Những "cục sạn" lớn nhất ngành giáo dục Việt Nam

ANTD.VN - Chưa bao giờ, ngành giáo dục Việt Nam lại mang nhiều “tai tiếng” như thời gian gần đây. Những “tai tiếng” có thể nói là “để đời” của ngành giáo dục, từ giáo viên phạt học sinh theo kiểu “không thể nghĩ ra” đến gian lận thi cử rồi vấn nạn học thêm… Hàng loạt “cục sạn” lớn ấy cứ liên tiếp diễn ra khiến dư luận bức xúc, bất bình trong khi ngành giáo dục lại lúng túng chưa biết giải quyết thế nào?

Hạt sạn đánh dấu mốc “lịch sử” trong kỳ thi THPT Quốc gia

Có thể nói đây là một “hạt sạn” lớn nhất trong năm 2018 của ngành giáo dục, những sai phạm trong chấm thi THPT được xem là vụ gian lận chưa từng có trong lịch sử các kỳ thi quốc gia. Kỷ lục không hề vui vẻ này còn kéo theo hàng loạt những “kỷ lục” khác đến khó tin.

Những "cục sạn" lớn nhất ngành giáo dục Việt Nam ảnh 1 

Hàng lọat những vụ gian lận trong kỳ thi THPT Quốc gia được phanh phui

Theo thông tin trên báo VNN, hàng trăm bài thi tại Hà Giang được điều chỉnh điểm và điều hi hữu cũng xảy ra khi hàng loạt các thí sinh từ có điểm, đang là thủ khoa bỗng dưng trượt tốt nghiệp.

Trong khi Hà Giang chưa nguôi ngoai thì thông tin tiêu cực tại Sơn La ập đến. Chưa bao giờ những khâu của quá trình thi cử vốn tưởng được bảo mật và bảo vệ nghiêm ngặt nhất có thể, thực tế lại mong manh đến vậy. Ở Hà Giang, người ta sửa điểm bài thi bằng chút tinh vi kỹ thuật của khâu chấm thi thì ở Sơn La chẳng cần phải phức tạp đến thế, vì một số phiếu trả lời trắc nghiệm của các thí sinh có dấu hiệu bị sửa chữa.

Những "cục sạn" lớn nhất ngành giáo dục Việt Nam ảnh 2 

Rất nhiều quan chức ngành giáo dục dính líu đến bê bối “lớn nhất” lịch sử này

Đây có lẽ cũng là sự kiện mà nhiều quan chức của ngành giáo dục dính líu đến bê bối nhất trong lịch sử. Ở Hà Giang, Trưởng và Phó phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục của Sở đã bị khởi tố, bắt tạm giam. Ở Sơn La,  những người liên quan gồm có Phó Giám đốc Sở GD-ĐT và 4 chuyên viên, lãnh đạo phòng khảo thí, trường phổ thông đã bị gọi tên.

Năm 2018 cũng là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT xác định tăng cường hơn 4.000 cán bộ thanh tra, mỗi điểm là 2 người tại khoảng 2.000 điểm thi trên khắp cả nước. Tuy nhiên, thanh tra đã thực sự phát huy hết vai trò hay chưa thì còn là câu hỏi.

Có lẽ cũng chưa năm nào mà đến đợt đăng ký xét tuyển, thí sinh phải sử dụng điểm số “tạm” để chạy theo phần mềm.

Và rồi chuyện "dở khóc, dở cười" cũng sẽ diễn ra, khi thí sinh dù đã nhập học nhưng nếu điều tra phát hiện gian lận điểm thi, các em vẫn sẽ bị buộc thôi học. Và kỷ lục nhất, đó là chưa lúc nào ở một sự kiện giáo dục mà có sự chung tay vào cuộc của rất nhiều thầy giáo và học sinh trên mọi miền đất nước về những thông tin phản ánh tiêu cực một cách liên tục. 

Nạn dạy thêm tràn lan

Có lẽ chẳng có nơi đâu học sinh phải học tập cực khổ như nước ta. Cái cặp của học sinh tiểu học nặng đến oằn vai đã được cân đo đong đếm nhiều lần nhưng đâu lại vào đó.

Dạy thêm, học thêm từ lâu đã trở thành vấn đề nhức nhối, bị xã hội lên án. Từ hình thức dạy thêm công khai tại nhà, thậm chí mở cả trung tâm dạy thêm - luyện thi, đến hình thức dạy thêm "hợp thức" tại các "trung tâm", rồi dạy thêm "có giấy phép" ngay tại trường.

Những "cục sạn" lớn nhất ngành giáo dục Việt Nam ảnh 3 

Tuổi thơ của con trẻ gắn liền với “học” và “học” từ năm này qua năm khác chỉ vì học thêm

Hiện nay việc quản lý dạy thêm, học thêm đi vào vòng "luẩn quẩn", dư luận có nhiều ý kiến đa chiều: kẻ nói cấm, người nói không; kẻ nói lợi, người nói hại; kẻ nói chính đáng, người nói lạm dụng.

Và thế là không cần biết đúng sai, cả một xã hội lao vào học thêm chẳng khác gì thêm “sóng” đẩy “thuyển”. Dạy thêm, học thêm trở thành vấn nạn đầy nhức nhối. Bao nhiêu công văn nhắc nhở, chấn chỉnh vẫn chỉ như “muối bỏ biển”. Học thêm, dạy thêm vẫn tràn lan. Các lớp học thêm vẫn mở ào ào, công khai có, lén lút cũng có, và vô số lớp dạy thêm núp bóng các trung tâm gia sư.

Học thêm giờ như một cái “mốt” của xã hội hiện đại. Không cắp sách vở học thêm, trẻ như một hiện tượng cá biệt. Không cho con đến các lớp học thêm, bố mẹ như một hiện tượng lạ lẫm. Và rồi học thêm cướp mất tuổi thơ của con trẻ, ngày qua ngày cứ thế trôi qua từ lúc nào chẳng hay và hành trang mang theo chỉ có mấy chữ “học”, “học” và “học”.

Nếu như dạy thêm đúng với bản chất của tinh thần tự nguyện thì chẳng có gì mà xã hội lên án. Chỉ có điều một bộ phận không nhỏ giáo viên đang dạy thêm ở thành thị thường sử dụng chiêu bài “gợi ý”, o ép và cả “đì” học sinh không đi học thêm. Đây mới chính là nguyên nhân gây ra bao hiện tượng trái tai gai mắt, tạo luồng dư luận xấu trong xã hội.

Nạn dạy thêm, học thêm gây tốn kém thời gian, tiền bạc, làm cho học sinh học hành căng thẳng và hình thành tâm lý ỷ lại, học tập thiếu động não, mất dần khả năng tự học, tự nghiên cứu. Trong khi khả năng tự học, tự nghiên cứu là điều rất cần trong giáo dục, bồi dưỡng nhân tài.

Những hình phạt “không thể nghĩ ra” của giáo viên

Mới đây, vụ việc cô giáo ở Quảng Ngãi bắt học sinh trong lớp tát một nam sinh 231 cái tát do nói tục, khiến nam sinh phải nhập viện đã khiến dư luận xã hội tỏ ra vô cùng bức xúc. Chưa bao giờ, trong một môi trường mô phạm, lại dung “nắm đấm, cái tát” để răn đe học sinh.

Những "cục sạn" lớn nhất ngành giáo dục Việt Nam ảnh 4 

Cho học sinh uống nước giẻ lau bảng một hình phạt “quái dị” của giáo viên thời nay

Hay vụ việc cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng tại trường tiểu học An Đồng (Hải Phòng) vì học sinh nói chuyện trong lớp. Hình phạt “quái dị” có “một không hai” này đã gióng lên một hồi chuông về đạo đức mô phạm của một bộ phận giáo viên hiện nay. Hình ảnh người thầy trong mắt các em học sinh như những “con hổ” khiến nhiều bậc phụ huynh lo ngại mỗi khi con em mình đến trường…

Và không chỉ có những vụ giáo viên phạt học sinh kiểu “quái dị” như tát học sinh, bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng mà còn muôn kiểu phạt “kinh dị” khác kiểu “tra tấn”: bắt học sinh quỳ, bắt học sinh ngậm bút, ngậm dép…khiến dư luận xã hội phẫn nộ, bức xúc.

Những hình thức răn đe, giáo dục học sinh tưởng như chuyện bình thường này đã vô hình trung gây tâm lý hoang mang cho học sinh và còn đi ngược lại những giá trị cao quý của nhà giáo, xâm hại nghiêm trọng đến quyền trẻ em được pháp luật bảo vệ.