Những cung bậc vui-buồn

ANTĐ - Một vòng quay 365 ngày đã trôi qua. Tờ lịch cuối cùng của năm 2013 đã kết thúc sứ mệnh của mình. Nhìn lại 1 năm văn hóa với đủ những cung bậc vui buồn, trầm lắng, thăng hoa và hy vọng…

Nhà Lang ở Không gian Văn hóa Mường sau đám cháy và thời điểm chưa cháy

Thật giả lẫn lộn

Năm qua đáng để kiểm kê nhất là chuyện cư xử giữa nghệ sĩ và nghệ sĩ. “Họa mi núi rừng” Siu Black không may lâm vào cảnh nợ nần chất chồng. Ca sĩ Phương Thanh cùng một số bạn bè đồng nghiệp của Siu đứng ra kêu gọi giúp đỡ chị cả về vật chất lẫn tinh thần. Gạt đi mọi nguyên nhân dẫn đến những bê bết về tiền bạc của Siu Black, mà hãy nhìn vào hành động của Phương Thanh và các đồng nghiệp. Đó chính là một kiểu sống đẹp mà không mấy ai làm được. Showbiz vốn đầy rẫy ghen ghét và bon chen, những đố kỵ và thị phi, người đi trước không may ngã đã có người đi sau vội vàng thế chỗ, mấy khi dìu nhau cùng đứng dậy.
 
Nếu mang ra mà cân đong đo đếm những ồn ào, thị phi thì làng giải trí trong năm qua cũng có thể gọi là… được mùa. Hết chuyện tố nhau giật chồng lại đến chuyện cởi đồ lộ clip sex. Văn hóa Á Đông vốn kín tiếng chuyện phòng the, nhưng ở showbiz Việt thì hình như chuyện tế nhị kia càng được kể (hoặc hình ảnh) đến với nhiều người thì ca sĩ - nghệ sĩ đó càng nổi tiếng. Thế mới có chuyện, cả hai ca sĩ cùng có tên viết tắt là Q.T.D đều nhận mình là nạn nhân trong một clip nude 100% khi ngủ. Ông bà ta xưa vẫn gọi hành động này là “hết khôn dồn đến dại”. Nhưng giờ giá trị nhiều khi đảo lộn. Nhận có khi lại nổi tiếng, và thực tế minh chứng có rất nhiều người đã “nổi tiếng oan” từ những chuyện nhạy cảm này.
Những cung bậc vui-buồn ảnh 2
Ca sĩ Phương Thanh nghĩa hiệp, cứu giúp bạn trong lúc hoạn nạn

Những vết sẹo khó lành

Mấy năm nay, ngành văn hóa bỏ việc bình chọn những tồn tại, gọi là “tồn tại” chính là cách nói giảm nói tránh rất tinh tế, chứ thực ra là những mặt chưa được. Không hiểu vì sao bỏ! Người thì giải thích nếu liệt kê tồn tại ra thì chả hóa nhiều hơn sự kiện tiêu biểu. Người có trách nhiệm hơn lại giải thích, là năm nào cũng có chừng ấy tồn tại, giải quyết mãi mà vẫn “tồn” nên thôi bỏ bình chọn đi cho đỡ… rắc rối và ngành nọ đỡ phải đổ “tại” ngành kia… Căng thẳng nhất trong số các tồn tại là các hoạt động lễ hội và tổ chức lễ hội. Vẫn cứ tranh cướp nhau vì “một miếng lộc thánh còn hơn gánh lộc trần”. Khi các hoạt động tu bổ kéo lùi niên đại của di tích tạm lắng dịu thì lại ồn lên chuyện đồ thờ và hiện vật mới theo đường công đức, cúng dường ngang nhiên ngự trong di tích, đánh đố các nhà nghiên cứu sử học về niên đại. Khi được hỏi, nhiều nhà quản lý vặn vẹo chân tay bảo: “Chả nhẽ, con cháu xa quê hương đã lâu, công danh thành đạt về cung tiến vào đình, vào chùa cái nọ cái kia gọi là báo công với tổ tiên,  không nhận thì không đành”. Thế là cái sự không đành kia đang gây dở dang nhiều thứ. Bỏ cũng dở mà để thì chướng mắt không chịu nổi. 

Nếu thống kê những mất mát lớn của ngành văn hóa trong năm hẳn sẽ phải kể đến chuyện cháy. Ban đầu là cháy ngôi nhà Lang trăm tuổi ở Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường, Hòa Bình. Chỉ do bất cẩn và thiếu tôn trọng nội quy bảo tàng, một số du khách đã thiêu rụi cả một không gian quý giá cùng với bao niềm tin, sự cố gắng bảo tồn những giá trị truyền thống của họa sĩ Vũ Đức Hiếu. 
Ấy thế rồi tiếp tục xảy cháy ở đền thờ Trung Túc vương Lê Lai thuộc quần thể Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh - Thanh Hóa. Lần này thì cháy sạch bách. Đến cái cột gỗ lim to cả người ôm cũng thành than. Lúc này không còn ai dám lên tiếng thanh minh rằng tôi đã làm tốt nhưng do “điều kiện khách quan” mà buộc phải thừa nhận rằng mình đã chủ quan và buông lỏng việc PCCC bấy lâu nay. Đền thờ Trung Túc vương Lê Lai nằm ở huyện Ngọc Lặc. Gọi được lực lượng cứu hỏa từ thành phố Thanh Hóa về đến nơi cũng phải mất cả tiếng đồng hồ. Đúng nghĩa đen của câu “nước xa không cứu được lửa gần”. Và đó cũng là một trong những điểm hở sườn của ngành Di sản khi thẩm duyệt nội dung tu bổ di tích mà thiếu các thiết kế về hệ thống bể, trụ trữ nước đề phòng rủi ro. 

Cũng không đến nỗi tệ như màn Táo quân của “Gặp nhau cuối năm” khi Táo Văn hóa phải báo cáo Ngọc Hoàng là “Một năm văn hóa buồn”. Trong câu chuyện văn hóa của năm có rất nhiều việc tốt, việc hay. Có rất nhiều cách cư xử đẹp, hành động đẹp. Cũng không đến nỗi bi quan khi nhìn đâu cũng thấy chuyện chưa hay. Nhưng rõ ràng, những chuyện chưa hay kia nó cứ như một vết sẹo. Nhìn vào lại thấy gai gai!