Những công dân tập thể

ANTD.VN - Đó là tên bộ phim truyền hình 36 tập về một khu tập thể cũ của Hà Nội được phát sóng năm 2012 do tôi cùng một nhóm biên kịch nữ là tác giả kịch bản. Nhắc đến bộ phim này, tôi muốn viết đôi chút về chủ nhân của những khu tập thể đó. Họ là những cư dân một thời từng là những công dân hạng sang của Hà Nội.

Những công dân tập thể ảnh 1Những căn hộ cơi nới kiểu "chuồng cọp" một thời đã tăng diện tích ở đáng kể cho các công dân tập thể. (Ảnh: Internet)

Hà Nội những năm 1960, 1970 bắt đầu xây dựng những khu nhà tập thể cao tầng. Cao nhất cũng chỉ là 4 đến 5 tầng, sau này  mới có khu làm đến 6 tầng. Chủ yếu các khu tập thể này nằm ở Kim Liên, Trung Tự, Thành Công, Giảng Võ... Thời bấy giờ, Hà Nội còn thoáng đãng, nhu cầu nhà mặt phố hoàn toàn không có. Trừ một số ít nhà tư, các ngôi nhà ở khu phố cổ, khu phố cũ do xí nghiệp nhà quản lý được chia nhỏ cho nhiều hộ dân cùng chung sống rất chật chội, thế nên những ai được tiêu chuẩn ở những khu tập thể này phải là những công dân chí ít nằm trong diện cán bộ do thành phố quản lý. Nếu là cán bộ trung ương thì cũng phải là cấp cục, vụ, viện.

Thời đó bao cấp chưa có thành phần kinh doanh cá thể, ngoài một số hộ tiểu thương buôn bán nhỏ nên những nhà ở tầng 1 chưa được coi trọng. Các gia đình cán bộ thường chọn cho mình tầng trên cao thoáng mát. Thế mới có nghịch lý là những gia đình ở tầng 1 là những người chức vụ thấp hơn nhưng lại bổng lộc nhiều hơn khi đất nước mở cửa cho các thành phần kinh doanh tư nhân phát triển.

Những căn hộ tầng 1 mặc nhiên trở thành những cửa hàng buôn bán thu về bộn tiền. Tôi có nhiều người quen ở những khu tập thể như thế. Một vụ trưởng tổ chức ở bộ chọn tầng 2 khu Thành Công. Viện trưởng một viện lớn cũng chọn 2 căn ở tầng 3 khu này. Ngay trong gia đình tôi cũng có một phó giám đốc sở chọn tầng 3 khu Trung Tự. Tùy theo cấp bậc để có những ưu tiên lựa chọn tầng ở. 

Cấu trúc các khu nhà có khác nhau nhưng cơ bản là gần thống nhất. Các khu Thành Công, Trung Tự là những nơi tôi có người nhà ở đều cấu trúc kiểu nhà 5 tầng. Mỗi căn hộ phân chia phòng ở có ngăn ra làm hai và chạy dọc theo phòng ở là bếp và khu vệ sinh. Tổng diện tích cả phụ vào quãng 40 mét vuông. Phía trước mỗi nhà là hành lang chung. Mỗi căn hộ thế này ban đầu thường là có hai thế hệ cùng ở.

Theo thời gian đến quãng cuối thập niên 80 là ba thế hệ. Cá biệt có thể là tứ đại đồng đường trong cùng một căn hộ khi thời gian leo sang thập niên 90. Với diện tích như thế, cấu trúc như thế, sự chật chội ngày thêm bức bối. Dân ta có cái hay là trong mọi tình thế đều tìm ra hướng giải quyết. Phong trào chuồng cọp lan rộng.

Vì là nhà đơn khối, khoảng cách từ khu tập thể này sang khu khác khá rộng nên chuồng cọp được làm cả mặt trước lẫn sau. Mặt trước trừ hành lang chung không thể xâm phạm còn thì các hộ cứ chiểu mặt tiền nhà mình mà lấn chiếm khoảng không. Nếu các hộ từ tầng 1 liên kết với các tầng trên, họ có thể xây chồng lên nhau từ mặt đất. Còn nếu làm riêng rẽ thì sẽ đục tường chèn giá đỡ và lắp khung nhà bằng sắt thép.

Trong những buồng cơi nới này cũng có vách kín và mặt nền lát đá hoa hẳn hoi. Những chiếc chuồng cọp cứ thế mọc ra như nấm làm biến dạng mọi khu tập thể bất chấp nguy hiểm. Tuy thế căn hộ cơi nới kiểu này đã làm tăng diện tích ở đáng kể cho các công dân tập thể.

Vì là cán bộ nên theo thời gian thang bậc phát triển, nhiều chủ nhân ở những vị trí cao hơn được phân phối thêm chỗ ở mới hoặc do kinh tế phát triển thu nhập khá lên, không ít nhà tự chuyển đổi nhà cửa. Không phải ở đâu cũng quản lý tốt để thu hồi diện tích cũ, thế nên mới có chuyện thay đổi chủ nhân những khu nhà hoặc là lớp chủ nhân đầu tiên cho con cháu ở còn mình thì đến chỗ ở mới.

Cũng có trường hợp họ bán đứt nhà để di chuyển. Các khu tập thể vào thập niên 90 có sự thay đổi chủ ở mức độ tương đối. Gia đình vị vụ trưởng tổ chức tôi quen ở khu Thành Công khi con cái phương trưởng họ đã mua được căn hộ bên cạnh và đục tường thông nhau thành một căn hộ ghép, nếu tính cả khu chuồng cọp thì có diện tích khá rộng, hơn trăm mét vuông với nhiều phòng và được cải tạo nội thất khá hiện đại. Còn gia đình viện trưởng thì nhượng lại cả hai căn hộ dồn tiền mua đất xây nhà có nền ở một phố trung tâm.

Diện tích cơi nới rộng lên đi đôi với sự xuống cấp các khu tập thể. Sang thập niên đầu thế kỷ 21 có một sự thay đổi cơ bản chủ nhân các khu tập thể. Thành phố lúc này đã có nhiều khu chung cư cao cấp. Chỉ còn một số ít chủ nhân cũ bám trụ lại với khu tập thể vì thói quen hoặc vì kinh tế hạn hẹp.

Các căn hộ tập thể được bán lại luân chuyển cho một số thành phần kinh tế trung bình. Hoặc nữa là người tỉnh ngoài có con cái học đại học hoặc có nhu cầu phát triển dần ra thành phố sinh sống. Một số gia đình Hà Nội chật chội cũng dành dụm được ở mức vừa phải, chỉ đủ tiền mua được những căn hộ tập thể đã xuống cấp này.

Các khu tập thể giờ chỉ còn một lợi thế duy nhất là vị trí đều ở những khu phố đẹp trong tổng thể một Hà Nội mở rộng. Từ chỗ là ngoại vi ngày nào, giờ những khu nhà đó được coi là đắc địa ở nội đô.

Lý do tôi làm kịch bản “Những công dân tập thể” ngày đó ngoài sự muốn phản ánh cuộc sống của họ còn là lý do khác. Đó là tôi sợ rằng một ngày nào đó muốn làm phim sẽ không còn bối cảnh.

Điều đó đã, đang và sẽ trở thành hiện thực khi thành phố đã có chủ trương phá dỡ xây dựng lại các khu nhà tập thể cũ đã xuống cấp trầm trọng. Một chủ trương hợp lý dù những công dân tập thể tôi vừa nói đến có rất nhiều vấn vương với những kỷ niệm về khu nhà của mình một thời huy hoàng.

Hà Nội, 14-12-2016