Giáo dục tự kỉ (1):

Những cô giáo “nói thật sợ không lấy được chồng”

ANTĐ - Lớp học dành cho các em tự kỷ từng bị những người dân xung quanh gọi là “trại điên”, nhiều giáo viên không dám đưa người yêu của mình tới “trại”. Có cô giáo từ bỏ tình yêu của mình vì mẹ người yêu cho rằng “dạy tự kỷ đẻ ra con tự kỷ”.

Ế vì dạy trẻ tự kỷ

Tốt nghiệp Trường Trung cấp Văn hoá nghệ thuật ở Vinh, năm 2006, Nguyễn Thị Kim Nga (30 tuổi) ra Hà Nội, trị liệu nghệ thuật ở một trung tâm tự kỷ.

Thời gian đầu, chị vô cùng lạ lẫm trước một căn phòng đầy trẻ con, đứa thì hùng hục đập đầu vào tường, đứa chỉ chơi với một con búp bê cũ nát, đứa im lìm cả ngày không tiếp xúc với ai.

Chị Nguyễn Thị Kim Nga
Chị Nguyễn Thị Kim Nga
“Như thể bước vào một thế giới khác, không ngờ tới”. Nhưng điều bất ngờ hơn là vì công việc này, chị không lấy được chồng.

Người yêu của chị hồi đó là một giáo viên dạy toán. Bố mẹ anh đều là những người giỏi giang. Yêu nhau một thời gian, anh về nhà kể nghề nghiệp của người yêu.

Mẹ anh giãy nảy lên: “Dạy trẻ tự kỷ thì con mày cũng tự kỷ à?”. Bố anh nói: “Không có bằng đại học thì đừng nói chuyện gì với nhà này” - anh tường thuật lại lời bố mẹ.

4 năm trôi qua nhưng cảm giác đau đớn, tủi hổ lúc đó vẫn còn nguyên trong chị. Nghĩ rằng anh không đủ dũng cảm để giải thích về nghề nghiệp, giải toả định kiến của bố mẹ dành cho mình, chị dứt khoát chia tay.

Định kiến vô lý và kỳ lạ của người “mẹ chồng hụt” lại là điều không ít cô giáo dạy tự kỷ phải đối mặt. “Ở Việt Nam mình, phần nhiều mọi người vẫn nghĩ rằng trẻ khuyết tật, tự kỷ thì dốt nát, kém cỏi, chẳng làm nên trò trống gì, là đồ bỏ đi. Vậy thì dạy cho những đứa bỏ đi cũng chẳng có ý nghĩa gì. Cùng với trẻ tự kỷ, giáo viên dạy tự kỷ dường như cũng bị gạt ra ngoài lề xã hội”, chị Nga nói.

Sau 7 năm mới dám nói “tôi đi dạy tự kỷ”

Chị Trần Hồng Lê (35 tuổi, trung tâm Sao Mai) đã bước vào nghề đặc biệt này 12 năm, từ khi lớp học tự kỷ còn bị coi là “nhà thương điên”, “trại tâm thần.”

“Đến bây giờ vẫn không dám nghĩ lại hồi đó. Những người dân xung quanh gọi nơi tôi làm việc là “trại điên”. Họ không dám lại gần các con, nhìn giáo viên bằng con mắt coi thường, ghẻ lạnh”.

Thời gian đó, bủa vây bởi định kiến nặng nề của xã hội, các cô giáo chẳng bao giờ dám nói với những người xung quanh, thậm chí cả người thân của mình về nghề nghiệp, địa điểm mình làm việc. “Chúng tôi thường đùa với nhau là đi làm mà phải giấu giếm như đi ăn trộm vậy”.

Sau 7 năm mới dám nhận mình đi dạy trẻ tự kỉ. Ảnh minh họa
Sau 7 năm mới dám nhận mình đi dạy trẻ tự kỉ. Ảnh minh họa

Suốt 4 năm liền, mỗi lần người yêu - cũng là người chồng bây giờ của chị - chở đi làm, chị đều bắt dừng ngoài ngõ, rồi đi bộ 1km vào lớp, sợ anh biết “trại điên” mà mình làm việc. “Tôi phải giấu giếm suốt 4 năm liền, đến tận lúc cưới. Ngày đó, nếu mình nói thật ngay từ đầu chắc bây giờ không có chồng”.

Trước đó, một anh chàng tán tỉnh chị đã “bỏ của chạy lấy người” ngay lập tức khi biết nghề nghiệp của chị.

Mọi chuyện có vẻ êm đềm sau khi kết hôn, chồng chị là người hiểu biết, thông cảm với chị, cũng không có điều tiếng gì từ “dư luận nhà chồng”. Đến lúc con trai đầu hơn 1 tuổi, chị mới bàng hoàng khi mẹ chồng “thú nhận”: “Đến lúc này mẹ mới thở phào, chỉ sợ con đi làm nghề đó, thằng bé lại bị tự kỷ”.

Bắt đầu vào nghề năm 2000, nhưng đến 7 năm sau, khi “nồng độ” định kiến xã hội đỡ phần đậm đặc do nhiều người hiểu biết hơn về khuyết tật này, chị và những đồng nghiệp khác mới dám nói “tôi đi dạy tự kỷ” thay vì giấu giếm như trước đó.

Theo chị Trần Hồng Lê, bây giờ mọi người đã hiểu biết nhiều hơn về tự kỷ qua các phương tiện thông tin đại chúng nhưng vẫn còn có những nỗi oan chưa được giải tỏa cho trẻ tự kỷ, giáo viên và gia đình họ.

Giáo viên dạy tự kỷ bây giờ không còn cảnh “đi làm như đi ăn trộm” như ngày xưa, nhưng cũng vẫn còn đối diện với những cách nhìn thiếu thiện cảm. “Giới thiệu cho anh người quen cô bé đồng nghiệp ở trung tâm, cậu ta thản nhiên: Thôi, bỏ qua, nghe tự kỷ kinh quá!”     

“Người ta hiểu nhầm trẻ tự kỷ là “tâm thần”, “điên điên”, không bình thường. Họ cũng cho rằng giáo viên thường xuyên tiếp xúc với trẻ tự kỷ cũng bị ảnh hưởng xấu theo kiểu “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Mẹ dạy tự kỷ thì cũng ảnh hưởng tiêu cực đến cách dạy con” - chị Lê nói.

Thực tế, dạy tự kỷ là một công việc không hề đơn giản. Người dạy phải am hiểu về tâm lý trẻ em nói chung, có kiến thức chuyên sâu về hội chứng tự kỷ và những phương pháp giáo dục, trị liệu chuyên biệt.

“Những kiến thức, trải nghiệm nghề nghiệp cũng như kiên nhẫn được rèn luyện trong nghề chắc chắn sẽ giúp một người mẹ là giáo viên tự kỷ dạy con mình tốt hơn chứ không hề ảnh hưởng xấu như một số người nhìn nhận” - chị Nguyễn Thị Thanh Đào (giáo viên tự kỷ, mẹ của một con gái 3 tuổi) khẳng định.