Những “cột chủ quyền sống” trên Biển Đông

ANTĐ - Ngày tháng 5 nóng bỏng, tôi quyết định ra thăm ông bạn đồng nghiệp đã gắn bó với đảo Lý Sơn từ thời trai trẻ, lấy vợ, sinh con đẻ cái, dựng vợ gả chồng cho chúng, nay đã nghỉ hưu, sống hạnh phúc trên quê hương thứ hai.

Buổi sáng, ngư dân Lý Sơn nhộn nhịp ra khơi

Giữ nghiệp tổ tiên

Biết tôi muốn tìm hiểu cuộc sống của bà con ngư dân trong những ngày biển động này, ông bạn dẫn tôi đến thăm ông Nguyễn Quốc Chính, người  có thâm niên hơn 30 năm là ngư dân đánh cá trên ngư trường Hoàng Sa, cũng là Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ông Chính đang bận rộn cùng 2 con trai chuẩn bị đồ nghề cho chuyến ra khơi sáng hôm sau. Ông có nước da đen sạm, “ăn sóng nói gió”, sôi nổi nói át cả tiếng sóng biển: “Ngư dân sống không thể thiếu Hoàng Sa, đó là ngư trường truyền thống, có phần xương máu của cha ông chúng tôi. Chuyện tàu chúng tôi bị tàu Trung Quốc đâm va không phải bây giờ mới có, chỉ là thời điểm này dồn dập hơn mà thôi“. Theo ông Chính, từ năm ngoái đến tháng 5-2014 ở huyện đảo Lý Sơn đã có 27 tàu khai thác cá ở Hoàng Sa bị tàu Trung Quốc xua đuổi, ngăn cản, đập phá, cướp tài sản. Kể từ đầu tháng 5 vừa qua, khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép, đã có 6 tàu cá của Lý Sơn bị đập phá, cướp bóc.

Ông Chính đứng lên kéo lá cờ đỏ sao vàng lên trên cột buồm, dõng dạc tuyên bố như một lời thề: “Dù khó khăn, kể cả hy sinh tính mạng, chúng tôi cũng không bao giờ rời bỏ ngư trường, rời bỏ vùng biển truyền thống của ông cha để lại. Chúng tôi, con cháu của đội hùng binh Hoàng Sa anh hùng, quyết tâm sống chết bảo vệ ngư trường, để sau này con cháu được ra khơi bám biển. Ngư dân đảo Lý Sơn chúng tôi tự nguyện là “cột chủ quyền sống” trên Biển Đông.

Chúng tôi đến thăm nhà ông Võ Văn Út, ở xã Vĩnh An, trưởng ban liên lạc của dòng họ Võ Văn, một dòng họ có tiên hiền ra đảo Lý Sơn khai cơ từ rất sớm. Ông Út tự hào kể, chuyện dòng họ là dịch ra từ gia phả, cụ tổ của dòng họ Võ Văn là Võ Văn Khiết, một trong những binh phu đầu tiên được nhà Tây Sơn cử đi Hoàng Sa năm 1786 và được ban tước Hội nghĩa hầu, được nhà Tây Sơn giao nhiệm vụ tuyển chọn binh phu cho đội hùng binh Hoàng Sa hằng năm. Khi Nguyễn Ánh lập triều Nguyễn, thì ông Phú, con trai cả cụ Khiết kế thừa công việc đi Hoàng Sa cho làng An Vĩnh. Ông Phú được phong tước “Khâm sai thiết thủ Sa Kỳ hai môn kiêm chi Hoàng Sa các đội cai cơ thủ ngự phú nhuận hầu”. Bên cạnh dòng họ Võ Văn còn có nhiều dòng họ khác dẫn đầu đội hùng binh Hoàng Sa các đời vua Nguyễn sau này. Dòng họ Võ Văn bây giờ vẫn nối nghiệp đi biển của tổ tiên. Trong khu mộ dòng họ Võ Văn trên đảo Lý Sơn, tính từ cụ tổ Võ Văn Khiết cho đến nay đã có 45 ngôi mộ gió, nghĩa là có từng ấy người chết mất xác trên biển. Ông Võ Văn Út tâm sự: “Tôi đọc gia phả nhiều lần, đọc sử sách triều Nguyễn, tìm hiểu người trong dòng họ, tôi tin các cụ đi Hoàng Sa không chỉ để đánh bắt hải sản mà cái nghĩa lớn hơn là phụng mệnh triều đình, ra nơi trùng khơi khẳng định cương vực để con cháu đời sau nhớ đây là đất của người Việt Nam”.

Tự hào nòi giống

Nghiên cứu lịch sử huyện đảo Lý Sơn, tôi còn được biết, trước nữa, từ năm 1604, 15 tiên hiền từ 2 làng An Hải và An Vĩnh ở đất liền đã ra đảo Lý Sơn khai cơ. An Vĩnh có 7 người, gồm 2 người họ Võ, 2 người họ Phạm, 2 người họ Nguyễn và 1 người họ Trần. An Hải có 8 người: 3 họ Nguyễn, 1 họ Trương, 1 họ Dương, 1 họ Trần, 1 họ Võ và 1 họ Lê. Sau những ngày dong thuyền lênh đênh đánh cá trên biển, hết nước uống, họ lên đảo thấy đất tốt, cây cối um tùm một màu xanh mát, phát hiện có nguồn nước ngọt nên quyết định dừng chân lại nơi đây. Họ thống nhất phân vùng, chia đất dựng nhà ở, trồng trọt cây cối, rau xanh, ổn định cuộc sống. Sự thống nhất ngay từ những ngày đầu cha ông đặt chân lên đảo đã làm cơ sở không dẫn đến tranh chấp đất đai giữa các dòng họ, từ đời này sang đời khác. Sống ngoài đảo xa, điều kiện khó khăn, nên các dòng họ đã đoàn kết, dựa vào nhau để sống, đó là sức mạnh để chống lại “ kẻ thù 2 chân” từ nơi khác đến.

Chúng tôi theo chân bà con ngư dân đi biển về vào dự Lễ bế giảng năm học 2013-2014 của trường Tiểu học An Hải. Nghe các em hát vang bài ca: “Việt Nam ơi! Việt Nam ơi! Nước non ta sáng ngời ngàn xưa/ Này anh em cùng ca vang/ Núi xanh xanh, biển cả xanh xanh/ Đây Hoàng Sa, đây Trường Sa ta vẫn tự hào…”. Tôi càng hiểu thêm, tại sao người Lý Sơn hàng trăm năm nay đi đánh bắt hải sản ở Hoàng Sa, đơn giản vì đó là biển của Việt Nam. Họ quyết không lùi bước, cho dù thế lực nào ngang ngược đến xâm lăng.