT số 14. Áp lực đã quen. Mọi quy trình đã thuần thục. Mong muốn, suy nghĩ nhiều nhất của những người lính mang quân phục lúa chín, là mỗi người dân khi tham gia giao thông nói chung, qua cầu Thanh Trì và đường vành 3 trên cao nói riêng, luôn cẩn trọng và có ý thức tốt chấp hành pháp luật giao thông. Làm được điều đó, trước hết, chính mỗi người sẽ có được sự bình yên, an toàn…